THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:26

Đã kiểm tra việc xét duyệt hơn 60 nghìn hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Sâm, hiện đang sinh sống tại Thành phố Hải Phòng

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thì công tác thanh, kiểm tra cũng không ngừng được đẩy mạnh. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để rà soát, phát hiện những bất cập cả về chính sách và tổ chức thực hiện chính sách. Trong những năm vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tăng cường lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra chính sách ưu đãi người có công cả về số lượng và chất lượng. Tính từ năm 2012 đến hết năm 2016, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành thanh tra tại 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phối hợp với Bộ Quốc phòng tiến hành thanh tra việc xác lập, xét duyệt hồ sơ thương binh tại 05 Quân khu (Quân khu 2, 3, 4, 5, 7). Qua kiểm tra hơn 60 nghìn hồ sơ tại các đơn vị, địa phương nêu trên, phát hiện hơn 12 nghìn hồ sơ sai sót hoặc nghi vấn sai sót, trong đó có hơn 1,8 nghìn hồ sơ không đảm bảo pháp lý, không đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi, đã kiến nghị các cơ quan có liên quan ban hành quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi, buộc hoàn trả ngân sách Nhà nước số tiền đã hưởng sai quy định trên 130 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước hàng năm trên 37 tỷ đồng; chi sai nội dung, chi trùng lĩnh, trùng cấp kinh phí người có công, đã kiến nghị xuất toán, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền trên 13 tỷ đồng.

Qua thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo kiên quyết chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan điều tra khởi tố để xử lý theo pháp luật đối với các sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm.

Cục Người có công kiểm tra công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ người có công tại Sở LĐ- TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc

Về giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện tốt việc lập và xét duyệt hồ sơ thường xuyên, theo các quy định hiện hành, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Đối với người có công không còn giấy tờ, năm 2013, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Thông tư đã mở ra những điểm mới, đơn giản hơn như: không cần người làm chứng, thương binh bị thương trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ tại các chiến trường B, C, K và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hiện có vết thương thực thể đều thuộc diện lập hồ sơ, giải quyết chế độ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Hơn 3 năm qua, đã xác nhận được trên 300 liệt sĩ; Bộ Quốc phòng và các địa phương thực hiện xác nhận được trên 500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP nêu trên.

Cùng với giải quyết hồ sơ mới được xác lập, việc rà soát để giải quyết các hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng (hồ sơ đã được xác lập trong những giai đoạn trước đây nhưng chưa được xem xét giải quyết do chưa đảm bảo thủ tục) cũng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 và giai đoạn tiếp theo.

Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH, Tổ công tác liên ngành sẽ tích cực chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai Quyết định nêu trên, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để ngăn ngừa các hành vi tiêu cực xuất hiện trong quá trình giải quyết hồ sơ tồn đọng. Đồng thời, với việc giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng tại các địa phương, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, đảm bảo khắc phục những hạn chế, những nội dung đã lạc hậu để phù hợp với tình hình mới cũng hết sức quan trọng (như việc xem xét, ban hành hướng dẫn giải quyết những khó khăn vướng mắc trong xác nhận Lão thành cách mạng, Cán bộ tiền khởi nghĩa, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày...).

 

Cải cách, đánh giá toàn diện chính sách người có công

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu, ban hành Đề án cải cách chính sách người có công, với mục đích đánh giá toàn diện chính sách người có công trong những năm qua, đề xuất sửa đổi căn bản các chính sách hiện hành về ưu đãi người có công, phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ tại văn bản số 83/UBTVQH14-PL ngày 09/02/2017 và văn bản số 1473/VPCP-PL ngày 20/02/2017. Đồng thời, tham mưu xây dựng trình Ban Bí thư Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.

V. BÌNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh