THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:31

Đà Nẵng bắn pháo hoa trên sà lan giữa sông Hàn vào dịp 2/9

 

Theo đó, Nghị định 36/CP của Chính phủ quy định vào dịp lễ Quốc khánh có một số nơi được bắn pháo hoa trong thời gian 15 phút, bắt đầu từ lúc 9h tối 2/9. Năm nay, Đà Nẵng cũng tổ chức bắn pháo hoa chào mừng Tết độc lập, nhưng điểm đặc biệt là nhân dịp này, TP sẽ thí điểm việc bắn pháo hoa từ trên sà lan đặt giữa sông Hàn, đoạn từ cầu Sông Hàn đến cầu Thuận Phước.

Đội pháo hoa Đà Nẵng từng bắn pháo hoa từ trên sà lan đặt giữa vịnh biển TP Vancouver khi tham dự lễ hội trình diễn pháo hoa quốc tế Celebration of Light (Canada) hồi năm 2012 – 2013 (Ảnh do Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cung cấp)

Ông Hoàng Sơn Trà, Trưởng phòng, Thư ký Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, đội pháo hoa Đà Nẵng (thuộc Bộ chỉ huy Quân sự TP) sẽ thực hiện việc bắn pháo hoa này và sẽ bắn bình thường như vào các dịp giao thừa chứ không phải bắn có nhạc nền như tại các cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế DIFC.

Cũng theo ông Hoàng Sơn Trà, việc tổ chức bắn pháo hoa từ trên sà lan đặt giữa sông, giữa biển đã được nhiều nơi trên thế giới thực hiện. Trong hai lần tham dự lễ hội trình diễn pháo hoa quốc tế Celebration of Light (Canada) hồi năm 2012 – 2013, đội pháo hoa Đà Nẵng cũng từng bắn pháo hoa trên sà lan đặt giữa vịnh biển TP Vancouver.

Việc thí điểm bắn pháo hoa giữa sông Hàn vào dịp lễ 2/9, giúp Đà Nẵng nghiên cứu thêm phương án tổ chức DIFC. Do lẽ, đến DIFC 2017 thì nhiều khả năng Tập đoàn Sun Group đã triển khai dự án Olalani ở bờ đông sông Hàn, nên khu vực lắp đặt sân khấu, khán đài sẽ bị thu hẹp rất nhiều.

Trong khi đó cảng Sông Hàn ở bờ tây vốn là bãi bắn của các đội tham dự các kỳ DIFC trước đây cũng được chuyển đổi công năng thành bến du thuyền, công viên… Chưa kể bãi bắn đặt ở vị trí này rất gần các tòa nhà cao tầng nên khó đảm bảo an toàn tuyệt đối.

“Dịp 2/9 sắp tới, nếu thí điểm bắn pháo hoa từ sà lan đặt giữa sông Hàn thành công, sẽ lập phương án mới cho việc tổ chức DIFC để vừa đảm bảo an toàn, vừa tạo điều kiện cho người dân, du khách đứng hai bên bờ sông đều có thể xem được các màn trình diễn pháo hoa nên sẽ phân tán được lượng người thay vì hầu như chỉ dồn vào bờ Đông mới xem được như các kỳ DIFC trước. Còn nếu bắn trên sà lan giữa sông không đạt yêu cầu mong muốn thì nhiều khả năng sẽ đưa ra biển, khi đó người xem cũng sẽ rất thoải mái!” – ông Hoàng Sơn Trà nói.

Đáng nói là trước đây cũng từng có đề xuất tổ chức bắn phoa hoa từ sà lan đặt giữa sông Hàn tại các kỳ DIFC trước, nhưng không thành hiện thực, mà nguyên nhân chủ yếu là chi phí tốn kém. Trả lời câu hỏi: Liệu lần này Đà Nẵng thí điểm phương án bắn pháo hoa từ giữa sông Hàn có vấp phải trở ngại như trước kia?

Ông Hoàng Sơn Trà cho biết “Thực ra bắn pháo hoa trên sà lan tốn kém là vì trước đây mình bắn một lúc 5 đội chỉ trong 2 ngày. Mỗi đội cần 2 sà lan thì tính ra phải có ít nhất 10 sà lan. Tốn kém là ở chỗ đó. Nếu điều chỉnh phương án tổ chức như các nước hay làm là không tập trung hết vào 1 - 2 ngày mà rải ra, mỗi đêm chỉ có 1 đội thi, 3 – 4 ngày sau mới đến đội khác, 3 – 4 ngày sau lại đến đội khác nữa. Như thế sẽ đủ thời gian cho đội sau lắp pháo trên sà lan sau khi đội trước kết thúc màn trình diễn. Do đó, chỉ cần 2 chiếc sà lan là đủ!”.

Ngoài ra, theo phân tích của ông Hoàng Sơn Trà, với phương án này sẽ kéo dài được thời gian tổ chức lễ hội. Du khách không bị áp lực phải dồn đến cùng lúc dẫn tới quá tải về nơi lưu trú và các dịch vụ khác. Thay vào đó, họ có thể lựa chọn đội mà mình yêu thích và thời điểm thích hợp để đến dự xem.

Từ phương án trên, các dịch vụ phục vụ trên địa bàn thành phố chỉ đạt 70 – 80% công suất mỗi khi có đội trình diễn, nhưng thay vào đó, các dịch vụ này được thực hiện đến 5 lần trong mùa lễ hội pháo hoa. Tính ra, tổng lượng khách đến Đà Nẵng cũng như hiệu quả kinh doanh vào dịp này vẫn sẽ cao hơn nhiều!


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh