Từ đầu năm đến nay đã có 50 ca mắc liên cầu khuẩn lợn
- Sức khỏe
- 22:41 - 17/08/2016
Từ đầu năm đến nay, tại đây đã có khoảng 50 ca mắc liên cầu khuẩn lợn đến cấp cứu và điều trị. Hiện tại, khoa Cấp cứu của BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho ông Đ.V. K. (51 tuổi ở Thanh Hóa) bị liên cầu khuẩn lợn.
Được biết, thấy con lợn gia đình nuôi bị ốm, ông Đ.V.K (51 tuổi, Thanh Hóa) liền tự mổ thịt và chế biến. Sau 4 ngày mổ thịt lợn ốm, ông K. sốt cao liên tục, xuất hiện ban hoại tử chân tay và được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu lợn. bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân Đ.V.K. được chuyển đến BV ngày 14/8 trong tình trạng sốc, hôn mê, suy gan, suy thận. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu lợn. Bệnh nhân nhanh chóng được cấp cứu, hồi sức tích cực, thở máy, đến nay vẫn còn hôn mê, suy thận, rối loạn đông máu.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, tác nhân gây bệnh liên cầu lợn là một loại liên cầu khuẩn có tên là Streptococcus suis (S.suis). Vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là xoang mũi, tai, hầu họng lợn. Tuy nhiên, vi khuẩn cũng có thể có trong đường tiêu hóa và đường sinh dục của lợn. Trong một đàn lợn khỏe cũng có một tỷ lệ nhất định các cá thể lợn mang vi khuẩn. Khi lợn bị ốm, sức đề kháng bị suy giảm thì liên cầu khuẩn mới gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết ở lợn. Thậm chí, nhìn con lợn khỏe mạnh cũng không chắc rằng, con lợn đó không mang trong người liên cầu khuẩn. Đó là lý do tại sao, có những gia đình tự nuôi lợn, thấy lợn rất khỏe mạnh nhưng khi ăn tiết canh vẫn mắc liên cầu khuẩn và tử vong. Thậm chí, nhiều người cẩn thận tìm mua lợn ở các vùng núi về chế biến tiết canh vì nghĩ là sạch nhưng cũng đã có người phải nhập viện chỉ ngay sau vài giờ thưởng thức món khoái khẩu này.
Mặc dù bệnh liên cầu khuẩn lợn không phát triển thành dịch, chỉ rải rác quanh năm nhưng tỷ lệ tử vong của bệnh là rất cao. Do vậy, người dân không nên chủ quan với bệnh này. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn phải nằm viện điều trị lâu dài, phải lọc máu với chi phí rất tốn kém. Sau điều trị, nhiều người có di chứng, phải cắt cụt tay, chân hoặc bị điếc. Nguyên nhân chính gây bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người là do ăn tiết canh, các sản phẩm từ thịt lợn có nhiễm liên cầu khuẩn (mà lợn khi bệnh không có biểu hiện triệu chứng). Việc nhận biết lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn phải thông qua phòng thí nghiệm nhưng người dân hãy cảnh giác khi thấy triệu chứng da đỏ, thịt đỏ hơn mức bình. Vì vậy, không nên ăn tiết canh của bất kỳ động vật nào.