THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:22

Đại đức Thích Phước Ngọc với những người khát khao được nhìn lại ánh bình minh

 

Với những người đang mất quyền công dân, cứ ngỡ “thế là xong một kiếp người” khi cánh cửa trại giam đóng kín. Trong những tháng ngày dài còn lại, họ sẽ sống bằng cuộc sống của một người mang nặng tâm lý là kẻ tội đồ với những tiếc nuối và niềm ân hận muộn màng sau giây phút vô tri.

Bản án đã rõ ràng với thời gian quy định, nhưng Pháp luật mang tính nhân đạo luôn dành cho phạm nhân một con đường sống nếu trong thời gian thi hành án, họ biết sửa đổi lỗi lầm để trở thành người tốt.  Còn bản án của lương tâm, biết đến khi nào kết thúc. Nó như một vết cứa hằn sâu trên khuôn mặt và cả trong tận cùng tâm thức. Vết thương đó là sự mặc cảm về nhân thân tội lỗi của mình với gia đình, người thân, bạn bè và cả nhân quần xã hội xung quanh.

Đại đức Thích Phước Ngọc, Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN, Trụ trì chùa Phước Quang trong buổi đến thăm và nói chuyện với các can phạm nhân tại Trại tạm giam tỉnh Vĩnh Long đã dành thời gian chia sẻ, như một sự khai tâm cho những cảm xúc đang chôn kín trong tâm tư của họ… Có người không kìm được đã bật khóc, có người cúi mặt và nuốt trọn từng lời…

Đại đức Thích Phước Ngọc đến trao quà và thăm hỏi Trại tạm giam tỉnh Vĩnh Long

Đại đức nhấn mạnh rằng, thời gian trôi đi nhưng vết thương tâm hồn của những can phạm nhân vẫn còn. Nó nằm chờ được thức giấc một lúc nào đó để sống lại, để trở thành vết thương tỉnh thức. Nó thức dậy và nhận ra rằng đã được khai sinh trên tâm hồn của một con người mà đã có một thời gian dài làm đau đớn con người đó. Nó có đôi mắt nhìn ngược về quá khứ, nghĩ tới tương lai và nó mách bảo là không có vết thương nào vô tư được hình thành cả. Đúng là như thế, những con người đã phạm lầm lỗi đang sống một cuộc sống với sự mặc cảm tuyệt vọng dành cho chính mình và họ đang chờ đợi một bàn tay kéo họ ra khỏi nỗi tuyệt vọng ấy.

Trong những câu chuyện chia sẻ với các can phạm nhân, Đại đức Thích Phước Ngọc khẳng định, vị tha, khoan dung không phải chỉ dành cho người khác, mà đích thực dành cho chính ta. Ví như câu chuyện trong Thiên chúa giáo, Phêrô xuất thân từ một anh nông dân hiền hậu, bỏ cả chài lưới, tương lai, sự nghiệp, thoát ly theo Thầy, tu thân tích đức, vậy mà chưa bỏ được tánh cục cằn, nóng nảy, giận dữ, liền rút gươm chém đứt tai tên "quân dữ" đã dám hại Thầy của mình. Tức thì Chúa cảnh cáo ông và chữa lỗ tai trả lại cho hắn. Chúa bảo: “Hãy xỏ gươm vào bao, ai dùng gươm sẽ chết vì gươm". Kinh hòa Bình Công giáo cũng có nói: "Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm". Câu chuyện đó cho chúng ta thấy, hai mặt xấu tốt của con người như cái lật đen – trắng một bàn tay. Và lòng vị tha, khoan dung sẽ giúp người cầm gươm buông bỏ lòng hận thù, như câu “quay đầu là bờ” trong Đạo Phật cũng vậy. Thiên Chúa có bác ái, Đức Phật có Từ bi. Rõ ràng hai tôn giáo lớn luôn lấy lòng thương làm đích đến cho con người tu dưỡng.

Môi trường cải tạo là sự “trả nghiệp” cho những gì mà họ đã gieo (Ảnh An Ninh Thủ Đô)

Những lời chia sẻ từ tốn và hết sức chân tình của Đại đức Thích Phước Ngọc đã khiến các can phạm nhân của Trại tạm giam tỉnh Vĩnh Long thực sự xúc động. Đại đức muốn giúp họ một lần nữa thẳng thắng nhìn nhận lại lỗi lầm và sự có mặt của họ trong môi trường cải tạo là một sự “trả nghiệp” cho những gì họ đã gieo. Muốn bình an trong tâm hồn thì cần thật tâm trả nghiệp trong sự sám hối. Nhưng nói như thế không phải là các phạm nhân đã mất tất cả. Họ vẫn còn rất nhiều cơ hội để tự sửa đổi bản thân mình, trở về hòa nhập với xã hội, hòa nhập với cộng đồng. Gia đình của họ vẫn trông ngóng và sẵn sàng giang tay đón họ trở về nếu họ thực sự thay đổi và quyết tâm làm lại cuộc đời. Song bên cạnh việc hy vọng để hun đúc thêm sức mạnh khi được trở về cộng đồng viết một trang mới cho cuộc đời mình, Đại đức cũng đưa ra những tình huống thực tế mà các phạm nhân có thể gặp phải, đó là sự kỳ thị thậm chí oán hận từ gia đình nạn nhân, từ xã hội… để các phạm nhân chuẩn bị cho mình một tâm thế đón nhận trong sự bình tâm.

“Hãy xem đó là những tro bụi “tàn dư” của ngọn lửa “sân hận” khi xưa do chính mình đã đốt. Đây cũng là cơ hội để thể nghiệm sự kiên trì và quyết tâm điều phục cái tâm ác của chính mình. Phải hiểu rằng “chiến thắng vĩ đại nhất đó chính là chiến thắng chính mình”. Phải tin rằng nhân quả là sự phán xét công bằng nhất cho những gì chúng ta đã làm. Hãy tin điều đó và phải kiên trì sống tin vào nhân quả. Gốc rễ chính là Tâm chân thiện mà ai ai sinh ra đều có. Đạo Phật gọi đó là Phật tánh bình đẳng trong mỗi con người. Một khi chúng ta giữ gìn, tu rèn và vun xới cho mầm Phật tánh đó, thì nó hình thành một rào cản như một bức tường giúp cho chúng ta chống lại được những điều xấu xung quanh đang truyền nhiễm, cám dỗ khắp nơi. Tường thành ấy được xây lên từ chữ Phước Thiện”, Đại đức cho biết.

Bằng những hình ảnh ví dụ gần gũi, Đại đức Thích Phước Ngọc đã đem đến cho các can phạm nhân sự bình thản hơn khi nhìn nhận về những gì đã, đang trải qua và chuẩn bị tâm thế cho ngày mai sẽ đến. Trên mỗi gương mặt mỗi người, những nét lo âu, mặc cảm ban đầu đã nhẹ đi. Buổi nói chuyện khép lại với lời kêu gọi tha thiết của Đại đức hướng về những người bên ngoài xã hội khi nhìn nhận một người đã hoàn thành xong thời gian cải tạo trở về hòa nhập cộng đồng. Nơi cuối chân trời xa thảm cũng còn có những ánh hồng nho nhỏ cho một ngày sắp lụi tàn… Huống chi họ - những người đã từng lầm lỡ luôn khát khao được nhìn lại ánh bình minh.

Buổi nói chuyện khép lại cũng là lúc ráng chiều của buổi hoàng hôn đang chìm ở cuối chân trời... Các can phạm nhân trở về với sinh hoạt thường nhật của họ, nhưng bước chân của mỗi người ngày hôm nay dường như nhẹ nhàng, thong thả hơn.

Dòng thơ này Đại đức muốn gửi gắm để họ ngẫm nghĩ và chiêm nghiệm sâu hơn những gì Đại đức đã chia sẻ trong buổi gặp mặt ngắn ngủi vừa qua.

Có một chiếc lá rơi ngoài song cửa

 Lại một mùa thu lặng lẽ ra đi

 Có một nụ hoa đang căng tràn sức sống

Thêm một xuân đang trở dạ hoang sơ

Có một người ngồi nghe hồn gọi

Đếm thời gian bằng tóc rụng bạc màu…

Có một phút lỡ lầm thời hoang tưởng

Giờ âm thầm tiếc nuối tháng ngày qua.

Bình Nghi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh