Đã 37 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19
- Y học 360
- 15:04 - 09/10/2020
Đến sáng ngày 9/10, của Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết không có thêm ca mắc COVID-19 mới. Đến nay đã 37 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng. Hiện nay dễ thấy ở nơi công cộng, có không ít người dân không phải chủ quan mà hiện tại đã coi thường các biện pháp phòng dịch. Ở một số nơi việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay gần như không thực hiện.
Số ca mắc ở Việt Nam: Tính đến 6h ngày 09/10: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng (389), Quảng Nam (96), Hải Dương (16), Hà Nội (11), TP. Hồ Chí Minh (08), Quảng Trị (07), Bắc Giang (06), Quảng Ngãi (05), Lạng Sơn (04), Đắk Lắk (03), Đồng Nai (02), Thái Bình (01), Hà Nam (01), Thanh Hóa (01) và Khánh Hòa (01). Đến nay, các ổ dịch đã được kiểm soát ở tất cả các địa phương ghi nhận ca bệnh. Tính từ 18h ngày 08/10 đến 6h ngày 09/10: 0 ca mắc mới.
Đến hôm nay Việt Nam đã bước sang ngày thứ 37 không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội - Hoàng Đức Hạnh cho biết, tại Hà Nội từ ngày 17/8 đến nay đã trải qua 52 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng mà chỉ ghi nhận các ca bệnh từ nước ngoài trở về. Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 1 trường hợp dương tính cách ly ngay khi nhập cảnh. Đến nay tất cả các trường hợp F1, F2 tại Hà Nội đã hoàn thành việc cách ly y tế.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 14.250, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 276. Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.549. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 2.425.
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.023 bệnh nhân/1.099 bệnh nhân COVID-19.
Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 5 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 8 ca, số ca âm tính lần 3 là 5 ca.
Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01). Đa phần các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.
Tại phiên họp trực tuyến với các quận huyện của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội chiều qua, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Hà Nội đã đề nghị Sở Du lịch Hà Nội rà soát bổ sung thêm các khách sạn bình dân, giá hợp lý để phục vụ công dân nhập cảnh.
Thông tin tại cuộc họp, cho biết, theo thông báo của Bộ GTVT, tới đây, mỗi 1 ngày có khoảng 4 chuyến bay thương mại với hơn 1.000 người nhập cảnh vào Hà Nội. Nhận định đây là nguy cơ cần chú ý không để dịch bệnh lây lan lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm việc cách ly những người nhập cảnh…
“Hiện nay dễ thấy ở nơi công cộng, có không ít người dân không phải chủ quan mà hiện tại đã coi thường các biện pháp phòng dịch. Ở một số nơi việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay gần như không thực hiện. Các đơn vị cần thực hiện nghiệm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế cũng như xử phạt nghiêm các trường hợp không thực hiện. Các nước phát triển hiện nay cũng phải siết chặt biện pháp phòng chống dịch”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền bày tỏ lo lắng.
Lưu ý dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, Phó Chủ tịch UBND TP ghi nhận các đơn vị đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới. Việt Nam và Hà Nội đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn cao bởi mầm bệnh vẫn có thể còn trong cộng đồng; người nhập cảnh trái phép; hàng hóa nhập cảnh…
“Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 Trung ương nhận dịnh công tác phòng chống dịch có thể kéo dài đến tận ngày này sang năm, Chỉ đến khi có vaccine cung cấp đủ cho người dân mới hoàn toàn kiểm soát dịch bệnh. Chúng ta cần xác định rõ sống chung với dịch”, Phó Chủ tịch UBND TP nói
Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận huyện tiếp tục ngăn ngừa hiệu quả các nguy cơ lây lan dịch bệnh: tiếp tục hạn chế các sự kiện tập trung đông người, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng; triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở các cơ sở y tế, quy trách nhiệm cho người đứng đầu; tăng cường kiểm tra tại trường học nhà máy xi nghiệp, chợ siêu thị, bar, karoke…
Thực hiện nghiêm quy trình về việc đón, tiếp, xét nghiệm, cách ly với người nhập cảnh; quản lý chặt chẽ các cơ sở cách ly tập trung; xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép...