Cuối tháng 10, vaccine ngừa Covid-19 có thể sẵn sàng tại Mỹ
- Tây Y
- 01:01 - 02/06/2020
Mới đây, một công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ khẳng định, thế giới sẽ không phải đợi đến cuối năm 2020 mới có vaccine ngừa virus SARS-CoV-2.
Ứng cử viên vaccine có tên 'BNT162' hiện đang được thử nghiệm trên người, sau khi nhận được cho phép thử nghiệm lâm sàng cần thiết. 4 vaccine dựa trên vật liệu di truyền RNA của Tập đoàn cũng đang được thử nghiệm để xác định loại hiệu quả và an toàn nhất.
Tập đoàn Modera Inc có trụ sở tại Mỹ cũng đang trong top dẫn đầu của cuộc đua phát triển vaccine ngừa Covid-19. Vaccine mRNA của công ty đã thành công giai đoạn 1 thử nghiệm vào tuần trước và bắt đầu giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng trên 600 người khỏe mạnh.
Có thể mất nhiều năm để một loại vaccine mới được cấp phép sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên đối mặt với đại dịch Covid-19 nghiêm trọng như hiện nay, các vaccine thử nghiệm chứng minh được mức độ an toàn và hiệu quả có thể được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Tại Việt Nam, báo Chính phủ đưa tin, đại diện công ty TNHH Một thành viên Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), trực thuộc Bộ Y tế vừa cho biết, Công ty đã bước đầu thành công trong việc nghiên cứu dự tuyển vaccine phòng bệnh COVID-19 và tiêm thử nghiệm trên chuột.
TS. Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch công ty TNHH Một thành viên Vaccine và sinh phẩm số 1 VABIOTECH cho biết, ngay từ khi Việt Nam ghi nhận các ca mắc COVID-19 đầu tiên, các nhà khoa học của Công ty đã hợp tác cùng các nhà khoa học của Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vaccine phòng COVID -19 dựa trên công nghệ vector virus.
Đến nay, nghiên cứu đã thành công trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus SARS-CoV-2. Kháng nguyên của virrus SARS-CoV-2 trong thành phần vaccine khi tiêm sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chủ động chống lại SARS-CoV-2, tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Đây là nguyên liệu quan trọng cho sản xuất vaccine.
“Cùng với việc bước đầu phát triển thành công dự tuyển vaccine phòng COVID -19 ở quy mô phòng thí nghiệm, dự tuyển vaccine đã được tiêm thử nghiệm trên chuột, đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2”, TS. Đỗ Tuấn Đạt cho biết.
Dự kiến, trong tuần tới, các mẫu máu trên chuột thí nghiệm sẽ được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá về khả năng sinh miễn dịch (kháng thể) chống lại virus SARS-CoV-2.
Sau giai đoạn này, vaccine phòng COVID -19 sẽ tiếp tục được nghiên cứu để xây dựng quy trình sản xuất và tiêm thử nghiệm trên động vật nhằm đánh giá thêm về tính an toàn cũng như tính sinh miễn dịch của dự tuyển vaccine này.