CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:31

Cứu sống bệnh nhân bị u sàn sọ hơn 10 năm

 

Thông tin từ bệnh viện, bệnh nhân  Đỗ Thị N., 69 tuổi, quê Bến Tre, có tình trạng đau đầu kéo dài trong 10 năm qua, và bà đã nhập viện khi bệnh ngày càng tiến triển càng lúc càng tăng kèm theo cảm giác mệt mỏi, buồn ói và mờ 2 mắt. Bệnh nhân được chỉ định chụp CT scan, thì phát hiện tổn thương đậm độ mô mềm ở đường giữa, lấp đầy xoang bướm, gây phình lớn xương bản vuông, cánh lớn xương bướm bên trái. Sau đó, bệnh nhân được chụp MRI thì thấy hình ảnh u não vùng sàn sọ, ở đường giữa, kích thước lớn, ngoài màng cứng, gây hủy xương bản vuông và xâm lấn xoang hang, xâm lấn động mạch cảnh 2 bên, tính chất nhiều mạch máu.

Ê kíp bác sĩ đã chuẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh lý hiếm gặp của u sàn sọ là Clival chordoma, hay còn gọi là u nguyên sống và được điều trị bằng phương pháp nội soi qua đường mũi để lấy u toàn phần. 3 ngày sau phẫu thuật, người bệnh đã hồi phục hoàn toàn, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không dấu thần kinh khu trú sau mổ.

Hình ảnh chụp MRI của người bệnh

 

 

ThS BS. Trương Thanh Tình, Khoa Ngoại Thần Kinh  bệnh viện ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: Chordoma, hay u nguyên sống là loại u nguyên phát ác tính của não, thường ở vùng sàn sọ (xương bản vuông) hay vùng cùng cụt. Theo Handbook of Neurosurgery (2016), bệnh lý này rất hiếm trong dân số (0,5 / 1.000.000 u nguyên phát có nguồn gốc trung phôi bì); và ở não thường gặp ít hơn vùng cùng cụt (35% so với 53%).

Tuy có tỉ lệ di căn thấp (5 - 20%, có thể ở phổi, gan, xương) nhưng bệnh lý này rất nguy hiểm ở chỗ tỉ lệ tái phát rất cao (85% sau phẫu thuật). Việc điều trị thường gặp khó khăn vì bệnh này không đáp ứng xạ trị (trừ proton-beam có thể có hiệu quả, nhưng loại tia này chưa có tại Việt Nam). Chính vì vậy phương pháp điều trị tối ưu là phẫu thuật lấy u càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên vấn đề lấy u toàn phần là thách thức lớn đối với hầu hết các phẫu thuật viên ngoại thần kinh do sự liên quan các cấu trúc mạch máu và thần kinh thiết yếu.

Các vị trí tiếp cận của u sàn sọ

 

Do đặc tính của bệnh là u ác, dễ tái phát nên vấn đề điều trị là người bệnh cần được chẩn đoán sớm khi u chưa quá lớn, chưa xâm lấn nhiều cấu trúc xung quanh, và bác sĩ có thể lấy u được tối đa.

Trước kia, người bệnh phải trải qua phẫu thuật mở sọ trán 2 bên, đường mổ lớn, thời gian mổ kéo dài, cảm giác đau sau mổ nhiều, nguy cơ cuộc mổ rất cao nhưng điều đáng nói là khả năng lấy u lại kém do trường mổ bị giới hạn (mô não trán), chi phí tốn kém nhiều nhất là khi có biến chứng như máu tụ nội sọ, dập não, viêm màng não, thoát vị não, chảy dịch não tủy,…nguy cơ dẫn đến tử vong cao.

 

Bác sĩ Trương Thanh Tình đang thăm khám cho bệnh nhân

 

Hiện nay, nhờ ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị loại bệnh lý này, người bệnh sẽ được phẫu thuật lấy u nhẹ nhàng qua nội soi đường tự nhiên cơ thể (lỗ mũi), hậu phẫu nhẹ nhàng, không đau nhiều, nguy cơ cuộc mổ cũng được giảm đi đáng kể và sau mổ người bệnh sẽ không thấy vết mổ. Điều đáng chú ý nhất là khi mổ nội soi, trường mổ rất rộng rãi, phẫu thuật viên sẽ rất thuận lợi khi lấy u vì không bị cấu trúc che chắn, tỉ lệ lấy hết u sẽ ở mức cao nhất.

Cũng theo Ths.Bác sĩ Trương Thanh Tình nếu người bệnh  có các triệu chứng đau đầu kéo dài, có bất thường ở mắt như sụp mi mắt, nhìn đôi (song thị), lé, đau tê nửa mặt, mờ mắt, động kinh,… thì cần đi đến các cơ sở y tế để tầm soát sớm bệnh.

Pha Lê

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh