Đại hội Đại biểu Thành viên Co-opBank năm 2022: Sức bật tạo đà phát triển mới
- Tây Y
- 08:53 - 29/03/2023
Mặc dù phải đối mặt với nhiều diễn biến chưa từng có trong tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới, nhưng trong năm qua, với nỗ lực rất lớn của toàn Ngành Ngân hàng, trong đó có Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đã góp phần đưa kinh tế - xã hội nước ta có bước phục hồi mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, "…với vai trò là trụ đỡ cho sự phát triển của hệ thống QTDND, trong năm 2022, Co-opBank đã tiếp tục thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ đối với hệ thống QTDND, hỗ trợ tích cực cho các QTDND phát triển an toàn, bền vững…", Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú ghi nhận tại Đaị hội đại biểu thành viên Co-opBank 2022 vừa được tổ chức ngày 27/3/2023 tại Đà Nẵng.
Một năm bứt phá
Phát biểu khai mạc tại Đại hội, ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Co-opBank cho biết: Đại biểu thành viên 2022 diễn ra trong bối cảnh Ngành ngân hàng và hệ thống QTDND đang nỗ lực vượt qua những khó khăn trong hoạt động trước diễn biến tình hình kinh tế trong nước và thế giới. Co-opBank đang tập trung nguồn lực, khẩn trương xây dựng và triển khai có hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo đúng định hướng của Chính phủ tại Quyết định số 689/QĐ-TTg, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tại Quyết định số 1382/QĐ-NHNN và triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023.
Đại hội cũng đánh giá những kết quả đạt được của Co-opBank trong năm 2022, đồng thời chỉ ra những tồn tại, nguyên nhân và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho năm 2023. Đại hội sẽ quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền Đại hội và tiến hành bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ III để HĐQT bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Co-opBank, xem xét phê duyệt phương án cơ cấu lại Co-opBank gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, cũng như định hướng những vấn đề lớn, làm cơ sở triển khai các hoạt động của Co-opBank trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Báo cáo tại Đại hội cho thấy, năm 2022, Co-opBank với vai trò của mình đã tiếp tục thực hiện tốt vai trò liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính cho các QTDND và đảm bảo thanh khoản cho hệ thống QTDND. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát các QTDND theo quy định và chỉ đạo của NHNN. Cùng với đó, tiếp tục đồng hành chia sẻ khó khăn với thành viên QTDND, thông qua chương trình cho vay “Chung tay hỗ trợ thành viên QTDND” với lãi suất thấp (tối thiểu 4,8%/năm) trong suốt 10 tháng đầu năm 2022. Co-opBank cũng tiếp tục thực hiện chính sách điều hành lãi suất cho vay đối với QTDND thấp hơn lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và cá nhân tại mọi thời điểm.
Kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính NHNN giao cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Huy động tiền gửi dân cư và tổ chức kinh tế tăng trên 35%, cao nhất từ trước tới nay. Co-opBank đã tích cực triển khai cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu luôn được duy trì ở mức thấp (tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 0,46%); nợ xấu bao gồm nợ cơ cấu, nợ đã bán VAMC, nợ đã xử lý rủi ro là 3,83%.
Co-opBank cũng đã cử 52 cán bộ trực tiếp làm chủ tịch, giám đốc hoặc tham gia Ban kiểm soát đặc biệt tại các QTDND có khó khăn được cơ cấu lại, đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp sổ tiết kiệm trắng cho các QTDND theo quy định của NHNN.
Trong năm 2022, Co-opBank đã tiết kiệm nguồn lực, tập trung chuyển đổi số, phát triển Hệ thống Ngân hàng điện tử mới hiện đại tới QTDND, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại đến khách hàng, thành viên tại khu vực nông thôn. Đến 31/12/2022, hệ thống thanh toán của Co-opBank đã có 761 điểm bao gồm 32 Chi nhánh, 66 Phòng giao dịch và 663 QTDND. Năm 2022, số tài khoản thanh toán của khách hàng tăng 160%, góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.
Với vai trò hỗ trợ QTDND trong chuyển đổi số, Co-opBank đã ưu tiên nguồn lực để thực hiện chính sách miễn phí toàn bộ các loại phí triển khai và hỗ trợ vận hành các sản phẩm, dịch vụ thanh toán đồng thời thực hiện miễn phí toàn bộ các giao dịch chuyển tiền cho QTDND thành viên tham gia hệ thống ngân hàng điện tử; miễn phí các giao dịch trên ứng dụng Ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking…
Đại hội “bản lề” cho chiến lược phát triển của Co-opBank làm trụ đỡ cho hệ thống QTDND
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã ghi nhận những kết quả mà Co-opBank đã đạt được trong năm 2022. Đồng thời đánh giá cao những nội dung lớn mà Co-opBank đã triển khai thực hiện và đã được NHNN thông qua như: Phương án cơ cấu lại Co-opBank gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; hoàn thiện các thủ tục cấp bổ sung thêm 5.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ cho Co-opBank lên 8.000 tỷ đồng; một số nội dung sửa đổi, bổ sung Giấy phép Co-opBank; kiện toàn toàn diện đầy đủ nhân sự HĐQT, Ban điều hành. Đây là bước tiến lớn, mang tính bản lề cho chiến lược phát triển của Co-opBank làm trụ đỡ cho hệ thống QTDND.
Tại Đại hôi, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đã ghi nhận sự nỗ lực của Co-opBank trong Đại hội lần này khi đã hoàn thành việc bầu bổ sung thêm 01 thành viên HĐQT để bổ nhiệm giữ chức danh Tổng Giám đốc, góp phần cho Co-opBank kiện toàn toàn diện đầy đủ nhân sự HĐQT, Ban điều hành nâng cao năng lực quản trị, điều hành, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Để góp phần cùng với toàn ngành Ngân hàng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong năm 2023 cũng như cả giai đoạn 2021-2025, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: Co-opBank cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp, nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, các nhiệm vụ khác của ngành Ngân hàng và cụ thể hóa trong chiến lược, kế hoạch kinh doanh của Co-opBank trong thời gian tới, đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh và thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của Co-opBank trong liên kết hệ thống QTDND.
Triển khai hiệu quả kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính năm 2023 sau khi được NHNN phê duyệt và Đại hội thông qua, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra; thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh mới. Tiếp tục triển khai quyết liệt chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ với tinh thần quyết tâm cao nhất.
Tiếp tục nâng cao vai trò và trách nhiệm của Co-opBank trong việc liên kết hệ thống QTDND, điều hòa vốn, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống QTDND theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu hỗ trợ các QTDND thu hút người dân tham gia thành viên và gắn bó lâu dài với QTDND. Phối hợp hiệu quả với Hiệp hội QTDND Việt Nam và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ QTDND nhằm nâng cao năng lực trình độ quản lý, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là đào tạo, bồi nghiệp vụ về các sản phẩm của Dự án STEP. Thực hiện tốt chỉ đạo của NHNN về kiểm tra QTDND trong năm 2023.
Với Kế hoạch chuyển đổi số, cùng với yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo Co-opBank chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ để đáp ứng kịp thời yêu cầu quản trị, điều hành và giám sát hoạt động của Co-opBank và hệ thống QTDND. Mở rộng hợp tác, kết nối với các đơn vị trong và ngoài ngành Ngân hàng để phát triển đa dạng các dịch vụ ngân hàng số, an toàn, tiện ích phù hợp với đối tượng khách hàng của Co-opBank là các QTDND và ở khu vực nông thôn,.. Tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng kịp thời yêu cầu về chuyển đổi số.
Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng bộ Co-opBank đối với mọi mặt hoạt động, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh và xây dựng tập thể đoàn kết, bền vững.
Đối với các QTDND, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú lưu ý 5 nội dụng lớn. Một là cần tăng cường củng cố, chấn chỉnh toàn diện mọi mặt hoạt động, đảm hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích thành lập và hoạt động, trong đó khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp tại Đề án Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030…
Hai là tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật và NHNN về hoạt động của QTDND. Nghiêm túc chấp hành các kiến nghị, cảnh báo của NHNN, Co-opBank, không để xảy ra các hành vi sai phạm ảnh hưởng đến hoạt động của Quỹ và hệ thống QTDND.
Ba là tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về hoạt động QTDND, tạo điều kiện để thành viên QTDND và người dân nâng cao hiểu biết, tích cực tham gia quản lý và giám sát hoạt động của QTDND.
Bốn là thực hiện tốt và nghiêm túc quyền hạn, trách nhiệm thành viên của Co-opBank và hội viên của Hiệp hội QTDND Việt Nam nhằm xây dựng mối liên kết hệ thống chặt chẽ. Tích cực phối hợp với Co-opBank trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động, an toàn hoạt động và tăng tiện ích cho các thành viên của QTDND.
Đối với Hiệp hội QTDND Việt Nam, Phó Thống đốc chỉ đaọ Hiệp hội QTDND Việt Nam cần tiếp tục làm tốt vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên. Phối hợp chặt chẽ với NHNN, Co-opBank làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các chính sách pháp luật của Nhà nước đến các hội viên và hỗ trợ các hội viên trong quá trình triển khai chính sách, đặc biệt là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành, kiểm soát rủi ro của QTDND. Chủ động nắm bắt và phản ánh các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các hội viên đến các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ, xử lý. Đồng thời tăng cường kết nối, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các hội viên, tạo sự gắn bó mật thiết giữa Hiệp hội QTDND Việt Nam, Co-opBank và các QTDND nhằm thúc đẩy hệ thống QTDND phát triển ổn định, an toàn và bền vững.
Thay mặt Đại hội, Đoàn Chủ tịch, ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch HĐQT Co-opBank đã tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú và xin hứa sẽ triển khai thực hiện đầy đủ, có hiệu quả những nội dung chỉ đạo của Phó Thống đốc đối với hoạt động của Co-opBank và hệ thống QTDND trong thời gian tới.
“...Chúng ta tin tưởng rằng với việc triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết Đại hội trong thời gian tới, sẽ góp phần tạo nên sức mạnh mới trong toàn hệ thống, xây dựng và phát triển Co-opBank trở thành ngân hàng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả để thực hiện tốt vai trò là ngân hàng của tất cả các QTDND; hệ thống QTDND hoạt động ổn định, an toàn, bền vững theo đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình TCTD là HTX...”, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch HĐQT Co-opBank cho biết.
Tại Đại hội, các đại biểu đã thống nhất cao bầu Thành viên HĐQT kiêm chức danh Tổng giám đốc đối với bà Phạm Thị Hồng Minh – 1 cán bộ đi lên từ cơ sở, từng là cán bộ của NHNN chi nhánh tỉnh Hà Nam, Co-opBank chi nhánh Hà Nam, rồi Phó Tổng giám đốc Co-opBank. Qua đó, Co-opBank đã kiện toàn nhân sự các vị trí chủ chốt trong Ban lãnh đạo Co-opBank và làm cơ sở để Co-opBank tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, điều hành, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.