Đắk Lắk: Cả tỉnh có 3 nơi lọc thận, chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu lọc máu nhân tạo của bệnh nhân
- Sức khỏe
- 16:42 - 22/04/2019
Cụ thể theo ông Hùng, việc lọc máu cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo đang là một vấn đề khó khăn của tỉnh nhà.
Ngành y tế tỉnh Đắk Lắk hiện chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu lọc máu nhân tạo của bệnh nhân, do đó những ca nặng thường chuyển lên bệnh viện (BV) tuyến trên hoặc về Nha Trang.
Trẻ chạy thận nhân tạo.
"Toàn tỉnh chỉ có 3 điểm đặt máy lọc thận là BV tỉnh, BV thành phố Buôn Ma Thuột và mới đây là BV Đa khoa thị xã Buôn Hồ, với khoảng 40 máy lọc. Riêng BV tỉnh mỗi ngày có 3 kíp lọc, sáng 1 kíp, trưa 1 kíp, chiều 1 kíp, chia đều bệnh nhân lọc máu vào các ngày 2-4-6, 3-5-7, chỉ có chủ nhật là nghỉ. Lịch lọc máu gần như dày đặc.
Nhiều người nghĩ thân quen với tôi muốn xin cho người nhà lọc thận, tôi cũng đành phải trả lời là phải đợi khi có ca chết thì mới thế người khác vào được. Nghe có vẻ rất tàn nhẫn nhưng xin nói thực tế là như vậy" - ông Hùng dẫn chứng về sự thiếu thốn trang thiết bị lọc máu của tỉnh.
Một phụ nữ bị vàng da nặng nhiều ngày nhưng không tầm soát, khi đoàn bác sĩ Bệnh viện Quận 2 đến khám thì nghi ngờ chị đã bị xơ gan.
Do đó tại buổi ký kết chuyển giao kỹ thuật điều trị giữa bệnh viện Quận 2 (TP.HCM) cho bệnh viện đa khoa Cư Kuin, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk hi vọng nơi đây sẽ sớm triển khai việc lọc thận nhân tạo. Để vừa giảm gánh nặng cho tỉnh, vừa có thêm nhiều hơn cơ hội sống cho người dân.
Do đó khi nghe đoàn bác sĩ từ thiện đến khám, họ rất mừng.
Song song với việc chuyển giao kỹ thuật, phía BV Quận 2 cũng tiến hành từng bước hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Đa khoa Cư Kuin, trong 3 ngày từ 19-21/4, đoàn y, bác sĩ của BV đã từ TP.HCM đến địa phương để khám, chữa bệnh miễn phí cho gần 300 lượt bệnh nhân.
Hai mẹ con này đến bệnh viện từ sáng sớm.
Rất nhiều trẻ được mẹ ẵm đến khám tổng quát.
Trong số này, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và các bà mẹ dù nhà cách BV khá xa nhưng khi nghe có bác sĩ đến khám từ thiện cũng cố đưa con nhỏ đến từ sớm.
Chị Nguyễn Thị Sáng (39 tuổi) dẫn theo 3 cô con gái đi nhờ xe máy hơn 10km từ nhà để đến bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin.
"Mẹ tôi bệnh tim, nhà hộ nghèo. Tôi có 3 con gái là Lê Ngọc Trang (13 tuổi), Lê Ngọc Anh, và Lê Ngọc Ánh (sinh đôi, cùng 7 tuổi). Đây là lần đầu tiên tôi được bác sĩ ở Sài Gòn về khám. Tôi nghĩ các bác sĩ giỏi sẽ chữa bệnh tốt hơn cho 4 mẹ con nên phải ráng đến sớm" - chị Sáng chia sẻ.
4 mẹ con nhà chị Sáng có mặt tại buổi khám bệnh.
Còn chị Choa Nie (35 tuổi, người dân tộc Ede) ẵm theo bé HHang Nie đến bệnh viện để động viên tinh thần cho bà Van Nie (53 tuổi, mẹ chồng chị) ở Buôn Tiêu, Xã Ea Tiêu.
Hai mẹ con nhà chị Choa Nie.
"Mẹ mình hay bị bệnh tim lắm mà đi khám ngoài toàn tiền tiền không à. Hôm nay có bác sĩ Sài Gòn đến khám và cho thuốc miễn phí nữa nên rất mừng. Mong tháng nào đoàn cũng xuống để mẹ tôi đỡ khổ" - người phụ nữ nói.
Ý thức về tầm soát sức khỏe định kỳ của người dân tại đây chưa cao.
Cũng dẫn mẹ già 71 tuổi đi khám bệnh, ni sư Thích Nữ Trung Hiền cho biết mẹ cô bị thần kinh tọa, thoái hóa cột sống, liệt dây thần kinh, mắt mờ nên đau yếu liên miên. Có đưa mẹ đi khám thì mới biết người dân ở Cư Kuin còn hạn chế về vấn đề chăm sóc y tế rất nhiều.
Một cô bé người dân tộc thiểu số được cha đưa đi khá, khi bị sốt nhiều ngày.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc BV Đa khoa huyện Cư Kuin cho biết, trẻ ở địa phương thường gặp các vấn đề ở đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh theo mùa, trong khi ở người lớn, người già là tiểu đường, cao huyết áp.
Người mẹ dân tộc địu con đi khám bệnh.
Dù đã nỗ lực nhiều nhưng nhiều kỹ thuật như mổ nội soi, sản khoa, gây mê, hồi sức, cấp cứu phức tạp... tại đây vẫn còn chưa thực hiện được. Nhiều trường hợp buộc lòng phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Bệnh viện huyện Cư Kuin đã có máy bốc số khám bệnh tự động và đang lỗ lực nâng cao chất lượng.
"Sau khi ký kết chuyển giao kỹ thuật, tương lai chúng tôi sẽ cố gắng phát triển để trở thành BV hạng 2, qua đó giúp khám chữa bệnh tốt hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân" - bác sĩ Dũng mong muốn.