Đắk Lắk chủ động phương án ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết
- Y học 360
- 09:15 - 18/07/2022
Trước sự diễn biến phức tạp, Sở Y tế Đắk Lắk chủ động xây dựng các phương án ứng phó tùy vào diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, có phương án dịch lây lan và bùng phát trong cộng đồng, các đơn vị y tế dự phòng tổ chức khoanh vùng ổ dịch, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch; tiếp tục tăng cường triển khai giám sát sốt xuất huyết để kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch mới, khoanh vùng, xử lý sớm các ổ dịch trong cộng đồng…
Đắk Lắk từng trải qua những giai đoạn dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh và ghi nhận ca tử vong: Năm có dịch lớn của tỉnh là 1998 với hơn 9.000 trường hợp mắc và 7 trường hợp tử vong. Năm 2013 có trên 4.500 trường hợp mắc, năm 2015 có trên 3.000 trường hợp mắc và có 1 trường hợp tử vong. Năm 2016 ghi nhận 13.234 trường hợp mắc tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong đó có 2 trường hợp tử vong. Số mắc năm 2016 tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2015.
Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế nhận định, năm 2022 có nguy cơ cao dịch bùng phát do bệnh sốt xuất huyết thường gây dịch với chu kỳ 3 năm; trong đó thời điểm gần nhất dịch bệnh bùng phát trên cả nước là năm 2019. Chưa kể, lưu lượng giao thông cả về người, hàng hóa, xe cộ từ các tỉnh khác về tỉnh Đắk Lắk rất lớn, thường xuyên và khó kiểm soát; biến đổi của khí hậu, thời tiết nắng nóng kết hợp với những đợt mưa thất thường tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và phát triển.
Ngoài ra, theo giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết chưa phát huy hết hiệu quả; ý thức tự phòng bệnh của người dân còn thấp, phó mặc cho ngành y tế, việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt lăng quăng còn gặp nhiều khó khăn, không triệt để. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào diệt muỗi đốt nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh.