Đà Nẵng: Xây dựng thành phố an toàn, không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái
- Y học 360
- 03:28 - 24/07/2019
Công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn TP. Đà Nẵng được tuyên truyền sâu rộng trong các cấp hội, thông qua các hội thi, ngày hội được tổ chức (ảnh: Hội LHPN TP. Đà Nẵng).
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Đà Nẵng (LHPN), bạo hành phụ nữ và trẻ em gái là vấn nạn mang tính toàn cầu, xảy ra ở mọi xã hội. Vấn nạn này không chỉ diễn ra trong gia đình mà hiện diện ở bất cứ nơi nào, kể cả nơi làm việc, trường học, nơi công cộng.
Nghiên cứu của cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ năm 2014 cũng chỉ ra, cứ 3 phụ nữ trên thế giới thì có 1 người sẽ trở thành đối tượng của bạo lực giới. Ở Việt Nam, nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ công bố năm 2010 cho thấy, 34% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục, 58% phụ nữ chịu ít nhất một trong 3 dạng bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần ít nhất một lần trong đời. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em, nhất là trẻ em gái diễn biến phức tạp và đang là vấn đề gây bức xúc toàn xã hội. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Tại TP. Đà Nẵng, những năm qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái luôn được thành phố đặc biệt quan tâm và đưa vào nhiệm vụ chính trị hàng năm. Nhiều mô hình ra đời góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, nhất là nam giới trong vấn đề bạo lực. Tuy nhiên, theo Hội LHPN TP. Đà Nẵng, đã có những vụ việc nghiêm trọng liên quan đến bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái xảy ra đang được theo dõi, can thiệp và đề nghị xử lý, chưa kể còn rất nhiều vụ việc chưa được người trong cuộc lên tiếng.
Theo đó, thống kê của các ngành chức năng về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2016 - 2018, tại TP. Đà Nẵng xảy ra 464 vụ bạo lực gia đình, trong khi đó số vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến bạo lực gia đình trong 2 năm 2016, 2017 là 6.739, số vụ án được giải quyết 6.671 vụ, trong đó, tổng số vụ ly hôn được giải quyết là 2.627 vụ.
Báo cáo của các ngành chức năng về bạo lực, xâm hại trẻ em tại TP. Đà Nẵng cũng cho biết, giai đoạn 2016 - 2018, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 38 vụ. Tính chất vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Giải pháp nào để xây dựng TP. Đà Nẵng an toàn và thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em gái, tại hội thảo, nhiều ý kiến, góp ý đã được các đại biểu tập trung thảo luận như: Công tác phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại TP. Đà Nẵng; hiệu quả các thiết chế giao thông đảm bảo sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái; tác động của mạng xã hội hiện nay trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; vai trò của ngành công an trong giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; bạo lực học đường tại thành phố và hiệu quả từ mô hình sinh hoạt câu lạc bộ “Nam giới tiên phong trong phòng, ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”; chương trình giáo dục kỹ năng cho học sinh tại các trường trên địa bàn TP. Đà Nẵng...
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thống nhất với việc xây dựng TP. Đà Nẵng hướng đến các tiêu chuẩn xây dựng thành phố “An toàn, không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Các đại biểu cũng thống nhất cần phải có sự chung tay của cả xã hội, cần có các giải pháp hữu hiệu để tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Đà Nẵng cho rằng, bằng những hoạt động tuyên truyền sâu rộng, đặc biệt là thông qua hội thảo này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về bình đẳng giới, về tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
“Chúng tôi hy vọng, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, những mô hình hiệu quả sẽ được lan tỏa, nhân rộng, tạo thành phong trào thi đua, các cuộc vận động toàn diện, đa dạng trong việc hỗ trợ nâng cao trình độ mọi mặt cho phụ nữ phát triển kinh tế, giáo dục gia đình, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, từ đó phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại, mua bán phụ nữ và trẻ em...”, bà Hương cho biết.
Được biết, từ chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011 - 2020, TP. Đà Nẵng đã có nhiều chính sách, chủ trương trong công tác phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái, tiến tới thực hiện bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn thành phố. Các cấp Hội LHPN thành phố cũng duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng, với 722 địa chỉ tin cậy; 6 ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình; 188 tổ nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 47 câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực gia đình”; 6 CLB cha mẹ học sinh phòng chống bạo lực gia đình; 16 CLB “Nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em"…