THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:50

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị

 

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh (ảnh/LH)

Đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị

Đại biểu Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh, cho biết trong hơn 20 năm qua (kể từ năm 1993), thành phố đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho khoảng 36.000 hộ gia đình sinh sống trên và ven kênh rạch tại 5 tuyến kênh rạch chính là Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi - Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Đến nay, dọc theo các tuyến kênh này, bộ mặt đô thị đã gần như “lột xác”, hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư hoàn chỉnh, cải thiện ô nhiễm môi trường, giải quyết tiêu thoát nước và quan trọng hơn là tạo ra không gian sống và môi trường sống tốt hơn cho người dân thành phố.

“Do đó, Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, bổ sung thêm Chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị” là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp thực tiễn của thành phố hiện nay” - Ông Trần Trọng Tuấn, nói.

Theo đó, nội dung Chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị” TP.Hồ Chí Minh, giai đoạn 2015 - 2020, tập trung di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch; xây dựng mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp; chỉnh trang nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại.

Cụ thể, đến năm 2025, hoàn thành mục tiêu di dời toàn bộ 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch. Riêng giai đoạn 2015 - 2020, tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn; phấn đấu thực hiện tháo dỡ 120.000m2 sàn chung cư hư hỏng nặng, xây dựng mới 240.000m2 sàn các chung cư mới.

Xây dựng nhân cách con người mang nét đặc trưng

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao với tham luận “Giải pháp phát triển văn hóa, xây dựng con người mang nét đặt trưng của TP.Hồ Chí Minh”. Qua tham luận đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, đề cao yếu tố xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp với 7 đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Ngoài ra, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị cần tập trung vào  xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc,… phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa và xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng.

Thu hút người tài bằng cạnh tranh công bằng

Theo đại biểu Nguyễn Văn Nho - Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy - Trưởng Ban Dân vận huyện ủy Cần Giờ, hiện 58 xã ngoại thành trên địa bàn, cán bộ phụ trách mảng văn hóa chỉ có 12% được đào tạo đúng, thực tế này khó cân đối để đào tạo cho khớp với sử dụng. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Nho cho rằng để khắc phục tình trạng này, trong 5 năm tới thành phố cần có các chương trình đào tạo kỹ năng đúng người đúng việc, có hướng xây dựng cán bộ phường xã theo hướng chuyên nghiệp, tạo nền tảng giảm biên chế theo hướng tinh giản chứ không nhiều. Nếu tinh giản được 1/3, cán bộ sẽ hưởng lương cao hơn, giữ được người giỏi, thu hút được người tài.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Lê Văn Khoa - Giám đốc sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, cho biết trong những năm qua thành phố đã đầu tư rất nhiều về hạ tầng đô thị để hướng đến thành phố có chất lượng sống tốt nhưng hiện nay, cứ vài năm, thành phố lại tăng 1 đến 2 triệu dân, cứ đà này, không có hạ tầng nào chịu nổi. Do đó, theo đại biểu Lê Văn Khoa để giải quyết những vấn đề này, thành phố cần lấy giải pháp kinh tế làm trọng tâm, hợp tác với các tỉnh, đưa dân cư phân bố đều ở các nơi. Vấn đề quản lý của Trung ương, địa phương cũng được đặt ra. Nếu không giải quyết vấn đề này thì khó giải quyết được việc tăng dân số cơ học.

Đại biểu nhất trí cao với nội dung dự thảo văn kiện

Trước đó, chiều ngày 14/ 10, ngày làm việc thứ nhất của Đại hội, các Tổ thảo luận đã góp ý kiến dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Trong đó có 186 đại biểu phát biểu với 203 lượt góp ý, 582 ý kiến, trong đó có 531 ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo chính trị và 51 ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Qua tổng hợp, hầu hết ý kiến đại biểu thể hiện sự nhất trí cao với nội dung dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, đánh giá việc chuẩn bị dự thảo văn kiện của Trung ương nghiêm túc, công phu, khoa học, thể hiện đầy đủ những thành tựu, đánh giá thẳng thắn các yếu kém, nguyên nhân và các kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua, đề ra mục tiêu và các nhiệm vụ trọng tâm có tính hành động cao để phát triển đất nước trong thời gian tới.

LÊ HOÀNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh