CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:21

Đại biểu Quốc hội: Bộ luật Lao động (sửa đổi) thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động

Bộ luật Lao động của Việt Nam là một văn bản pháp luật toàn diện, quy định nhiều nội dung như hợp đồng lao động, khả năng người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, tiêu chuẩn tối thiểu về điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn và sức khỏe lao động…

Trong đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Bộ luật này đồng nghĩa với việc nhiều người lao động sẽ được hưởng lợi từ sự bảo vệ của Bộ luật Lao động hơn so với trước đây.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa)

Lần đầu tiên trong Bộ luật đã bao phủ cả lực lượng lao động chính thức và phi chính thức

Đại biểu Quốc hội: Bộ luật Lao động (sửa đổi) thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động - Ảnh 1.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) có tác động rất lớn đến rất nhiều đối tượng người lao động, bao phủ lực lượng người lao động cả nước. Điểm quan trọng lần này chính là lần đầu tiên trong Bộ luật Lao động đã bao phủ cả lực lượng lao động trong quan hệ lao động và không có quan hệ lao động.

Hay nói cách khác, là đối tượng áp dụng và đối tượng điều chỉnh bao gồm cả lao động khu vực chính thức, và lao động phi chính thức.

Do đó, Bộ luật Lao động (sửa đổi) cân bằng lợi ích giữa chủ sử dụng lao động và người lao động; hạn chế bớt những sự chênh lệch quyền, lợi ích giữa chủ và thợ, dẫn đến sự bình đẳng cao hơn, đảm bảo để cho đáp ứng những yêu cầu là lao động, quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ.

Việc bổ sung thêm một ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương, nghỉ thêm 1 ngày trước hoặc sau ngày Quốc khánh 2/9, có ý nghĩa lớn.

Nếu nghỉ ngày Gia đình Việt Nam 28/6 thì chỉ được nghỉ một ngày, còn nghỉ thêm một ngày vào dịp 2/9, thì người lao động có thời gian dài hơn.

Hơn nữa, nghỉ thêm một ngày trong khoảng thời gian từ 1- 5/9, là ngày cận kề với ngày học sinh, sinh viên đến trường, bố mẹ có điều kiện chuẩn bị cho con cái ngày khai giảng năm học mới, và học sinh, sinh viên cũng có điều kiện để sum họp cùng gia đình trước khi đi học.

Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre)

Sửa đổi Bộ luật Lao động: Tạo một trong các điều kiện rất quan trọng thông qua Hiệp định EVFTA

Đại biểu Quốc hội: Bộ luật Lao động (sửa đổi) thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động - Ảnh 2.

Đánh giá cả quá trình, có thể nói thế này, trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, Bộ Lao động - TB&XH có rất nhiều cố gắng để xây dựng chính sách, ban hành pháp luật, và đặc biệt đã tiến hành để xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Trong đó đã chủ động nghiên cứu và tiếp thu rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và các cơ quan, ban ngành, cũng như phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, các Bộ ngành khác để xem xét, đánh giá một cách toàn diện, khách quan, cặn kẽ những vấn đề về mặt chính sách, mà hiện nay còn rất nhiều ý kiến khác nhau. 

Tôi cũng đánh giá rất cao Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Trưởng ban soạn thảo, với tinh thần cầu thị rất cao, lắng nghe, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Ví dụ chính sách về tuổi nghỉ hưu của người lao động để chúng ta xây dựng những phương án cho phù hợp; hay những vấn đề giờ làm việc cho người lao động; vấn đề tăng ngày nghỉ lễ, tết…

Có thể nói, ở đây, chúng ta đã có những cố gắng rất lớn trong việc nghiên cứu lý luận, nghiên cứu thực tiễn, nghiên cứu chính sách cả trong và ngoài nước, và phối hợp chặt chẽ với tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng như là các Hiệp hội để xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi), kịp thời trình Quốc hội cho ý kiến.

Cũng trên nền của dự án Luật này, suốt thời gian qua, đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của hàng triệu người, của cư tri cả nước.

Và đặc biệt, việc chúng ta đưa dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) này ra thảo luận ở Quốc hội, là một trong những vấn đề chúng ta công khai, minh bạch về mặt chính sách lao động xã hội đối với người dân, với những người đại diện cho nhân dân. Và đây cũng là một trong những dự luật nhận được sự quan tâm lớn, tham gia phát biểu nhiều nhất trên nghị trường.

Đây đã trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị lớn trong toàn Đảng, toàn dân của chúng ta. Tôi cho rằng đây là những vấn đề thành công.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) sau sáng nay, sẽ đi vào thực tiễn. Về cơ bản, Bộ luật đã "thích ứng" với các tiêu chuẩn quốc tế, và tinh thần của Bộ luật Lao động là đã bám sát các quy phạm pháp luật lao động quốc tế.

Chúng ta cũng đã thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị của tổ chức Lao động quốc tế ILO, và đặc biệt thời gian qua chúng ta cũng đã thực hiện một cách nghiêm túc và phối hợp rất chặt chẽ với Ủy ban Châu Âu để tiến hành sửa đổi Bộ Lao động, để qua đó, tạo một trong các điều kiện rất quan trọng thông qua Hiệp định EVFTA.

Đây là một trong những vấn đề rất cố gắng và thành công, đóng góp vào thành công chung của thực hiện EVFTA. Và đây là một trong những vấn đề tôi đánh giá rất cao.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (đoàn ĐBQH Thái Bình)

Bao trùm hơn và hội nhập hơn

Đại biểu Quốc hội: Bộ luật Lao động (sửa đổi) thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động - Ảnh 3.

Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vừa được thông qua, có thể nói, sẽ tạo ra bước đột phá mới trên hai hướng: bao trùm hơn và hội nhập hơn.

Bao trùm hơn vì, lần đầu tiên Bộ luật đã đưa được đối tượng điều chỉnh là cả trên 55 triệu người trong độ tuổi lao động ở nước ta để bảo vệ, thúc đẩy thực hiện một quyền cơ bản được hiến định của người lao động là quyền có việc làm. 

Hội nhập hơn vì Bộ luật đã tiếp cận các tiêu chuẩn lao động quốc tế về lao động trẻ em, về lao động cưỡng bức,.. đã mở đường cho việc thành lập các tổ chức đại diện cho người lao động ở cơ sở ngoài hệ thống tổ chức của Tổng liên đoàn. 

 Đó là yêu cầu phát triển tự thân của thị trường lao động ở nước ta và cũng là để tuân thủ các cam kết hội nhập.

Những đột phá này trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã nhận được sự đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội. Điều này cho thấy tinh thần đổi mới, và hội nhập luôn là tâm thế của nước nhà.


Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên)

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, và tiến bộ

Đại biểu Quốc hội: Bộ luật Lao động (sửa đổi) thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động - Ảnh 4.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) được bấm nút thông qua lần này đã bổ sung các chế định mới- thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người trong lĩnh vực lao động, quan hệ lao động, thị trường lao động, đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, hệ thống pháp luật hiện hành và yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.

Đây là sản phẩm của trí tuệ tập thể, được các đại biểu dành nhiều thời gian, sự quan tâm, tập trung thảo luận, góp ý trên tinh thần xây dựng đầy trách nhiệm qua hai kỳ họp của Quốc hội khóa 14.

Tôi tin rằng, khi Bộ luật được ban hành, và có hiệu lực, sẽ góp phần đảm bảo một cách tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, và tiến bộ, đảm bảo tính khả thi trong áp dụng thực tiễn.

THANH NHUNG (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh