Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định số lượng các cuộc thanh tra trong năm
- Tây Y
- 16:13 - 25/10/2022
Sáng nay 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Phát biểu thảo luận dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhất trí với các đại biểu về sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra. Đại biểu cho rằng cụm từ không chồng chéo, trùng lặp được lặp lại nhiều lần nhưng thực tế cho thấy là tuy không trùng về nội dung, không trùng về thời điểm thanh tra nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra, ảnh hưởng đến điều hành hoạt động của địa phương.
Do đó, đại biểu đề nghị là nên quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm đối với bộ, ngành, địa phương.
Tại Điều 76 về ban hành kết luận thanh tra, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng việc chậm ban hành kết luận thanh tra thì dự thảo luật còn bỏ trống, chưa được quy định rõ. Thực tế cho thấy còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra Trung ương đối với bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm.
Từ đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra trong dự thảo luật.
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cơ bản thống nhất với các điều khoản quy định ở dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này. Từ thực tiễn, đại biểu quan tâm về vấn đề xử lý chồng chéo.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, đây là vấn đề cần thiết, làm sao tránh tạo áp lực nặng nề cho đơn vị thanh tra. Vì thực tiễn những đơn vị sản xuất kinh doanh khi có đoàn thanh tra vào, thì các đối tác ký hợp đồng rất dè dặt và khó khăn.
Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào chất lượng của các đoàn thanh tra, các cấp thanh tra. Nếu quy định như vậy không khéo thì sẽ trở thành cấp bảo lãnh cho các đơn vị đó. Đại biểu nêu rõ, vấn đề ở đây về chất lượng là rất quan trọng
Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cần nghiên cứu sao cho hợp lý. Vấn đề ở đây là ai chủ trì để tránh chồng chéo. Lúc triển khai kế hoạch phát hiện chồng chéo thì lại bỏ bổ sung kế hoạch đã được duyệt từ trước. Do đó, cần phải xem xét, quy định thật rõ, cụ thể.
Quan tâm đến vấn đề kết luận thanh tra với kiểm toán nhà nước khác nhau, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, thực tế đã diễn ra tình trạng này. Đồng thời băn khoăn nếu trong trường hợp có độ trễ, Kiểm toán nhà nước có kết luận khác với kết luận thanh tra thì xử lý như thế nào? Đại biểu Tạ Văn Hạ nhận thấy, Luật phải quy định chế tài vấn đề này ra sao, trách nhiệm của Trưởng đoàn đưa ra kết luận. Như vậy, dự thảo Luật phải quy định rõ vấn đề này và khắc phục hậu quả như thế nào thì cần phải nghiên cứu kỹ.
Về vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra, đại biểu cho rằng, có những cuộc thanh tra từ năm 2015, 2016 mà đến giờ vẫn chưa có kết luận thanh tra. Đại biểu băn khoăn việc giải quyết chậm ban hành kết luận thanh tra ra sao, nguyên nhân ở đâu, giải pháp khắc phục thế nào và chế tài ra sao.
Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Văn Hạ còn chỉ ra thực tế người ký kết luận thanh tra lại không tham gia Đoàn thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ báo cáo với người quyết định thanh tra.
"Khi có mâu thuẫn trong quá trình thẩm định, thanh tra rồi mà không ban hành được kết luận thanh tra. Quy định vấn đề này như thế nào, chế tài ra sao, đại biểu đề nghị cần được quy định rõ. Thực tế hiện hữu đang xảy ra mà chúng ta chưa khắc phục được", Đại biểu Hạ băn khoăn.
Đề nghị làm rõ nội dung nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra độc lập
Về nội dung cho phép thành lập cơ quan thanh tra độc lập tại Tổng cục thuộc Bộ và Cục thuộc Tổng cục đối với các cơ quan quản lý thu như thuế, hải quan, đại biểu Trần Nhật Minh nêu rõ, theo quy định của Luật hiện hành đang thực hiện chức năng thanh tra và bố trí đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, song không tổ chức thanh tra độc lập. Trong khi đó, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này được chuyển thành tổ chức thanh tra độc lập.
Về vấn đề này, đại biểu Trần Nhật Minh bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Mai Văn Văn Hải phát biểu trước đó và đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ để cân nhắc phù hợp từ góc độ về kinh phí thực hiện, cần làm rõ về nội dung quyền hạn và trách nhiệm giữa người đứng đầu tổ chức thanh tra thuộc cơ quan quản lý thu và thủ trưởng cơ quan quản lý thu cấp Tổng cục đối với nội dung các vụ việc được thanh tra.
Về quy định cho phép các cơ quan thanh tra được trích một phần tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra, dự thảo Luật đã quy định theo quy định của Chính phủ, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị nên quy định rõ tỷ lệ được trích trong dự thảo Luật để bảo đảm tính rõ ràng, thống nhất và nên quy định ở mức tương thích, đảm bảo công bằng giữa các lực lượng.
Ngoài ra đại biểu cũng góp ý về một số quy định còn chồng chéo như về nhiệm vụ quyền hạn của Chánh Thanh tra Bộ với nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra tỉnh trong xem xét, xử lý những vấn đề liên quan đến công tác thanh tra. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về thẩm quyền xử lý trong trường hợp này.
Cùng theo đại biểu: "Khi xảy ra trường hợp chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra Bộ với Thanh tra tỉnh, Thanh tra Sở hoặc Thanh tra huyện thì chỉ nên quy định Chánh Thanh tra Bộ trao đổi với Chánh Thanh tra tỉnh là phù hợp, đúng thẩm quyền, tập trung một đầu mối ở địa phương để dễ thực hiện, tránh sự rườm rà về mặt thủ tục tương tự".
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (bà Rịa Vũng Tàu) nêu rõ, đề nghị nghiên cứu thêm đối với trường hợp cơ quan thanh tra không đồng ý với văn bản trả lời của cơ quan chức năng có trách nhiệm liên quan trong việc xem xét, kiến nghị khởi tố vụ án.
Đồng thời, cần xem xét, bổ sung, sửa đổi khoản 2 Điều 7 thành: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm xem xét kiến nghị khởi tố vụ án hình sự do cơ quan thanh tra chuyển đến và trả lời bằng văn bản về việc xử lý kiến nghị đó.
"Trong trường hợp không đồng ý với văn bản trả lời của cơ quan thẩm tra, cơ quan thanh tra gửi văn bản đề nghị cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét lại vụ việc", đại biểu Phúc nói.
Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, đại biểu đề nghị cần quy định rõ việc phối hợp xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát của cơ quan dân cử và hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng. Bà Phúc hy vọng dự án Luật lần này sẽ phát huy cao nhất hiệu quả cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, nhưng không làm lãng phí nguồn lực, chồng chéo công việc, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
"Về kết luận thanh tra, để đảm bảo tính chặt chẽ của dự án Luật, cần xem xét, bổ sung quy định cụ thể về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ sung, sửa đổi kết luận thanh tra, nhằm tránh tiêu cực, hạn chế việc sửa đi sửa lại kết luận thanh tra", đại biểu Bà RỊa Vũng Tàu nhấn mạnh.