THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:59

Đà Nẵng: Hàng nghìn người khuyết tật có nhu cầu trợ giúp

.

Thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 10. 390 NKT được quản lý trên phần mềm, trong đó có 3.752 NKT có việc làm ổn định, chiếm tỷ lệ 36,11%, số còn lại chưa có việc làm hoặc bệnh tật không có khả năng lao động, phần lớn gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc nghèo, rất cần được sự quan tâm hỗ trợ của xã hội và cộng đồng.

Thời gian qua, cùng với nhiều hoạt động nhằm trợ giúp, tạo điều kiện để NKT có cơ hội hòa nhập, vươn lên trong cuộc sống, thành phố Đà Nẵng đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến NKT, giải quyết kịp thời chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng đủ điều kiện theo quy định tại Quyết định 13/2014 của UBND TP. Đà Nẵng. 

NKT được tư vấn, giới thiệu việc làm tại Chợ việc làm Đà Nẵng

Đặc biệt, riêng năm 2014, địa phương đã giải quyết cho 2.000 đối tượng hưởng mới theo Nghị định 28/NĐ-CP, nâng tổng số đến nay toàn thành phố có 9.677 cá nhân và hộ gia đình NKT được hưởng chính sách trợ cấp xã hội tại cộng đồng, với kinh phí chi trả hàng năm là 43 tỷ đồng.

Hầu hết NKT, người tâm thần không có nơi nương tựa trên địa bàn thành phố đều được xem xét đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần.

Tuy nhiên, tại hội nghị, ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho rằng: Nhu cầu trợ giúp của NKT vẫn còn rất nhiều, ở hầu hết mọi mặt của cuộc sống từ nhu cầu hòa nhập đến nhu cầu được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, các vấn đề liên quan đến nhà ở hay sinh kế. Trong đó, đáng quan tâm nhất vẫn là nhu cầu về hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NKT.

Theo số liệu đưa ra tại ội nghị, Đà Nẵng hiện có khoảng gần 6.000 trường hợp NKT có nhu cầu được đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Nhu cầu khá lớn, tuy nhiên thời gian qua việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng này vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả.

Cụ thể, trong năm 2014, bằng nguồn ngân sách thành phố đã hợp đồng với 7 trung tâm dạy nghề để dạy nghề miễn phí cho NKT, tuy nhiên chỉ có 4 trường hợp đăng ký học học nghề chính quy. Lý giải cho điều này, Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết, bên cạnh việc các cơ sở dạy nghề còn gặp lúng túng, khó khăn trong quá trình triển khai thì vẫn còn không ít NKT có tâm lý ỉ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, chưa xác định cho mình hướng đi ngay từ đầu nên dẫn đến tình trạng không mặn mà, thậm chí nay đăng kí học chỗ này nhưng ngày mai lại chuyển chỗ khác...

Một vấn đề khác cũng được các đại biểu đặt ra tại hội nghị, đó là nguyên nhân vì sao nhu cầu trợ giúp của NKT vẫn còn ở mức cao mặc dù đây là đối tượng đượ thành phố Đà Nẵng triển khai và thực hiện quyết liệt với nhiều giải pháp hỗ trợ.

Ông Hiệp cho rằng, chúng ta có đầy đủ cơ chế, pháp luật để thực thi các chính sách trợ giúp NKT, tuy nhiên cơ chế giám sát việc thực hiện này lại dường như bị bỏ ngỏ, đây cũng chính là lý do dẫn đến hiệu quả của việc trợ giúp NKT chưa cao.

Được biết, năm 2014, tổng kinh phí chi cho công tác trợ giúp NKT trên địa bàn thành phố là 90,1 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước là 60,1 tỷ đồng và kinh phí vận đồng từ các tổ chức, cá nhân là 30 tỷ đồng.

Năm 2015 nhằm tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến các cấp, ngành, cộng đồng và toàn xã hội tham gia vào các hoạt động trợ giúp NKT tiếp cận với các dich vụ xã hội, cơ bản từng bước cải thiện ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, Đà Nẵng phấn đấu sẽ có 600 gia đình NKT thuộc diện hộ nghèo, khó khăn được hỗ trợ sinh kế, 200 NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm phù hợp, 100% NKT có khả năng được tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động văn hóa – thể dục thể thao, vui chơi giải trí...


Bùi Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh