THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:48

Báo động tình trạng ngộ độc thực phẩm

 

Theo Chi cục An  toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Đắk Lắk từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 139 người mắc, trong đó, 46 người phải nhập viện điều trị và 1 người tử vong. Đặc biệt chỉ  trong vòng chưa đến 10  ngày của tháng 6 vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra liên tiếp hai vụ ngộ độc tập thể.

Nguyên nhân là do ăn phải nấm độc, thịt gia súc, gia cầm mắc bệnh hoặc chế biến, bảo quản không đúng cách. Cụ thể,  2 vụ ngộ độc do ăn phải nấm tự nhiên, 3 vụ do nghi ngờ thực phẩm bị biến chất và thịt chó bị bệnh, 1 vụ sau khi uống rượu ngâm các loại rễ cây kiếm được trong tự nhiên (làm 1 người tử vong), 1 vụ do ăn tiết canh lòng heo, 1 vụ do ăn tiệc ở đám cưới. So với cùng kỳ năm 2015, số vụ ngộ độc tăng 7 vụ và 128 người mắc.

Bác sĩ Trần Văn Tiết, Chi cục phó Chi cục ATVSTP cho biết, bên cạnh NĐTP do ăn phải thức ăn nhiễm vi sinh vật và thức ăn được chế biến từ thực phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản tồn dư thì đáng lo ngại hơn, với đặc thù địa lý, tự nhiên của tỉnh, nguy cơ ngộ độc cao thường nằm ở nhóm thực phẩm thu hái được trong tự nhiên. Đa số vụ NĐTP này đều xảy ra tập thể và  chủ yếu ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, dịch vụ nấu ăn lưu động cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn VSTP. Vụ  ngộ độc tại buôn Băng Kung, xã Ea Trul, huyện Krông Bông khiến 62 người sau khi ăn tiệc đám cưới của một người dân trong buôn (ngày 12-8), đến 22 giờ đêm cùng ngày thì nhiều người có hiện tượng đau đầu nhẹ, buồn nôn, đau bụng đi ngoài  phải điều trị  tại Trạm y tế xã.  Rất may là hầu hết chỉ bị ngộ độc nhẹ nên đến chiều ngày hôm sau, các bệnh nhân đều xin về nhà để điều trị ngoại trú.

 

Kiểm tra các quy định về ATVSTP tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, bác sĩ Trần Văn Tiết cho biết thêm, đối với dịch vụ nấu ăn lưu động thường được nấu nướng ngoài trời, nhiều người trực tiếp tham gia chế biến chưa được trang bị kiến thức ATVSTP, chưa quan tâm đúng mức đến việc sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng…, lại phục vụ một lúc đông người nên khó tránh khỏi nguy cơ gây NĐTP tập thể.

Trên thực tế, dù đã được các cơ quan chức năng cảnh báo thường xuyên, nhưng số vụ NĐTP vẫn xảy ra liên tiếp trên địa bàn và có chiều hướng gia tăng. Do đó, để hạn chế và ngăn ngừa tình trạng này, Chi cục ATVSTP cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền bằng hình thức phát tờ rơi, cẩm nang, hướng dẫn sử dụng thực phẩm an toàn và phòng chống NĐTP cho người dân. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm soát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là đối với các dịch ăn uống, bữa ăn tập trung đông người, bếp ăn tập thể…

Được biết, trong các đợt kiểm tra định kỳ ATVSTP do Chi cục ATVSTP thực hiện từ đầu năm đến nay tại 120 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã phát hiện 47 cơ sở vi phạm các quy định trong bảo đảm VSATTP và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính gần 300 triệu đồng.

Bác sĩ Trần Văn Tiết, Chi cục phó Chi cục ATVSTP cho biết: "Để tránh tình trạng NĐTP, người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm còn hạn sử dụng, có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng ở những địa chỉ đáng tin cậy. Đặc biệt, đối với các loại rau quả thu hái trong tự nhiên như nấm, rễ  cây (dầm rượu) nếu không biết rõ nguồn gốc thì tuyệt đối không nên sử dụng để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra".

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh