THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:12

Đà Nẵng thành lập Ban điều hành khu dân cư để chăm lo cho nhân dân trong thời gian phong tỏa

Đà Nẵng: Thành lập Ban điều hành khu dân cư để chăm lo cho nhân dân trong thời gian phong tỏa - Ảnh 1.

Đà Nẵng tăng cường các biện pháp phòng dịch Covid 19.

Theo đó, trong thời gian Đà Nẵng phong tỏa 7 ngày, từ 16/8 đến 23/8, người dân thực hiện nghiêm việc ở nhà, không ra đường. UBND phường, xã sẽ thành lập Ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn để thực hiện các nhiệm vụ thiết yếu, chăm lo cho nhân dân trong thời gian này.

Cụ thể, đồng chí Bí thư chi bộ khu dân cư, thôn là người đứng đầu lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của Ban Điều hành. Lực lượng chủ chốt gồm: Cấp ủy chi bộ, Tổ dân phố/ban nhân dân thôn, Mặt trận, các hội đoàn thể, dân phòng, Ban bảo vệ dân phố, dân quân với Công an, Quân đội phân công lực lượng tham gia Ban điều hành. Bên cạnh đó, huy động thêm lực lượng đảng viên, cán bộ hưu trí, cán bộ công chức và các lực lượng tình nguyện viên khác... Yêu cầu đảm bảo mỗi Ban Điều hành huy động từ 32-40 người (chia thành 3 ca, 4 kíp, mỗi kíp từ 8-10 người).

Trong 7 ngày phong tỏa, nhiệm vụ của Ban điều hành sẽ là: kịp thời thông tin, tình hình dịch bệnh người dân biết rõ nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân, chia sẻ cùng thành phố trong công tác phòng, chống dịch; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, nhắc nhở không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú, phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Bên cạnh đó, Ban điều hành tại các khu dân cư sẽ tham gia nắm đầy đủ, chính xác nhu cầu lương thực, thực phẩm của từng hộ gia đình, từng nơi cư trú để cung ứng kịp thời, nhất là các hộ nghèo, hộ khó khăn, người lao động phổ thông…, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Các Ban điều hành cũng có nhiệm vụ tổ chức thiết lập các chốt cứng, đảm bảo mỗi khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn chỉ có 1 hoặc 2 lối ra, vào. Mỗi lối ra, vào thiết lập 1 chốt với lực lượng thường trực từ 2-4 người để kiểm soát. Tại các chốt cứng (không có người canh gác), in bảng hướng dẫn đường ra để tránh trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, chữa cháy...

Bên cạnh các Ban điều hành, Chủ tịch UBND các phường sẽ thành lập từ ít nhất 5 Tổ phản ứng nhanh (Công an, quân đội làm nòng cốt và các đơn vị khác là thành viên) để hỗ trợ các Ban Điều hành khi có tình huống; tổ chức tuần tra kiểm soát địa bàn, phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.

Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng và UBND các quận, huyện tiếp tục hoàn thiện phương án cung ứng, phân phối hàng hóa trên địa bàn trên cơ sở tận dụng nguồn cung ứng tại chỗ; chịu trách nhiệm trong việc tổ chức, điều tiết, cung ứng và phân phối hàng hóa đến địa bàn các phường, xã, đảm bảo không để người dân thiếu hàng.

UBND các quận, huyện cùng UBND các phường, xã hướng dẫn Ban điều hành trong khu dân cư hỗ trợ người dân mua các nhu yếu phẩm cần thiết (thông qua hình thức đăng ký đơn hàng qua. Ban Điều hành, tuyệt đối không để người dân tự đi đến các nơi cung cấp hàng hóa). Lực lượng chức năng cần đảm bảo Ban điều hành tổng hợp đơn hàng, nhận và giao cho người dân tận nhà. Đối với các hộ nghèo, cận nghèo, người không có thu nhập, hộ khó khăn thì các cấp chính quyền sẽ điều phối để các địa phương phân phối nhu yếu phẩm đến từng hộ, không để người dân thiếu, đói.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố diễn ra vào ngày 15/8, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu: Sở Công Thương và các địa phương đảm bảo cung ứng thực phẩm cho người dân. 

"Nếu hàng ngày tổng đài 1022 nhận phản ánh của người dân về việc cung ứng thực phẩm, mà các lực lượng chức năng kiểm tra đúng người dân đang thiếu, cung ứng không đúng không đủ, kể cả cung ứng rau héo, thịt cá thối thì phải quy trách nhiệm cá nhân, xem đó là lỗi của ai," ông Quảng nhấn mạnh.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh