THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:26

Cứu sống bệnh nhân bằng phương pháp ghép thận tự thân

 

Mới đây, Khoa Tiết niệu bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) vừa tiếp nhận người bệnh Nguyễn Thị Ngọc D. 1977, ngụ tại TPHCM đến khám vì đau bụng kéo dài trên 2 năm. Khoảng 6 tháng gần đây, người bệnh thấy bụng ngày càng to dần, nặng tức bụng như có thai. Người bệnh mệt mỏi, ăn kém, sụt cân. Sau thăm khám bụng, bác sĩ phát hiện một khối u lớn chiếm hết nửa bụng bên phải của người bệnh. CT scan bụng thấy u lành tính (u mỡ - cơ - mạch máu) xuất phát từ cực dưới của thận phải, kích thước 30 cm x 25 cm, đi từ mặt dưới gan kéo dài đến tận bàng quang. Khối u vượt qua đường giữa bụng, chèn ép vào các mạch máu lớn trong ổ bụng. Ngoài ra, ở thận còn lại cũng có 1 khối u với bản chất tương tự, nhưng kích thước nhỏ hơn, chỉ khoảng 3cm.

U mỡ - cơ - mạch máu của thận (viết tắt tiếng Anh là AML) thường gặp ở nữ tuổi 40-45. Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ nhiều hơn nam gấp 4 lần. Khi kích thước bướu còn nhỏ, người bệnh hầu như không có triệu chứng gì đặc hiệu. Khi bướu lớn sẽ gây đau tức vùng bụng.

Ê-kip thực hiện ca ghép thận

Về phương pháp điều trị, đối với bướu nhỏ hơn 4cm thì chỉ cần theo dõi định kỳ bằng siêu âm bụng mỗi 6 tháng; bướu kích thước 4 - 6 cm thì điều trị bằng can thiệp thuyên tắc mạch máu đến nuôi bướu để bướu teo nhỏ lại. Đáng lưu ý, các bướu AML lớn trên 6 cm đều có nguy cơ vỡ bướu gây xuất huyết bên trong ổ bụng, rất nguy hiểm đến tính mạng. Những trường hợp bướu AML lớn như của người bệnh kể trên thật sự rất hiếm gặp. Y văn trong và ngoài nước cũng chỉ mới ghi nhận được một vài trường hợp tương tự.

TS BS. Nguyễn Hoàng Đức – Trưởng khoa Tiết niệu nhận định đa số các trường hợp bướu lớn như vậy đều được xử trí bằng phẫu thuật cắt bỏ bướu cùng với thận, hiếm khi giữ lại được thận. Tuy nhiên, ở người bệnh này, chúng tôi cố gắng tối đa giữ lại thận cho người bệnh vì ở thận trái cũng có 1 bướu tương tự mặc dù kích thước còn nhỏ. Nếu cắt bỏ thận phải và trong tương lai bướu ở thận trái phát triển to ra thì nguy cơ người bệnh bị suy thận mạn tính sẽ rất cao. Do đó bảo tồn thận phải cho người bệnh là một vấn đề sống còn.

Bướu thận của người bệnh được lấy ra

Về kỹ thuật thực hiện, TS BS. Nguyễn Hoàng Đức chia sẻ, khi mổ, chúng tôi mất hơn 90 phút để bóc tách bộc lộ và bảo tồn cuống mạch máu của thận. Nếu bóc tách không cẩn thận làm tổn thương rách cuống mạch máu thận thì sẽ không thể giữ lại được quả thận. Sau khi bảo tồn được cuống mạch máu thận, chúng tôi mất thêm 60 phút nữa để bóc tách khối u ra khỏi các cơ quan dính xung quanh. Khối u cùng với thận được cắt đem ra ngoài cơ thể. Phẫu thuật viên nhanh chóng cắt khối u ra khỏi thận để tiến hành rửa sạch thận và ướp lạnh thận. Thận sau khi rửa sạch lại được đưa vào trong cơ thể người bệnh để ghép vào vùng hố chậu bên phải. Cuộc mổ hoàn tất sau hơn 4 tiếng. Bảo tồn được tuyệt đối thận phải cho người bệnh. Siêu âm mạch máu kiểm tra sau mổ cho thấy thận phải hoạt động tốt.

Ghép thận tự thân (lấy thận của người bệnh ghép lại cho chính người bệnh) được áp dụng khi cần giữ lại thận của người bệnh nhưng trái thận đó lại bị các bệnh lý như bướu lành tính, hẹp động mạch thận, teo hẹp niệu quản phức tạp, chấn thương cuống mạch máu thận. Quả thận sẽ được lấy ra khỏi cơ thể người bệnh để phẫu thuật viên sữa lại các bệnh lý và khiếm khuyết của thận. Sau đó thận lại được đưa trở lại vào trong cơ thể, ghép lại cuống mạch máu để nuôi sống thận.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh