CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:49

Đại hội lần thứ XIII của Đảng: Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường

Bài 3: Ý ĐẢNG HỢP LÒNG DÂN

Điểm nhấn nổi bật, đặc trưng nhất trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII là hai thành tố được đề cập và nhấn mạnh nhiều lần, từ chủ đề Đại hội, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Đó là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đổi mới sáng tạo.

1.- Trong một bài viết định hướng cho việc chuẩn bị đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Tạo bước chuyển căn bản nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo… Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; hoàn thiện và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới".

Nhìn lại lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc qua các thời đại, Việt Nam đánh thắng tất cả các cuộc chiến tranh xâm lược của phong kiến phương Bắc, giữ vững nền độc lập dân tộc, sáng tạo nên nền văn minh Đại Việt rực rỡ không phải chủ yếu bằng tiềm năng quân sự, bằng sức mạnh vật chất, mà trước hết và chủ yếu bằng sức mạnh quật khởi vĩ đại bắt nguồn từ khát vọng về chủ quyền quốc gia: sông núi nước Nam vua Nam ở, về một quốc gia Đại Việt vốn xây nền văn hiến đã lâu; núi sông, bờ cõi đã chia, phong tục Bắc, Nam cũng khác và khát vọng về một đất nước phú cường non sông nghìn thuở vững âu vàng.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng: Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường - Ảnh 1.

Cùng với giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu là động lực phát triển kinh tế - xã hội (Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) thực hành sử dụng cánh tay robot) _Ảnh: Tư liệu

Đến thời đại Hồ Chí Minh, từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã làm cuộc cách mạng Tháng Tám đập tan gông xiềng áp bức, bóc lột của đế quốc, phong kiến, tiến lên xây dựng và bảo vệ Nhà nước cách mạng; đánh thắng các thế lực xâm lược hùng mạnh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những chiến công oanh liệt đó được tạo nên bằng sức mạnh vô địch của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng khởi nguồn từ khát vọng mãnh liệt được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành chân lý: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ; không có gì quý hơn độc lập, tự do; nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi.

Đất nước thống nhất, chúng ta tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, với khát vọng chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, trong điều kiện rất khó khăn do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong một thập kỷ đất nước vẫn chưa thoát ra cảnh đói nghèo. Nhân dân đồng lòng tin theo Đảng tiến hành sự nghiệp đổi mới. Khát vọng ấm no, hạnh phúc đã chuyển hóa thành sức mạnh to lớn đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, khủng hoảng tài chính, khu vực và toàn cầu; khủng hoảng niềm tin về mô hình xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ ở một số nước… đưa đất nước ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; vượt lên, kiềm chế thành công đại dịch Covid-19, hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do dịch bệnh gây ra, ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, khôi phục kinh tế là một trong những nước duy trì tăng trưởng ở mức cao của khu vực và thế giới .

Khát vọng dân tộc còn được minh chứng ở hình ảnh dòng người mang sắc đỏ từ thành phố đến nông thôn, từ Hà Nội đến TP.Hồ Chí Minh, hay bất kỳ địa phương nào, người dân thuộc mọi lứa tuổi, không phân biệt tầng lớp, nghề nghiệp, thôn quê hay thị thành, đổ ra tràn ngập đường với dòng người ken đặc, tay trong tay, cờ đỏ sao vàng rợp trời, những khuôn mặt rạng rỡ, tiếng hò reo dậy đất, "Việt Nam vô địch". Đó là những dòng năng lượng khổng lồ, trẻ trung, tươi mới - dòng năng lượng tích cực. Là năng lượng sức xuân mang khát vọng thịnh vượng hùng cường nâng cánh cho dân tộc ta vươn tới đỉnh vinh quang

2.-Chúng ta đang đứng trong một thế giới biến đổi với gia tốc lớn, diễn biến phức tạp. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ ở giai đoạn mới mà thể hiện ở làn sóng vĩ đại của đổi mới công nghệ đang tổ chức lại một cách cơ bản đời sống xã hội con người về mọi mặt từ kinh tế đến văn hóa. Một đặc trưng nổi bật của nền văn minh trí tuệ là quá trình phát triển quốc gia ít dựa trên các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà dựa chủ yếu vào tri thức khoa học, công nghệ. Thông tin và tri thức trở thành yếu tố đầu vào của hệ thống sản xuất, quản lý đó là công cụ để sáng tạo của cải là chìa khóa của quyền lực và an ninh kinh tế - xã hội.

Ngày nay thế và lực của nước ta dù đã mạnh hơn trước như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Tuy vậy, nội tại của nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, khả năng làm chủ công nghệ hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh. Các vấn đề xã hội, môi trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Nguy cơ tụt hậu và mắc bẫy thu nhập trung bình của nền kinh tế còn đang hiện hữu. Để chúng ta bắt kịp, tiến cùng các quốc gia khác trong tiến trình phát triển, đòi hỏi chúng ta phải nắm lấy thời cơ, vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp sự phát triển của thời đại.

3.-Các Dự thảo văn kiện trình đại hội XIII của Đảng đã được triển khai lấy ý kiến của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thế chính trị - xã hội và nhân dân đạt kết quả tốt, có ý nghĩa rất quan trọng. Trong 20 ngày lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân và nhiều hội nghị, tọa đàm của các tổ chức khoa học, đoàn thể, các ban ngành, các nhân sĩ, nhà khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài… diễn ra tâm huyết, trách nhiệm và rất phong phú, đề cập các nội dung quan trọng về định hướng phát triển đất nước trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, khoa học, công nghệ... đặc biệt là công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Đa số ý kiến đánh giá các Dự thảo báo cáo được xây dựng công phu, bố cục chặt chẽ, khoa học; thể hiện khách quan những thành tựu, hạn chế; vừa có tính tổng kết lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn, phản ánh ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân về tất cả các lĩnh vực được thể hiện trong các nhóm vấn đề lớn. Nhiều ý kiến quan tâm các vấn đề cơ bản, then chốt nhất liên quan đến vận mệnh và tiền đồ phát triển của đất nước, dân tộc, về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, cho "ý Đảng hợp lòng dân," góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Thảo luận ở Quốc hội, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng: "Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thực hiện các chủ trương mới của Đảng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực khoa học công nghệ… Đổi mới sáng tạo là yêu cầu bao trùm lên mọi lĩnh vực, là "bà đỡ", là 'bệ phóng' cho các ý tưởng sản xuất, kinh doanh có tính vượt trước".

Đồng quan điểm, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) nhấn mạnh:"Cần đầu tư cho khoa học công nghệ, đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao thì mới khắc phục được nguy cơ tụt hậu về kinh tế".

Góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội XIII, ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng "Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được xác lập theo hướng đầy đủ, hiện đại và hội nhập; chính sách phát triển người lao động được đẩy mạnh, nhất là nhân lực chất lượng cao, gắn kết hơn với nhu cầu thị trường; thị trường lao động phát triển hơn, hướng tới xây dựng quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế."; TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện Trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng cho rằng: "Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội là vấn đề có tính chiến lược, có vị trí quan trọng trong tổng thể hệ thống quản lý phát triển quốc gia để xây dựng một xã hội ổn định, phát triển hài hòa. Bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển nhanh và bền vững phải gắn kết chặt chẽ giữa quản lý phát triển kinh tế, nhất là tăng trưởng kinh tế với quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân".

Dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã nhận được nhiều góp ý của cộng đồng kiều bào Việt Nam ở nước ngoài thể hiện được sự cởi mở, tinh thần phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước cho các năm tới.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, chuyên gia Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á, Viện kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng: "Việc huy động nguồn lực kiều bào, nguồn nhân lực chất lượng cao cần có những cơ chế, chính sách cụ thể tạo động lực để thu hút nguồn nhân lực kiều bào chất lượng cao theo hướng chúng ta quan tâm không chỉ đúng mức về lợi ích kinh tế mà cả thể chế, cách thức; cần tạo ra những trung tâm khoa học, trung tâm tiếp nhận đổi mới công nghệ… để những người tài năng có thể trở về nước, quyết định gắn bó, cống hiến cho đất nước".

Tờ lịch cuối năm 2020 rơi xuống, khép lại một năm đầy nghiệt ngã, bão tố, dịch bệnh gieo rắc đói nghèo và tang thương. Chúng ta sẽ bước sang một thập niên mới cũng là năm Đảng ta mở Đại hội lần thứ XIII, định hướng bước đường đi tới cực kỳ quan trọng mang tính lịch sử cho bước phát triển của thập niên thứ 3 thế kỷ 21.

Chín mươi năm có Đảng, mỗi bước đi của Dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã khai sinh ra một nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đến khi phải rời khỏi thế giới này Bác vẫn căn dặn Đảng ta: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân" và Bác gửi lại điều mong muốn cuối cùng: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

Vì vậy ở cái mốc 91 năm này, một lần nữa sứ mệnh mà lịch sử giao phó cho Đảng là: Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, đưa dân tộc ta trở thành nước thịnh vượng, hùng cường, một dấu ấn nổi bật trong Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Trần Công Huyền

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh