CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:05

Đại biểu Quốc hội: Quy hoạch tổng thể Quốc gia cần đảm bảo tính khả thi

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham gia thảo luận tại tổ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham gia thảo luận tại tổ.

Vượt bẫy thu nhập trung bình đã khó, vượt xa là thách thức

Dự thảo nghị quyết Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu ra mục tiêu về tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, phấn đấu tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm; đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Giai đoạn 2031 - 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD.

Nêu ý kiến tại thảo luận tổ sáng ngày 6/1, các đại biểu Quốc hội đều tán thành cao sự cần thiết phải ban hành Quy hoạch, song cũng cho rằng còn nhiều nội dung cần hoàn thiện thêm như liên kết vùng, kịch bản tăng trưởng... đặc biệt là xác định mức độ chi tiết đến đâu để không "bó chân bó tay" trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, các đại biểu bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu này, rằng vượt bẫy thu nhập trung bình đã khó, vượt xa là thách thức. Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) phân tích, theo quy định của Liên Hợp Quốc thu nhập trung bình quốc gia trong khoảng 1.025 - 12.475 USD/người, tức khi các quốc gia có thu nhập như vậy thì ở trong nhóm trung bình, nhưng “số nước thoát khỏi thu nhập trung bình rất ít”.

Từ đó, đại biểu đoàn Cần Thơ nhìn nhận, vượt qua bẫy thu nhập trung bình đã khó, vượt xa như mục tiêu đề ra là câu chuyện thách thức. Vì thế, theo quan điểm của ông Hùng, đặt ra mục tiêu khả thi thì mới tính toán được các bước đi, giải pháp tiếp theo; còn nếu mục tiêu không khả thi thì các bước đi sẽ gặp khó khăn.

“Tôi rất băn khoăn về mục tiêu, tầm nhìn này. Mục tiêu thu nhập bình quân đầu người tới 2050 tối đa 32.000 USD là mục tiêu khá khó khăn cho năm 2050”, ông Hùng nói và băn khoăn khi Quy hoạch Tổng thể quốc gia đang đưa ra các vùng kinh tế, hành lang kinh tế, vùng động lực kinh tế, cực tăng trưởng TP HCM, Hà Nội… nhưng lại có chồng lấn, chồng chéo trong đầu tư nguồn lực. Ai sẽ là người tổng chỉ huy, xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo này?

Từ đó, ông Hùng đề nghị cần có giải trình, đánh giá rõ hơn để các vùng không cạnh tranh mà hỗ trợ nhau phát triển; bổ sung các cơ chế, chính sách cho thấy sự kết nối, liên kết giữa các vùng kinh tế, vùng động lực phát triển hay hành lang kinh tế. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng, còn nhiều lúng túng khi dự thảo chưa phân biệt được thế nào là vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực, thế nào là hành lang kinh tế, cực tăng trưởng…

Thêm nữa, ông Ngân lưu ý, để thực hiện quy hoạch thì cần đảm bảo tính khả thi, có cơ chế và làm rõ nguồn lực thực hiện quy hoạch. Mặc dù chúng ta học tập kinh nghiệm các nước, song khi thực hiện, vẽ ra đồ án thì phải đặt trong bối cảnh nguồn lực của Việt Nam.

“Ta không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris trong khi nguồn lực của ta có hạn”, đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Không có nguồn nhân lực tốt, không thể nào thực hiện được quy hoạch

Theo báo cáo Chính phủ, để đạt mục tiêu tăng trưởng 7% giai đoạn 2021-2030 thì Quy hoạch Tổng thể quốc gia dự kiến cần 48,3 triệu tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2011-2020 (khoảng 15 triệu tỷ đồng).

Mặc khác, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước cần huy động khoảng 9,7 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2030, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư. Trong đó, vốn đầu tư công đến năm 2030 là 6,78 triệu tỷ đồng; vốn doanh nghiệp Nhà nước và nguồn vốn khác là 2,88 triệu tỷ đồng.

Đại biểu Ngân cho rằng, do nguồn lực đầu tư công có hạn, vì vậy cần phải chuyển hướng đầu tư trọng điểm. Gắn với đó, thể chế phải khai thác được nguồn lực trong xã hội, đẩy mạnh hợp tác công - tư (PPP)…

Dẫn chứng việc Sân Vận động Mỹ Đình xuống cấp, ông Ngân nói nếu áp dụng đầu tư hợp tác trong lĩnh vực này sẽ hiệu quả hơn. Tuy vậy, cơ chế hiện nay chưa cho phép đầu tư PPP trong lĩnh vực thể thao văn hóa, nên ông đề nghị cần áp dụng cơ chế này để khai thác nguồn lực hiệu quả hơn.

Tham gia thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phân tích, tầm nhìn của quy hoạch đặt ra rất dài với 30 năm, trong một thế giới luôn biến đổi thì cần lưu ý đến yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển của đất nước.

Nếu chúng ta chậm, không cập nhật thì sẽ lạc hậu. “Đây là vấn đề rất lớn, yếu tố quyết định cho sự phát triển cho nên phải có tầm nhìn trong định hướng của quốc gia”, ông nói.

Liên quan đến một số mục tiêu cụ thể được đề ra trong quy hoạch, theo Chủ tịch nước, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao (quy hoạch đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng) vì chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hiện dự thảo chưa rõ chi phí như thế nào để thực hiện các kịch bản, phát triển bền vững.

Cũng theo Chủ tịch nước, thể chế phải phù hợp để đất nước hội nhập quốc tế; thể chế mà lạc hậu, chậm trễ thì sẽ kìm hãm phát triển. Đảng ta coi đột phá trong thể chế rất quan trọng trong quá trình tổ chức, thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.

Về dự thảo Quy hoạch trình Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu còn băn khoăn về mức độ chi tiết cũng như một số mục tiêu cụ thể, song, ông Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận: “Dù còn mặt này mặt khác, nhưng coi như xương sống, xương sườn đã có, bây giờ Chính phủ cần ban hành nghị định để hướng dẫn cụ thể trong quá trình thực hiện”, từ đó ông khẳng định sự ưu việt của phương pháp quy hoạch tích hợp lần đầu tiên được đưa ra ở luật này.

Đồng thời Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong các yếu tố quyết định thành công của việc thực hiện quy hoạch cần đặc biệt quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sau khi thảo luận toàn thể về Quy hoạch, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua vào chiều 9/1, trong phiên bế mạc kỳ họp. 

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh