Cứu sống bệnh nhân truỵ tim do vỡ phình động mạch chủ bụng
- Y học 360
- 17:15 - 17/02/2023
Trước đó, Bệnh nhân Nguyễn Thị M. (79 tuổi, quê ở Cam Lộ, Quảng Trị) có tiền sử tăng huyết áp, được đưa vào bệnh viện cấp cứu sáng ngày 16/2 trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng dữ dội, trụy tim mạch kèm khối phình lớn ở bụng, đập theo nhịp tim, tiên lượng xấu nếu không xử trí kịp thời.
Qua thăm khám và xử trí cấp cứu ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc do túi phình lớn động mạch chủ bụng dọa vỡ, nguy cơ vỡ cao. Sau đó, bệnh nhân được siêu âm bụng và chụp CT xác định túi phình rất lớn động mạch chủ bụng dọa vỡ.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ cấp cứu tim mạch can thiệp và hồi sức tim mạch thuộc Bệnh viện Trung ương Huế đã phối hợp xử trí cấp cứu ổn định tình trạng huyết động. Ngay trong tối 16/2, bệnh nhân được chuyển tới trung tâm can thiệp tim mạch. Tại đây bệnh nhân được can thiệp cấp cứu, can thiệp qua đường ống thông (đặt stent graft động mạch chủ bụng bít hoàn toàn túi phình lớn động mạch chủ bụng) thành công. Đến sáng ngày 17/2, bệnh nhân đã dần ổn định, có thể tự ăn và nói chuyện được.
Được biết, cách đây một tuần, Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã can thiệp đặt stent graft cấp cứu thành công một bệnh nhân nữ 29 tuổi, quê ở Đà Nẵng. Bệnh nhân bị phình động mạch chủ ngực vỡ, được chuyển tới từ bệnh viện tuyến dưới.
Theo Giáo sư Tiến Sĩ Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện trung ương Huế, việc phối hợp và cấp cứu kịp thời các trường hợp bệnh tim mạch phức tạp và nguy kịch là công tác quan trọng và hoàn chỉnh của một trung tâm tim mạch. Bệnh lý động mạch chủ rất phức tạp và nguy cơ tử vong rất lớn. Để cứu chữa được kiệp thời không chỉ đảm bảo cả về vật tư trang thiết bị y tế thiết yếu như stent graft mà còn phải có đầy đủ cả đội ngũ bác sĩ can thiệp và hồi sức tim mạch giỏi.