THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:01

Cứu khát giữa vùng nước mênh mông

 

Cán bộ, chiến sỹ Báo ANTĐ chuyển 1.000 bình nước tới tận tay người dân vùng thiên tai


Chỉ sau vài ngày mưa như trút nước, Quảng Ninh rơi vào tình trạng ngập úng nặng nề. Bên cạnh những hậu quả tồi tệ mà người dân nơi đây sẽ phải bỏ rất nhiều tháng mới khắc phục xong còn một nỗi lo nhãn tiền đang hiển hiện: Thiếu nước sạch nghiêm trọng!

Khô cổ giữa biển nước

 Trong khi nhà cửa, đồ đạc vẫn ướt sũng sau 4 ngày chìm trong biển nước, hơn 5.400 hộ dân của phường Quang Hanh (thành phố Cẩm Phả) lại đang nhấp nhổm như ngồi trên lửa khi hay tin đường ống nước sạch của thành phố đã bị vỡ và tiên liệu sớm nhất cũng phải 10 ngày nữa mới khắc phục xong. 

Đây là địa bàn bị ngập nặng nề nhất của Cẩm Phả bởi lượng mưa lên tới mức kỷ lục, hơn 1.000mm. Ông Đoàn Ngọc Quang - Chủ tịch UBND phường nhìn bầu trời vẫn xám xịt một màu rồi thở dài: “40 năm qua, chưa lúc nào dân chúng tôi lại lâm vào tình cảnh bi đát như bây giờ. Trên trời thì nước trút xuống, dưới chân thì nước dâng lên. Vậy mà người dân vẫn khô cổ vì thiếu nước sạch. Các giếng nước ngọt bị ngập quá lâu trong bùn đất và ô nhiễm nghiêm trọng. Tất cả chỉ còn biết trông chờ vào hệ thống nước sạch để sử dụng và dọn vệ sinh thì đường ống ấy lại bị tê liệt vì mưa lũ. Cứ cái đà này, người dân Quang Hanh không chỉ khát mà còn đối mặt với nguy cơ dịch bệnh”.

Thông tin từ ông Quang đã ngay lập tức nhận được sự đồng cảm của cán bộ, phóng viên báo An ninh Thủ đô. Chỉ sau cuộc họp giao ban sáng 30-7, một quyết định khẩn giữa báo An ninh Thủ đô cùng Công ty nước sạch Hà Nội và Công ty nước tinh khiết Hà Nội (CAWA) đã được đưa ra: “Cấp cứu” ngay hơn 1.000 bình nước tinh khiết cho người dân Cẩm Phả. Và sáng 31-7, những bình nước “cứu khát” ấy đã theo chúng tôi lên đường. Hỗ trợ vận tải nước cho chuyến đi là Công ty CP Thương mại và vận tải Quốc tế Đại An.

Quả thực có vào tận vùng ngập mới hiểu được nhưng giọt nước sạch đối với người dân nơi đây quý giá tới mức nào. Hay tin có đoàn công tác từ Hà Nội mang nước đến tặng nhân dân phường Quang Hanh, Đại tá Đỗ Văn Lực - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh đang chỉ huy chiến sỹ giúp dân dọn dẹp bùn đất trên các tuyến đường cắt ngay một tổ công tác Công an tỉnh tới UBND phường hỗ trợ chuyển nước tới các hộ. “Dân chúng tôi chịu khát đã mấy ngày rồi. Hầu hết bà con đều phải huy động xô chậu để hứng nước mưa sử dụng cho việc nấu ăn và sinh hoạt hàng ngày nhưng vẫn không đủ. Các anh giúp bà con lúc này dù chỉ một giọt nước sạch cũng là đáng quý”, Đại tá Đỗ Văn Lực chân thành.

Đúng như những gì đồng chí Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ, khi những bình nước đầu tiên chuyển tới Nhà văn hóa khu 6 để chia tới các hộ, hàng trăm người dân đã tập trung tự bao giờ. Anh Phạm Văn Hòa trú tại tổ 1 khu 6 bảo: “Nghe tin có đoàn cứu trợ mang nước sạch tới cho bà con, tôi ra đây chờ từ sớm. Nhà tôi nước ngập ngang cổ, bể nước cũng ngập, gia đình chẳng còn gì để dùng. Tiết kiệm được ít nước mưa trong xô thì người lớn cũng không dám uống để nhường cho bố mẹ già và bọn trẻ”. Vài gáo nước sạch bây giờ, anh Hòa phải chắt chiu từng giọt. Đầu tiên là vo gạo, rồi tận dụng thứ nước vo gạo ấy đem rửa rau, rồi lại chắt ra chậu để dành dội nhà vệ sinh nhằm tránh… ô nhiễm.

“Gần 1 tuần nay tôi toàn cởi trần chứ không dám mặc áo, bởi mặc áo thì phải giặt. Trong lúc nước sạch hiếm hoi thế này thì giặt giũ là việc xa xỉ. Thậm chí lắm nhà nước nấu ăn không có nên cả nhà kéo nhau ra quán, khốn nỗi quán ăn cũng đóng cửa bởi họ có bói cũng chả ra giọt nước nào. Các anh cho bình nước này, ít nhất thì các cháu nhỏ nhà tôi cũng có nước uống cho tới khi nhà máy nước khắc phục xong sự cố”, anh Hòa nói.

Niềm vui của những người đã nhiều ngày không có nước sạch để ăn, uống

 

Trân trọng từng “giọt nghĩa tình”

Cả một chiếc xe 2,5 tấn chở nước ngọt của chúng tôi đưa xuống khu 6 thoáng cái đã được bà con chia hết sạch. Nhìn những bình nước 20 lít được người dân hối hả mang về, bà Lê Ngọc Hân - Phó Tổng biên tập báo Quảng Ninh, những đồng nghiệp đến giúp chúng tôi đưa nước tới người dân buồn bã: “Không riêng gì phường Quanh Hanh mà cả Cẩm Phả hiện cũng có rất nhiều nơi cần sự trợ giúp như thế này. Đã mấy ngày nay, anh chị em phóng viên báo tỉnh lăn lộn cùng người dân tại các vùng bị thiệt hại báo về, nơi đâu cũng ngổn ngang thiệt hại. Nếu các anh giúp được gì thêm, Quảng Ninh xin cảm ơn nhiều lắm”.

Ông Đặng Ngọc Hải - Phó Tổng giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội thì bùi ngùi: “So với những gì mà người dân nơi đây đang phải gánh chịu thì 1.000 bình nước này chỉ như muối bỏ biển. Nhưng đó là tấm lòng của chúng tôi chia sẻ với người dân Quảng Ninh. Tới đây công ty sẽ tiếp tục phối hợp với báo An ninh Thủ đô kêu gọi thêm nhiều sự đóng góp của bạn đọc để tiếp tục ủng hộ bà con bị thiên tai trong tỉnh”.

Bà Trần Thị Huệ - Tổ trưởng tổ 1, phường Quang Hanh kể: “Có lẽ những ngày tới mới là đỉnh điểm của thiếu nước sạch. Không chỉ kéo theo sự bất ổn trong sinh hoạt mà nó sẽ là nguồn cơn của việc nảy sinh ô nhiễm, bệnh tật ở đây nếu không được giải cứu kịp thời. Dân chưa tới mức đói, nhưng thực sự cái khát rất đáng báo động. Có gia đình đã phải đi mua nước giếng khoan với giá cắt cổ 100.000đồng/ khối dù biết thứ nước đó cũng chẳng sạch sẽ gì. Vì thế lúc này việc cần nhất là cấp cứu khẩn nước sạch cho bà con”.

Chúng tôi rời Quảng Ninh khi bầu trời trước mặt vẫn một màu xám xịt. Những cơn mưa lớn lại bắt đầu đổ xuống các tỉnh miền núi phía Bắc. Và trong những ngày tới, sẽ lại có những vùng đất phải đối mặt với thiên tai ngặt nghèo. Khi đó chắc chắn chúng tôi sẽ lại lên đường để đến với những người dân khốn khó.

theo anninhthudo

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh