CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:44

Cuộc tình tay ba chấn động Sài Gòn: Hà, Lãng, Hổ

 

Chiếc xe lao nhanh trên xa lộ Hà Nội. Qua khỏi ngã tư RMK, bất chợt chị Ngọc Thuần, một người trong nhóm chúng tôi chỉ tay ra lề đường: "Đố các anh chị, ngày xưa cách nay gần nửa thế kỷ tai đây đã xảy ra một vụ án mạng kinh hoàng, làm 2 người chết tại chỗ. Có anh chị nào còn nhớ vụ gì không?

Từ Biên Hòa đến Hà Nội chỉ có hơn 30km?

Chúng tôi ngơ ngác. Chị Thuần không vào đề ngay mà còn vòng vo. Chị nói, cái ngã tư RMK mà xe vừa đi qua đó ngày trước là bản doanh của nhà thầu RMK-BRJ, đơn vị phụ trách thi công toàn tuyến xa lộ Biên Hòa.

Xa lộ Biên Hoà được hình thành nhờ vào viện trợ Mỹ. Khởi công từ năm 1959 và đến tháng 4/1961 mới hoàn thành, góp phần đáng kể phát triển kinh tế về hướng đông.

Xa lộ Biên Hòa xưa (ảnh Life).

Xa lộ Hà Nội ngày nay (ảnh Life).

Con đường dài 31km rộng 21m (chiều rộng nhất đối với các trục giao thông lúc bấy giờ) bắt đầu từ cầu Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) và điểm cuối cùng là ngã tư Tam Hiệp - Biên Hòa.

Nhờ thi công bằng kỹ thuật hiện đại nên đi trên xa lộ rất êm, không dằn xóc. Hai bên đường chỉ thỉnh thoảng mới gặp một cụm dân cư, Còn lại là đất trống với cỏ dại mọc đầy...

Đến năm 1984, kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô, xa lộ Biên Hòa được đổi tên thành xa lộ Hà Nội.

Chị Thuần kể đến đây, anh Phạm Hoài Nhơn góp thêm bằng giong hài hước: "Công ty du lịch nào khéo tổ chức một tour xuyên Việt thì có thể khởi hành từ ngã tư Tam Hiệp, Biên Hòa, đi một nhoáng qua cầu Đồng Nai là tới...Hà Nội (xa lộ Hà Nội). Dĩ nhiên đi hết (xa lộ) Hà Nội là tới Sài Gòn, và điểm đến là... Điện Biên Phủ. Qua Điện Biên Phủ, tới ngã tư Hàng Xanh ta có thể sang Nghệ Tĩnh rồi (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh). Từ Nghệ Tĩnh, ta đi lắt léo một hồi rồi vượt đường Trường Sơn (ở quận Tân Bình). Sau đó, ta đi về Hậu Giang (đường Hậu Giang ở quận 6).

Trước 1975 hai bên xa lộ trống trải (Ảnh internet)

Vậy là xong, ta đã hoàn thành tour xuyên Việt, đi từ miền Đông Nam Bộ (Đồng Nai), ra Bắc (Hà Nội, Điện Biên Phủ), vào Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh) sau đó đi dọc miền Trung và Tây nguyên (theo đường Trường Sơn) vào tới tận miền Tây Nam bộ (Hậu giang). Tổng cộng hết... 38 km!"

Cả nhóm chúng tôi cười ồ. Cách pha trò của anh Nhơn ngẫm cũng khá thú vị. Chị Thuần nói tiếp: "Do lúc mới làm, hai bên đường còn hoang sơ những đôi tình nhân thường đưa nhau ra xa lộ để tâm sự. Vì thế, khi nãy đi ngang chỗ gần ngã tư RMK tôi mới sực nhớ một án mạng từ một cuộc tình tay ba, mối tình Hà, Lãng, Hổ.

Cuộc tình tay 3 chấn động Sài Gòn

Hà, Lãng, Hổ là tên của 3 nhân vật. Hà là bà Ngô Thị Như Hà chủ một thẩm mỹ viện, vợ của thiếu tá Hổ, nhưng lại yêu thiếu tá Đinh Viết Lãng.

Chuyện cũng đã khá lâu rồi. Dường như là vào năm 1971 - 1972 khi vào một buổi sáng đẹp trời, trước cổng trường trung học Lasan Taberd (nay là trường Trần Đại Nghĩa) một chiếc xe du lịch loại 4 chỗ hiệu Fiat màu trắng dừng lại cho một học sinh xuống xe vào học. 

Người cầm lái là một phụ nữ cực kỳ xinh đẹp, sang trọng và quí phái. Cùng lúc, cũng một chiếc Fiat trắng trờ tới. Cũng thả một học sinh xuống xe, nhưng người ôm vô lăng là một người đàn ông đứng tuổi.

 Hiện nay rất nhiềudự an đang được triển khai (Ảnh Phạm Hoài Nhân)

Cả hai tài xế cùng nhìn nhau. Rồi hết ngày này qua ngày khác, họ đến với nhau lúc nào không hay. Tình yêu chớm nở. Một thời gian dài họ trao đổi nhau qua những bức thư tình tứ, những bài thơ lãng mạn. Cũng chưa có điều tiếng gì xảy ra...

Nhưng cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra. Câu chuyện của 2 người bị lộ. Bộ Tổng tham mưu chuyển thiếu tá Lãng về Cần Thơ để tách biệt hai bên. Nhưng làm sao tách được khi tình yêu của 2 người đã lên đến tuyệt đỉnh. Họ vẫn tiếp tục đến với nhau.

Thiếu tá Hổ cũng nghe qua câu chuyện và bắt đầu nghi ngờ vợ mình. Riêng với bà Phụng- vợ thiếu tá Lãng từng nhiều lần khuyên chồng, nhưng chính bà cũng thừa nhận thất bại vì bà Hà quá đẹp, khó lòng chồng bà bỏ được.

Cho đến một hôm, thiếu tá Hổ nhận được cuộc điện thoại từ bà Phụng: "Vợ của anh đã đi với chồng tôi, anh giải quyết ra sao?".

Thì ra, thiếu tá Lãng đã chở bà Hà cùng người em ra xa lộ vi vu... Nghe điện thoại xong, thiếu tá Hổ lẳng lặng nhét vào người khẩu súng ngắn lấy xe chạy thẳng ra xa lộ Biên Hòa. Đến đoạn đường vừa rồi thì bắt gặp xe của thiếu tá Lãng. Bà Hà và em trai còn ngồi trên xe.

Thiếu tá Hổ chặn xe lại. Ông rút súng ra hỏi thiếu tá Lãng: “Tại sao mày ngoại tình với vợ tao?”. Lãng nói: “Tao ngoại tình với vợ mày. Mày không thấy xấu hổ sao mà còn hỏi…”. Nghe xong câu trả lời, thiếu tá Hổ nổi nóng, mất bình tĩnh, nổ súng làm chết thiếu tá Lãng và cậu em trai của bà Hà”.

Vụ án chấn động cả Sài Gòn. Thiếu tá Hổ bị bắt. Ân hận nhất có lẽ là 2 người đàn bà. Bà Hà đã làm tan nát cả 2 gia đình. Riêng bà Phụng, bà ân hận vô vùng vì chỉ một phút ghen tuông bà đã chỉ đường cho ông Hổ giết chết chồng mình.

Bà Hà sau đó cam kết nuôi dưỡng và bảo bọc con thiếu tá Lãng đến lúc trưởng thành. Bà Phụng trở nên lầm lỳ, ít nói. Trong vụ án bà không khiếu nại và đòi hỏi gì ...

Báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ khai thác triệt để vụ này và lượng báo phát hành tăng đáng kể.

Thôi cũng đã gần đến Biên Hòa, sắp hết xa lộ Hà Nội rồi. Minh ghé vào quán uống tí cà phê cho tỉnh người rồi đi tiếp...

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh