THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:03

Đại hội Thi đua yêu nước ngành ngoại giao: Giữ vững hòa bình, hội nhập hiệu quả

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, ông Lê Hồng Anh, thường trực Ban Bí thư; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, cùng các cán bộ lão thành của Bộ Ngoại giao và hơn 500 đại biểu ưu tú trong phong trào thi đua của ngành đã tham dự Đại hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc, lời kêu gọi đó vẫn giữ nguyên giá trị và ngày càng được phát huy. Thực hiện tư tưởng thi đua ái quốc của Bác - được cụ thể hóa bằng các Chỉ thị số 34 (ngày 07/4/2014) của Bộ Chính trị, Chỉ thị 35 (ngày 19/12/2014) của Thủ tướng Chính phủ, Luật Thi đua - khen thưởng của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã đưa các chủ trương, chính sách về thi đua - khen thưởng của Đảng và Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống.

Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương đã biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của Bộ Ngoại giao vì những đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao, bằng những hành động cụ thể, sáng tạo tận tụy về sự nghiệp đối ngoại của đất nước; đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn môi trường hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước, nâng cao vai trò, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, trong tình hình mới, nhiệm vụ của ngành ngoại giao là rất nặng nề, đòi hỏi các cán bộ ngoại giao phải luôn kiên định mục tiêu và quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Các cán bộ ngoại giao cần nỗ lực hành động, lập nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa trong các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần thiết thực và hiệu quả ngày càng cao để tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững của đất nước

Có thể nói, công tác thi đua - khen thưởng của Bộ Ngoại giao luôn là nội dung quan trọng của công tác xây dựng Ngành; là biện pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy thi đua lành mạnh giữa các đơn vị và cá nhân ở trong và ngoài nước; góp phần tích cực thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.     

Trong 5 năm qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng và phức tạp; tác động nhiều chiều đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước. Thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XI, Bộ Ngoại giao đã triển khai công tác đối ngoại  đồng bộ, toàn diện, đúng hướng, có trọng tâm trọng điểm và đã thu được nhiều kết quả mang tính đột phá. Tập trung chủ yếu trong giai đoạn này, Việt Nam đã thiết lập được hệ thống các quan hệ “đối tác chiến lược”, “đối tác chiến lược trên một số lĩnh vực”, “đối tác toàn diện” với 26 nước; trong đó có 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gắn Huân chương  trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Ủy ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao 

Phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao Nhà nước với đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân, Bộ Ngoại giao đã làm tốt chức năng tham mưu cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong chỉ đạo vĩ mô về công tác đối ngoại. Điều phối hài hòa các hoạt động đối ngoại cấp cao cũng như đối ngoại của các Bộ/ngành/địa phương.

Góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ đối ngoại hàng đầu Đảng và Nhà nước giao phó là giữ vững và bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác đối ngoại vừa góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; vừa chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Những thành tựu trên mặt trận đối ngoại trong 5 năm qua có phần đóng góp quan trọng của công tác thi đua - khen thưởng

Đây cũng là biện pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy thi đua lành mạnh giữa các đơn vị, cá nhân ở trong và ngoài nước; góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015).

Qua 4 năm thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Ngoại giao luôn là đơn vị dẫn đầu Khối Thi đua các bộ/ngành khoa học-văn hóa-Xã hội (gồm 9 cơ quan) và liên tục được tặng thưởng Cờ Thi đua của Chính phủ trong Khối.

Trong tổ chức phong trào thi đua, Bộ Ngoại giao đã tạo dựng được môi trường thi đua tốt để các đơn vị “cạnh tranh lành mạnh” với nhau trong thực hiện mục tiêu của các phong trào thi đua. Không dừng lại ở hô khẩu hiệu chung chung, công tác thi đua tại Bộ Ngoại giao đã trở thành công cụ quan trọng để tạo động lực cạnh tranh và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ các các tập thể và cá nhân.

Qua thực tiễn triển khai công tác, Bộ Ngoại giao đã hình thành được cơ chế chấm điểm thi đua để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các đơn vị. Đây là cơ sở tham khảo quan trọng để lãnh đạo Bộ đánh giá xếp loại thi đua các đơn vị hàng năm.

Bên cạnh phong trào thi đua toàn ngành, nhiều đơn vị đã chủ động tổ chức phong trào thi đua riêng phù hợp với đặc thù cơ sở. Việc phát hiện, bồi dưỡng và tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến là nội dung quan trọng trong tổ chức phong trào thi đua.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng kêu gọi mỗi cán bộ đối ngoại cần nỗi lực vượt lên chính mình, tận dũng tối đa những điều kiện quốc tế thuận lợi để phấn đấu, góp phần đưa đất nước phát triển.

Công tác khen thưởng được Bộ Ngoại giao quan tâm đặc biệt và thực hiện nghiêm túc. Bộ Ngoại giao đã xây dựng được quy trình xét duyệt khen thưởng chặt chẽ và dân chủ (qua 5 cấp).

Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, hàng ngàn tập thể và cá nhân xuất sắc của ngành ngoại giao đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như: 1 Huân chương Hồ Chí Minh; 9 Huân chương Độc lập các hạng và 81 Huân chương Lao động; 212 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...

Về phương hướng nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2016-2020, Bộ Ngoại giao xác định: Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và phương hướng nhiệm vụ do Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI, hằng năm phát động phong trào thi đua với nội dung thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị đối ngoại của Ngành.

Tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua để tạo không khí thi đua sôi nổi nhằm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Đó là, giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước và góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Đồng thời tiếp tục hoàn thiện bộ máy làm công tác thi đua-khen thưởng của Bộ Ngoại giao theo hướng chuyên nghiệp, khoa học và hiệu quả.

Thanh Nhung / Lao động & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh