THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:22

Cứu sống bé sơ sinh 2,8kg bị tắc ruột hoại tử do xoắn ruột

Nhập viện trong tình trạng lơ mơ, suy hô hấp

Các bác sĩ tại Trung tâm Sản Nhi – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa phẫu thuật thành công cứu sống một bé trai sơ sinh bị tắc ruột hoại tử do xoắn ruột. Đây là một trong những trường hợp bệnh nhi đặc biệt được cứu sống nhờ có sự phối hợp khẩn trương, kịp thời của các y bác sĩ.

Cứu sống bé sơ sinh 2,8kg bị tắc ruột hoại tử do xoắn ruột - Ảnh 1.

Đoạn ruột bị xoắn gây hoại tử được xử trí cắt bỏ.

Đó là trường hợp bệnh nhi Đ.V.H (35 ngày tuổi, trú tại Thanh Ba, Phú Thọ) được đưa đến Khoa Cấp cứu - Trung tâm Sản Nhi vào sáng 28/02/2020 trong tình trạng lơ mơ, suy hô hấp, suy tuần hoàn, da và niêm mạc tím, bụng chướng căng, nhịp tim nhanh, phổi thông khí kém.

Bệnh nhi ngay lập tức được xử trí đặt ống nội khí quản cấp cứu, thở máy hỗ trợ xâm nhập, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm kết hợp dùng các thuốc vận mạch kiểm soát huyết động để duy trì chức năng sống. Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp CT Scanner ổ bụng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị tắc ruột, nghĩ đến do xoắn ruột ở trẻ sơ sinh và chỉ định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi ngay sau đó.

ThS.BS. Nguyễn Đức Lân – Trưởng khoa Ngoại nhi Tổng hợp chia sẻ: "Đây là một trường hợp chẩn đoán khó vì bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn, các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng không điển hình, bệnh nhi đã có tình trạng sốc và phải hồi sức trước mổ. Khi tiến hành mở ổ bụng, các bác sĩ phát hiện ruột của bệnh nhi bị xoắn hoàn toàn, khoảng 60cm ruột bị hoại tử không thể bảo tồn nên phải thực hiện cắt bỏ khoảng ½ ruột non của bệnh nhi. Đồng thời, việc thực hiện miệng nối đảm bảo lưu thông tiêu hóa cho bệnh nhi gặp khá nhiều khó khăn do đoạn ruột trên giãn to, đoạn ruột dưới nhỏ, các bác sĩ cũng cần cân nhắc, tính toán các mạch máu nuôi ruột để đảm bảo bảo tồn ruột tối đa.

Trường hợp nhỏ tuổi nhất có chỉ định lọc máu

ThS.BS. Cao Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc cho biết, đây là được ghi nhận tại Trung tâm Sản Nhi, đồng thời cũng là ca bệnh phức tạp bởi bệnh nhi là trẻ sinh non, có cân nặng thấp, thể trạng rất yếu do bị suy đa tạng. Sau khi được chuyển đến khoa, bệnh nhi được thực hiện lọc máu liên tục và hỗ trợ thở máy kết hợp sử dụng các thuốc vận mạch để điều chỉnh rối loạn toan kiềm, rối loạn điện giải, rối loạn đông máu. Sau 1 ngày, chức năng các tạng dần ổn định, bệnh nhi được rút lọc máu, giảm liều thuốc vận mạch. Sau 3 ngày, bệnh nhi đi ngoài được, bụng mềm, được tập cho ăn và được cai máy thở. Hiện bệnh nhi đang tiếp tục được điều trị, theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc với tiên lượng tốt.

Sau phẫu thuật, bệnh nhi được chuyển về chăm sóc tại Khoa Sơ sinh. Tuy nhiên vì sức khỏe của bé rất yếu, có biểu hiện sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng nên ngay sau khi các bác sĩ hội chẩn nhanh và đưa ra chỉ định lọc máu, bệnh nhi tiếp tục được chuyển đến điều trị, theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.

ThS.BS. Nguyễn Đức Long, Trưởng Khoa Cấp cứu – Trung tâm Sản Nhi cho biết, xoắn ruột là triệu chứng gây tắc nghẽn đường ruột và ứ đọng thực phẩm, làm giảm lưu lượng máu đến ruột, gây viêm, hoại tử ruột, viêm phúc mạc,gây nguy hiểm đến tính mạng. Theo các bác sĩ chuyên khoa, có rất nhiều nguyên nhân gây xoắn ruột và cần được chẩn đoán, xử trí phẫu thuật sớm để đảm bảo bảo tồn ruột tối đa. Nếu không được cấp cứu kịp thời, đoạn ruột tổn thương có thể bị hoại tử không thể phục hồi, từ đó gây nhiễm trùng, nhiễm độc ổ bụng dẫn tới tử vong.

"Khi thấy trẻ sơ sinh quấy khóc, có dấu hiệu nôn, trớ nhiều sau khi ăn hoặc nôn ra dịch xanh, vàng kèm theo chướng bụng, đi ngoài phân máu, các bậc phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh để xảy ra các tình trạng đáng tiếc", Nguyễn Đức Long khuyến cáo.

MT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh