CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 07:18

Đà Nẵng triển khai các giải pháp phát triển kinh tế sau dịch COVID

Đà Nẵng triển khai các giải pháp phát triển kinh tế sau dịch COVID - Ảnh 1.

Đà Nẵng được mệnh danh thành phố đáng sống.

Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU về lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát.

Theo Chỉ thị, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên cả nước cơ bản được kiểm soát. Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương chuyển trạng thái vừa tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tận dụng những cơ hội mới, nhất là xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam…

Nhằm sớm vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2020 và thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể thành phố tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, Thành ủy yêu cầu các đơn vị tiếp tục quán triệt về việc thực hiện các chủ trương, giải pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, sẵn sàng mọi điều kiện về nhân lực, phương tiện và chủ động triển khai các phương án, kịch bản nhằm ứng phó với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội nhưng đảm bảo kiểm soát đúng mức, không chủ quan, lơ là; hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh đến đời sống người dân, trật tự, an toàn xã hội và hoạt động phát triển kinh tế. Đồng thời, xác định nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay là nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.

Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Chính phủ về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, khôi phục lại các hoạt động kinh tế-xã hội. Khẩn trương rà soát, đánh giá đầy đủ tác động của đại dịch đối với từng ngành, lĩnh vực để có kịch bản, giải pháp phù hợp nhằm khắc phục, giảm thiểu các tác hại gây ra.

Hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được tiếp cận nhanh với các cơ chế, chính sách hỗ trợ về miễn, giảm, giãn thuế, phí, lãi suất ngân hàng, tiếp cận đất đai, thị trường tiêu thụ, xuất khẩu… để tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Chỉ đạo sớm triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, đảm bảo đúng quy định, đối tượng và công khai, minh bạch. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trục lợi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Xác định rõ những cơ hội, động lực mới cho tăng trưởng, triển khai quyết liệt các giải pháp, trong đó tập trung vào 5 lĩnh vực trọng tâm gồm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước; khôi phục, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; kích cầu du lịch, khuyến khích tiêu dùng nội địa; thúc đẩy đầu tư công; và tập trung tháo gỡ khó khăn đối với các dự án quy mô lớn của các doanh nghiệp có vướng mắc, chậm triển khai trong nhiều năm, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, khởi công dự án.

Đồng thời rà soát, cân đối chi ngân sách hiệu quả, phù hợp với tiến độ thu, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển và an sinh xã hội. Thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên 9 tháng cuối năm của các địa phương, đơn vị; giảm tuyệt đối các khoản chi chưa có nội dung chi; rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, tiết giảm tối đa các khoản chi lễ hội, hội thảo, hội nghị, khánh tiết, đi công tác nước ngoài…

P.V

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh