CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:11

Sẵn sàng phương án ứng phó với thiên tai dịp APEC

Chèn chống lại cây xanh sau mưa bão 

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay, áp thấp nhiệt đới trên khu vực miền Trung Philippines đã đi vào biển Đông. Nhiều khả năng áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão và di chuyển nhanh theo hướng Tây. Với nhận định bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ từ ngày 3 - 4/11, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở vào có nguy cơ xảy ra một đợt mưa đặc biệt lớn và kéo dài trong nhiều ngày. Tại TP. Đà Nẵng, nơi sẽ diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 từ ngày 6 - 11/11/ 2017 tới, Ban chỉ đạo Phòng, chống thiên tai Trung ương yêu cầu TP. Đà Nẵng phải hết sức chú trọng công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai, tuyệt đối không thể chủ quan dù áp thấp nhiệt đới và bão hướng vào các tỉnh phía Nam, nhất là trong dịp diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng, địa phương hiện có 21 hồ chứa, trong đó có 2 hồ chứa lớn là hồ Hòa Trung và Đồng Nghệ. Các hồ này được nhận định có kết cấu tốt, khả năng vỡ là khó có thể xảy ra. Thành phố cũng đã có phương án phòng chống úng ngập đô thị. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thanh Hòa, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP. Đà Nẵng, điều đáng lo ngại đó là sự ảnh hưởng nước lũ từ các hồ thủy điện tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam đổ về. Theo báo cáo, mực nước hồ Đăk Mi 4 (Quảng Nam) là 254,50m/251,00m (mực nước đón lũ), đang vận hành xả tràn trung bình 56,67m3/s để đưa hồ về mực nước đón lũ. Hồ thủy điện A Vương có mực nước 365,80m/370,00m. Hồ Sông Bung 4 có mực nước 216,22m/214,30m.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, việc xuất hiện đồng thời áp thấp nhiệt đới gần bờ, áp thấp nhiệt đới tại Philippines đã đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão, kết hợp với ảnh hưởng của không khí lạnh sẽ gây ra mưa lớn trên diện rộng. Khu vực có khả năng sẽ xảy ra lũ và mưa lớn kéo dài là các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở vào đến Cà Mau. Tại TP. Đà Nẵng, nơi diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN nhấn mạnh, công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai trên địa bàn phải được đảm bảo đến mức tối đa, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, nếu trời mưa lớn, phải túc trực 24/24 tại các đập thủy điện, hồ chứa nước trên địa bàn, chủ động di dời dân khi có sự cố xảy ra. Thứ trưởng cũng yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng cần thường xuyên theo dõi thông tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia và các trung tâm khí tượng trong khu vực để có phương án sẵn sàng ứng phó trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, đảm bảo an toàn cho các hoạt động trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra trên địa bàn thành phố.

Được biết, trong ngày 1/11, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt kế hoạch ứng phó thiên tai và thời tiết xấu trên địa bàn, đặc biệt trong dịp APEC, theo 3 phương án là bão, lũ lụt và sóng thần. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cũng đã có công điện đến các cấp cơ sở ở các quận, huyện, các sở, ban, ngành về ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ, áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông và tình hình mưa, lũ trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai túc trực 24/24 tại 2 hồ chứa nước lớn trên địa bàn thành phố là hồ Đồng Nghệ và hồ Hòa Trung, kịp thời cảnh báo về nguy cơ tràn, vỡ đập, chủ động ứng phó trong trường hợp khẩn cấp, ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ…

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 31/10 đến ngày 1/11, tại TP. Đà Nẵng đã liên tục có mưa lớn kéo dài, một số cây xanh trên các tuyến đường gần biển bị ngã đổ, bật gốc, ảnh hưởng đến mỹ quan đường phố. Hiện các địa phương đang triển khai việc khắc phục, chuẩn bị tốt nhất cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra trên địa bàn thành phố thành công tốt đẹp. 

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh