CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:17

Đà Nẵng: Thu hồi nhiều dự án thương mại, làm công cộng

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa. Ảnh: TẤN VIỆT

Ngày 23-1, tại cuộc họp UBND TP. Đà Nẵng thường kỳ tháng 1-2019, Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng báo cáo tiến độ thực hiện Thông báo kết luận 331 của Ban Thường vụ Thành ủy về bốn nhóm dự án lớn. Nhiều dự án trong đó sẽ được thu hồi và chuyển đổi quy hoạch từ khu du lịch, nhà hàng - bến du thuyền… thành dự án công cộng phục vụ người dân.

Cần hàng ngàn tỉ đồng để thu hồi các dự án đất vàng

Theo liệt kê của Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, một dự án sẽ thu hồi bồi thường là dự án quảng trường Thành Điện Hải và nhà hàng - bến du thuyền (quận Hải Châu). Hiện dự án thành phố đang phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh nhà hàng - bến du thuyền thành công trình văn hóa phục vụ công cộng. Ngoài ra, Đà Nẵng dự kiến thu hồi khu du lịch ven biển của Công ty IVC để làm công viên biển đối diện đường Huyền Trân Công Chúa (quận Ngũ Hành Sơn). Thành phố đã phê duyệt quy hoạch tháng 10-2018, quy mô 3,7 ha. Dự án của Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 cũng bị thu hồi để mở rộng bãi tắm Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn). Hiện thành phố đã thống nhất phương án quy hoạch, đang lấy ý kiến của Bộ Công an. Hiện ba dự án trên đang trong quá trình điều tra của Bộ Công an. Lãnh đạo Đà Nẵng giao Sở TN&MT đề xuất thủ tục thu hồi đất sau khi có kết quả điều tra.

Theo ông Vũ Quang Hùng, trong bốn nhóm dự án nêu trong thông báo, có một số dự án lớn án ngữ đất vàng nhiều năm như khu du lịch ven biển của Công ty DAP. Hiện Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch tháng 7-2018, chuyển đổi dự án thành bãi tắm kết hợp công viên công cộng. Dự án khu vườn dạo phía Tây Nhà hát Trưng Vương tại khu vực dự án Vũ Châu Long, quy mô 7.819 m2 cũng được đưa vào danh mục thu hồi đất. TP. Đà Nẵng đang cho kiểm định chất lượng các hạng mục công trình, hoàn thành thủ tục thu hồi đất, chuẩn bị đầu tư trong năm 2019. Một dự án lớn nữa là khu vườn dạo phía Đông Nhà hát Trưng Vương trên cơ sở thu hồi dự án Viễn Đông Meridian Tower, quy mô 11.170 m2. Nếu thu hồi, thành phố sẽ phải bồi thường về đất theo giá trị đất của thành phố là 454 tỉ đồng, theo giá thị trường là 1.041 tỉ đồng.

Liên quan Thông báo kết luận 331, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho hay hầu hết các dự án đã có quy hoạch. Hiện thành phố đang thực hiện bước ráp giá, lập dự án. Tuy nhiên, vướng mắc là một số dự án thành phố đề xuất thu hồi có mức bồi thường quá lớn, lên tới con số vài ngàn tỉ. Ông Thơ đề nghị các ngành nghiên cứu cách thức thuyết phục nhà đầu tư theo hướng chuyển đổi, hoán đổi thành phần đất (đất thuê trả tiền một lần và thuê trả tiền hằng năm). 

Thúc các dự án lớn để tăng trưởng kinh tế

Bình luận về bức tranh ngành du lịch của Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho hay có nhận định rằng thành phố này nhiều phòng ốc nhưng thiếu khu vui chơi. Ông Nghĩa đặt vấn đề nên chăng cần rà soát lại theo hướng hạn chế phát triển phòng lưu trú, tập trung vào các khu vui chơi đã có quy hoạch.

Bí thư TP. Đà Nẵng cũng cho rằng một yếu tố quan trọng là sản phẩm phục vụ du lịch. “Nguồn thu từ chi tiêu của du khách thì Sở Công Thương có đề xuất gì, có sáng kiến gì? Chỉ loanh quanh trong câu chuyện đặt mấy cái máy bán hàng tự động mà đến giờ vẫn chưa xong” - ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Tại cuộc họp, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, đề nghị thành phố khẩn trương triển khai các dự án thúc đẩy phát triển du lịch, cần sớm phê duyệt quy hoạch cảnh quan sông Hàn. Còn theo ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, thành phố có bốn dự án lớn nếu làm nhanh sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế rất hiệu quả. Đó là các dự án công viên đại dương, Làng Vân, Công viên phần mềm số 2 và dự án Nam Ô. Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng Tô Văn Hùng kiến nghị thành phố lập 15 danh mục dự án ảnh hưởng môi trường để đưa bước đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vào thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư. Còn các dự án nằm ngoài danh mục thì cho phép doanh nghiệp chỉ làm ĐTM sơ bộ khi xin chủ trương đầu tư nhằm đẩy nhanh thủ tục cho doanh nghiệp.

Theo ông Trương Quang Nghĩa, Kết luận 331 liên quan các dự án đều được làm từ quá trình báo cáo đề xuất của UBND thành phố. Dự án nào rõ ràng, cụ thể, dễ làm thì làm trước. “Chúng ta hoàn toàn làm được nếu đồng nhất cách tiếp cận với một số dự án. Như dự án Nam Ô, việc chúng ta điều chỉnh quy hoạch là xuất phát từ người dân chứ không phải tự nhiên chúng ta điều chỉnh đâu. Nhà đầu tư không chấp nhận thì rút lui rồi chúng ta đấu thầu tìm nhà đầu tư khác” - ông Nghĩa nói.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh