Cuộc sống nơi cách ly: Cơm no 3 bữa chỉ lo tăng cân, thoải mái chẳng khác gì nghỉ dưỡng
- Y học 360
- 23:33 - 11/03/2020
Trước khi lên đường, nhiều người thuộc diện cách ly tập trung cũng có những lo lắng nhất định. Dần dần, họ nhận ra đây là “một trải nghiệm lý thú, ấm nóng tình người và được sống chậm”, như lời PGS. TS Trần Thị Lan Hương - 1 trong số những đối tượng F1 tiếp xúc với bệnh nhân số 21 - nhận xét.
"Ngày lại ngày, chúng tôi cặp nhiệt độ, uống thuốc bổ, ăn, ngủ, nghỉ, đi lại chỗ hành lang được phép đi ở khu cách ly. Sau nhiều chuỗi ngày bận rộn, tôi cảm thấy nhịp sống của mình chậm lại, bình yên", bà cho biết.
Anh P.Q.L. - người sống cùng khu phố với bệnh nhân thứ 17 - ban đầu cũng khá hoảng hốt khi nhận được tin mình sắp phải cách ly. Sợ bị giấu thông tin, tịch thu điện thoại, anh cũng có ý định né tránh, trước khi bình tĩnh suy nghĩ lại và đồng ý đi theo sự sắp xếp của chính quyền.
“Và thật sự lúc này mình muốn chia sẻ với mọi người là cách ly không có gì đáng sợ. Chỉ là sinh hoạt trong một khu vực nhất định thôi. Điều cần nhất là tinh thần lạc quan, chuẩn bị những thứ giải trí cho mình được thoải mái là ổn”, anh chia sẻ với báo điện tử VOV.
Người đàn ông này cũng khá bất ngờ khi điều kiện sinh hoạt trong khu cách ly “y như nghỉ dưỡng”. Phòng ốc thoáng đãng, có cả khu vực hút thuốc và phơi đồ, cơm canh 3 bữa đầy đủ thậm chí còn “ngon hơn tất cả cơm bụi vỉa hè”.
Phòng cách ly rộng rãi thoáng mát tại Bệnh viện Nhiệt đới TW cơ sở 2. (Ảnh trên facebook nhân vật)
Ngay cả người trẻ - đối tượng vốn ghét sự tù túng, chẳng mấy khi có thể ngồi yên một chỗ - cũng đánh giá rất cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng bên trong cách khu vực cách ly.
Trở về từ Hàn Quốc vào thời điểm dịch covid-19 đang bùng phát dữ dội tại đất nước này, T.D. được đưa ngay vào khu cách ly tại quận 3 (TP. HCM). Trong những ngày sinh hoạt tại đây, “nhật ký cách ly” của cô gái trẻ đã trở thành hiện tượng mạng xã hội, thu hút tới hơn 6.000 lượt thích.
Theo như T.D., miêu tả trên trang cá nhân của mình, “phòng sạch sẽ, có tivi và wifi, phòng vệ sinh bên trong, ngày được 3 bữa cơm và vẫn có thể gọi Now, Grabfood...". Sợ những tháng ngày chỉ “ăn chơi nghỉ ngơi” sẽ khiến mình bị béo, cô dành thêm thời gian để chơi cầu lông, đọc sách, thậm chí còn tình nguyện… dọn nhà vệ sinh trong khu cách ly.
Dù bị cách ly ở một nơi cách nhà hơn 1.700km, cô gái Hà Nội này cũng không hề đánh mất đi niềm lạc quan của tuổi trẻ. Cô thường xuyên cập nhật tình trên trang cá nhân, động viên những người cũng đang trong hoàn cảnh như mình. "Các bạn đừng vì một chút thoải mái của bản thân mà khai dối hay cố tình trốn và phản đối việc cách ly nhé, hãy vì bản thân, gia đình và cộng đồng!”, T.D viết.
Một trong số những bài chia sẻ hết sức lạc quan về cuộc sống cách ly của T.D trên trang cá nhân.
Khác hẳn với nỗi bất an trước đó của mọi người, cuộc sống trong khu cách ly chẳng hề gò bó hay ngột ngạt chút nào. Có người còn tình nguyện xin được cách ly 14 ngày như chàng trai H.N.T.V. (Đà Nẵng) - khi thấy mình bị sốt tới 40 độ C dù đã trở về từ Trung Quốc được 2 tháng.
"Y bác sĩ ở đây làm việc rất chuyên nghiệp nha, ân cần kiểm tra sức khỏe tất cả bệnh nhân vào 8-9h và 18-19h. Công tác dọn vệ sinh tại các phòng cũng được thực hiện 2 lần/ngày. Bên cạnh đó, bên ngoài phòng cách ly luôn có sẵn cồn rửa tay sát khuẩn", anh chia sẻ với báo Trí thức trẻ.
Bên cạnh việc đảm bảo sức khỏe, chuyện ăn uống của những người bị cách ly cũng rất được quan tâm. H.N.T.V cho biết, ai muốn ăn gì đều có thể nhờ nhân viên y tế mua, tùy thuộc vào sở thích của mình. Dù áp lực công việc mỗi ngày là rất nặng, các nhân viên y tế vẫn rất nhẹ nhàng, nhiệt tình và vui vẻ.
Bữa ăn đầy đủ của H.N.T.V trong khu cách ly tại Đà Nẵng. (Ảnh trên facebook nhân vật)
Một thành viên trong group kín trên mạng xã hội cũng viết: “Vì là thằng đầu tiên khai trương khu cách ly của Huyện nên ai cũng nhìn mình với ánh mắt không được mấy thiện cảm. Nhưng mấy chị y tá cũng rất dễ thương đối xử với mình rất là tốt luôn, nhờ mua dùm ly cafe là thấy ấm rồi”.
Được đối xử ân cần, lại được ăn uống ngủ nghỉ như đang đi nghỉ dưỡng suốt 14 ngày, thậm chí có người còn muốn... “được cách ly thêm 15 ngày cho đủ một tháng nữa”, theo chia sẻ của N.T.L.Q - người đang cách ly tại Trường Quân sự Gò Găng Tam Bình. Ngay cả đến người nổi tiếng như KOL Châu Bùi cũng phải thốt lên: "Nếu khoẻ mạnh trở về sẽ là một trải nghiệm tốt mà đời này mình chưa chắc đã có”.
Châu Bùi liên tục bày tỏ sự hào hứng với thực đơn ngon miệng trong khu cách ly. (Ảnh: @chaubui_)
Với những người chỉ phải cách ly tại nhà, cuộc sống của họ cũng hết sức thoải mái. Họ không bị nhốt, bị bỏ đói hay bị xa lánh như những lời đồn thổi sai sự thật ngoài kia. Mỗi ngày, họ đều được tiếp tế đầy đủ lương thực, từ gạo, mỳ tôm, nước uống… cho đến sữa, đường, nước mắm…, không thiếu thứ gì.
Người dân sống trong khu phố Trúc Bạch nhận tiếp tế từ người thân. (Ảnh: Hoàng Hải)
Thành viên N.S.T trấn an mọi người trong một group kín trên mạng xã hội: “Ngoài hơi buồn và không được đi làm thì chẳng có gì đáng sợ mà phải chạy trốn đâu nhé”. Hiện tại, người này đang được cách ly tại nhà riêng, mỗi ngày đều có 1 nhân viên y tế đến đo nhiệt độ, 1 người phụ trách chuyện ăn uống, 1 chiến sĩ công an nếu cần thì liên lạc và 3 “vệ sĩ” đứng canh 24/7 trước cửa.
Khi nhà nhà người người đang lo lắng đến bất an, mất ngủ khi nhiều ca nhiễm covid-19 mới lại được phát hiện ở Việt Nam, những tháng ngày ở trong khu cách ly dường như lại trở thành khoảng thời gian hiếm hoi con người được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Chẳng có gì mất mát, chẳng có gì trói buộc, cách ly chính là biện pháp tối ưu nhất mà một công dân có trách nhiệm phải thực hiện nhằm đảm bảo tính mạng cho chính mình và sự an nguy của cả cộng đồng.