THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:05

Đại gia cầu kỳ chọn gà còn... trinh cúng Tết

Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Văn Tuấn - một đại gia trong ngành bất động sản Hà Nội, khi nói về việc chọn gà cúng lễ, cúng Tết cho đúng với phong tục tập quán của Việt Nam.

Theo ông Tuấn, từ bao đời nay, trên mâm cỗ cúng tổ tiên của người Việt vào dịp Tết Nguyên đán thường không thể thiếu gà luộc. Đây vừa là vật nuôi gần gũi, lại vừa là một trong những con vật linh thiêng. Song, do thiếu hiểu biết hoặc cuộc sống bận bịu nên mỗi khi mua gà cúng, mọi người thường chỉ chọn gà trống, lông mượt, chân vàng đẹp chứ không chú ý đến những vấn đề khác.

Nhưng với ông Tuấn thì lại hoàn toàn trái ngược. “Mặc bận bịu với công việc kinh doanh nhưng tôi là người tin vào tâm linh, tin vào chuyện thờ cúng tổ tiên. Bởi thế, chuyện chọn gà làm lễ cúng vào các ngày lễ, đặc biệt là ngày Tết, tôi thường rất cầu kỳ và cẩn trọng”, ông nói.

Theo tâm linh, một con gà cúng Tết đẹp sẽ giúp gia chủ cảm thấy được sự bình an trong năm mới

Ông Tuấn tiết lộ, gà cúng Tết thường do chính tay ông chọn và đặt mua, với các tiêu chuẩn như: phải là gà ri thuần chủng, trọng lượng từ 1,2-1,4 kg/con; chỉ chọn gà trống; màu lông tươi sáng và bóng mượt; chân nhỏ và vàng, móng và cựa phải sắc; mào gà có màu đỏ tươi, không bị rủ, con gà phải nhanh nhẹn, săn chắc,...

Đặc biệt, những con gà cúng phải là những con gà giò đã đến tuổi trưởng thành, có tiếng gáy vang xa nhưng chưa đạp mái (gọi theo kiểu hiện đại là gà “còn trinh”).

Sở dĩ phải chọn gà cúng cẩn thận là bởi, theo ông Tuấn, khi thắp hương xong, nhìn vào con gà người ta có thể đoán trước được tương lai vận hạn của cả gia đình trong năm mới. Nhất là nhìn vào đôi chân gà, có thể biết được điềm lành, điềm gở sắp gặp phải.

Do đó, chọn được con gà tốt, làm được con gà thờ cúng tổ tiên ưng ý sẽ giúp mình cảm thấy vui vẻ, tin tưởng vào năm tới gia đình sẽ được bình an, gặp nhiều may nắm, vị đại gia này chia sẻ.

Một con gà cúng đêm giao thừa phải đảm bảo thân hình săn chắc, lông mượt, chân vàng nhưng phải nhỏ, mào cờ và đặc biệt phải là gà giò

Song, cũng theo ông Tuấn, giờ thời đại công nghiệp hóa, gà chủ yếu được lai tạo và nuôi nhốt nhiều nên tướng gà, màu lông, chân gà thường không được chuẩn, thịt gà thì không săn chắc. Thế nên, mỗi dịp cần gà cúng, ông phải chạy xe ô tô lên tận vùng Lạc Sơn (Hòa Bình) để săn tìm những con gà ri thuẩn chủng được dân bản nuôi thả trên các vùng đồi núi.

“Tôi tìm hiểu và được biết, gà ri ở vùng Lạc Sơn ngay từ khi mới nở đã được tách mẹ và tự kiếm ăn. Chúng được nuôi thả trên các triền núi đá cao, thức ăn chủ yếu là lá rừng, sâu bọ, hoa quả dại, uống nước sông. Ngoài ra, con gà ri tại đây còn phải chống chọi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, với thú dữ trong rừng nên chúng cực kỳ nhanh nhẹn, thân hình do đó cũng thon gọn và săn chắc, rất hợp với làm gà cúng trong các dịp lễ Tết”, ông Tuấn nhận xét.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, gà ri thuần chủng ở bản hiện còn không nhiều, gà ri đẹp lại càng hiếm. Những năm trước, ông còn phải lùng khắp các bản mới mua được một vài con.

Song, ba năm nay thì khác, ông rút ra kinh nghiệm nên đặt người dân nuôi riêng và trả họ với giá cao. Khi gà trống đến tuổi trưởng thành bắt đầu gáy vang và biết đạp mái thì yêu cầu họ tách nhốt riêng, không cho tiếp xúc với gà mái để đảm bảo chúng vẫn chuẩn là gà giò.

“Nói là đặt nuôi cả đàn gà 100 con nhưng số lượng gà trống không nhiều. Gà đạt chuẩn về thân hình, còn trinh nguyên để cúng thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Số còn lại, gia đình tôi bắt dần về thịt ăn”, ông Tuấn cho hay.

Ngoài ra, vị đại gia này cũng bật mí, con gà được chọn mua về cúng thường được bắt đem về nhà trước 3 ngày (sớm hơn càng tốt). Sau khi đem về phải nhốt tại sân vườn nhà mình để cho đôi chân gà tiếp xúc với mặt đất nhiều nhất, làm như vậy khi cúng mới linh, xem chân gà mới chuẩn.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh