THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:11

Đà Nẵng khẩn trương phong toả 4 phường của quận Sơn Trà

Đà Nẵng khẩn trương phong toả 4 phường của quận Sơn Trà - Ảnh 1.

Đà Nẵng phong toả các địa bàn có nguy cơ cao nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Đây là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tại buổi kiểm tra thực tế công tác kiểm soát dịch tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) vào tối 31/7.

Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cho biết, ngày 31/7, thành phố tiếp tục ghi nhận 55 trường hợp mắc COVID-19, 27 trường hợp đã cách ly tập trung, 5 trường hợp trong khu phong tỏa, 23 trường hợp chưa được cách ly. Đáng lưu ý, các ca mắc COVID-19 chủ yếu tập trung ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà (gần Cảng cá Thọ Quang), khi chuỗi lây nhiễm này hiện đã ghi nhận tổng số 202 ca mắc và có nguy cơ rất cao.

Theo lãnh đạo Quận Sơn Trà, địa phương đã huy động 50% lực lượng của quận tăng cường xuống phường, vận động người dân lấy mẫu. Sau khi phát hiện ra nhiều trường hợp dương tính liên quan đến Cảng cá Thọ Quang, quận đã tăng tốc độ lấy mẫu xét nghiệm các F có liên quan, đẩy nhanh tiến độ truy vết, khoanh vùng.

Ngành y tế Đà Nẵng nhận định, số ca mắc trên địa bàn thành phố đang có dấu hiệu gia tăng. Dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Trong đó, quận Sơn Trà, bên cạnh "điểm nóng" là phường Nại Hiên Đông, thì 3 phường xung quanh, gồm: Thọ Quang, An Hải Bắc, Mân Thái được xác định rất phức tạp, khó lường, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ làm lây lan dịch bệnh ra toàn thành phố.

Trước tình hình này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị quận Sơn Trà khẩn trương ra quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với 4 phường trên, gồm: Nại Hiên Đông, Thọ Quang, An Hải Bắc, Mân Thái. Tổ chức chốt chặn, đóng cứng những khu vực nóng của 4 phường, đặc biệt là phường Nại Hiên Đông, tuyệt đối không cho mọi người dân ra vào, trong trường hợp cấp thiết phải được phép của lực lượng chức năng. Đồng thời, tập trung lực lượng y tế khẩn trương khoanh vùng, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại khu vực 4 phường trên; Công an thành phố nhanh chóng bổ sung lực lượng tại khu vực này…

Như vậy, tính từ ngày 10/7 đến ngày 31/7, Đà Nẵng ghi nhận 688 ca mắc COVID-19. Thành phố cũng đang thực hiện cách ly, giám sát 2.622 trường hợp F1 và 4.271 trường hợp F2. Trong ngày 31/7, TP Đà Nẵng đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho 31.933 lượt người.

Trước đó, như báo điện tử Dân sinh đã đưa tin, kể từ 18 giờ ngày 31/7/2021, TP Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng, chống dịch COVID-19, cho đến khi có thông báo mới.

Thành phố thực hiện cách ly xã hội trên phạm vi toàn thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; tổ dân phố cách ly với tổ dân phố; thôn cách ly với thôn; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện.

Thành phố Đà Nẵng áp dụng thực hiện giãn cách xã hội với những biện pháp cao hơn trong công tác phòng, chống dịch theo nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, với những quy định, yêu cầu mọi người dân không được ra khỏi nhà. Chỉ được phép ra khỏi nhà trong những trường hợp đi mua lương thực, thực phẩm; cấp cứu, khám chữa bệnh, xét nghiệm SARS-CoV-2, tiêm chủng, mua thuốc chữa bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác/công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở nhà nước, tác nghiệp báo chí; đi làm việc tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động; các nhà máy, cơ sở sản xuất được phép hoạt động;

Tham gia điều khiển phương tiện vận chuyển giao nhận hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu; thực hiện các nhiệm vụ vệ sinh môi trường đô thị, xử lý sự cố điện, nước, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông tin, phòng chống dịch theo quy định. Các trường hợp đặc biệt khác khi được sự đồng ý của Chủ tịch UBND thành phố bằng văn bản.

Người dân không được ra khỏi thành phố trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và chỉ được phép di chuyển vào thành phố vì lý do công vụ, phòng, chống dịch, vận chuyển hàng hóa thiết yếu…

Thành phố tạm dừng hoạt động tất cả các cơ sở kinh doanh, dịch vụ (kể cả hoạt động bán mang về của các nhà hàng, cửa hàng, quán ăn, uống). Các trường hợp được phép hoạt động như siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa bán hàng thiết yếu, cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, cơ sở dịch vụ khám, chữa bệnh, cửa hàng kinh doanh gas, kinh doanh xăng dầu, ngân hàng, bổ trợ tư pháp, kho bạc, chứng khoán.

Khách sạn sử dụng là cơ sở cách ly y tế tập trung cho người có nhu cầu; dịch vụ bưu chính, viễn thông, thư tín, phát hành báo chí; hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa; dịch vụ vận chuyển giao nhận hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất nhập khẩu; dịch vụ cung ứng suất ăn công nghiệp. Các trường hợp đặc biệt khác do Chủ tịch UBND thành phố xem xét, quyết định.

Các cơ sở, cá nhân được phép hoạt động kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch theo quy định; chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho người dân, người lao động và cộng đồng; kiểm soát toàn bộ người đến mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ; thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K; tổ chức khai báo y tế bằng QR Code hoặc bằng giấy. Trường hợp thiếu trách nhiệm để xảy ra lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật.

Đối với các đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong thời gian tạm dừng hoạt động phải bố trí nhân viên trực bảo đảm an ninh, an toàn, phòng, chống cháy nổ tại đơn vị và xác nhận, cấp giấy đi đường để làm cơ sở cho việc tham gia giao thông trong thời gian giãn cách xã hội.

Tại các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất phải có phương án, kịch bản phòng, chống dịch theo quy định; cam kết đầy đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch; tổ chức sản xuất với phương án giãn 50% ca, kíp sản xuất, bộ phận quản lý làm việc trực tiếp không quá 50% số người tại trụ sở. Đặc biệt, chủ cơ sở sản xuất phải chủ động dừng sản xuất khi chưa đủ các điều kiện phòng, chống dịch theo quy định; trường hợp để xảy ra lây lan dịch bệnh do thiếu trách nhiệm sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật.

Thành phố cũng dừng các hoạt động thi công tại tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố (kể cả các hoạt động xây dựng nhà dân). Các công trình trọng điểm, cấp bách của thành phố chỉ được thi công khi được sự cho phép của UBND thành phố hoặc UBND các quận, huyện.

Các cơ quan, công sở Nhà nước sắp xếp, bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; làm việc trực tiếp với số lượng không quá 50% tại trụ sở (trừ nhân viên y tế, lực lượng công an, quân đội và một số ngành đặc thù khác phục vụ phòng, chống dịch), bảo đảm cơ bản hoàn thành nhiệm vụ.

Thành phố dừng việc tiếp công dân trực tiếp tại tổ một cửa Trung tâm hành chính thành phố và quận, huyện, phường, xã (nhưng vẫn bảo đảm giải quyết, xử lý công việc của công dân và doanh nghiệp); đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Dừng các hoạt động hội họp chưa thật sự cấp thiết; trong trường hợp phải tổ chức các cuộc họp, sự kiện phải bảo đảm giãn cách 2 mét và tập trung không quá 20 người trong 1 phòng, ngoại trừ các cuộc họp, sự kiện quan trọng được cấp có thẩm quyền cho phép. Người đứng đầu đơn vị quyết định phương án bố trí công việc, số lượng người làm việc và chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch.

Dừng tất cả các hoạt động và phương tiện vận tải hành khách bằng đường bộ, đường thủy, trừ trường hợp vận chuyển phục vụ công tác phòng, chống dịch, vận chuyển người bệnh, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia. Các hoạt động vận tải được phép hoạt động phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, không để đám tang quá 48 giờ, chỉ tổ chức nghi lễ trong phạm vi gia đình, không quá 20 người; không tổ chức các đoàn viếng và phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

BM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh