CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:30

Cuộc sống bị đảo lộn sau chuyển đổi giới tính

 

Hơn nửa triệu người có giới tính không rõ ràng 

Khao khát về một “bản gốc”, cách đây 5 năm, Jessica (người Việt Nam) đã sang Thái Lan để được phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ. Đến giờ, Jessica cảm thấy rất tự tin, thoải mái vì được sống thật với giới tính của mình. Cô chấp nhận mọi đau đớn, kể cả sau khi phẫu thuật, việc duy trì tiêm hoóc-môn giới tính sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe để được là con gái. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất sau khi chuyển giới là vẫn chưa được pháp luật công nhận giới tính nữ nên cô vẫn phải sử dụng tên khai sinh là Nguyễn Hữu Toàn trong nhiều công việc. Vì giấy tờ giới tính là nam nhưng bề ngoài là nữ nên mỗi khi đi máy bay, giao dịch ngân hàng, khám nghĩa vụ quân sự…, Jessica phải giải thích rất nhiều mới được chấp nhận.

TS Nguyễn Huy Quang , Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, theo thống kê của Viện sức khỏe môi trường y tế, tại Việt Nam có khoảng nửa triệu người có xu hướng giới tính không trùng với giới tính hiện có. Cụ thể, trong suy nghĩ, hành động của những người trên nghĩ mình là giới tính ngược lại. Chẳng hạn như cơ thể sinh học là nam nhưng nghĩ mình là nữ hoặc ngược lại. Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa cho phép thực hiện chuyển giới. Nhưng thực tế, tính đến nay có khoảng từ 500- 1.000 người Việt đã ra nước ngoài chuyển đổi giới tính và hiện họ đang sinh sống tại Việt Nam. Việc người Việt Nam ra nước ngoài thực hiện việc chuyển giới không chỉ gây tốn kém cho người có nhu cầu, mà đáng ngại nhất, những người này phần lớn thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính “chui,” tại các cơ sở không được cấp phép nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, thậm chí đe dọa cả tính mạng. Thêm vào đó, khi về Việt Nam, do pháp luật chưa công nhận phẫu thuật chuyển giới nên họ trở nên “vô hình” không được pháp luật thừa nhận. Các giấy tờ tùy thân từ chứng minh thư, hộ chiếu, ngân hàng không khớp với tình trạng cơ thể hiện có dẫn đến các khó khăn trong các giao dịch, khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của những người đã thực hiện chuyển giới.

Để được sống thật với chính mình, họ phải chấp nhận nguy hiểm để chuyển đổi giới tính

PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) - một trong những cơ sở được thực hiện can thiệp y tế xác định lại giới tính, cho biết: Nhiều bệnh viện ở Việt Nam thực hiện được phẫu thuật này. Thời gian qua, những cơ sở được phép xác định lại giới tính đã thực hiện các can thiệp “sửa chữa” bộ phận liên quan đến giới tính bị khiếm khuyết, đồng thời cấp giấy chứng nhận xác định nhân thân cho người đã thực hiện phẫu thuật, làm cơ sở để người đó làm lại các giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, việc phẫu thuật chuyển giới hiện chưa được phép thực hiện.

GS-TS Đỗ Kim Sơn, nguyên Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam, cho rằng, cần phải có quy định về việc chuyển đổi giới tính, vì nếu không quy định thì gần như hủy hoại cuộc đời họ hoặc kéo theo các hệ lụy khác như chuyển giới “chui”. Khi họ chuyển giới trở về lại không được thừa nhận, như vậy khác gì đẩy họ ra khỏi hệ thống quản lý của pháp luật?  Kỹ thuật chuyển giới không khó nhưng cần có hành lang pháp lý để các BV có thể thực hiện. Nếu pháp luật cho phép, chúng ta hoàn toàn có thể làm được vì nền tảng phẫu thuật khá vững vàng. Tuy nhiên, khi đã đưa vào luật pháp thì phải có những quy định chặt chẽ để không bị lợi dụng.

Vi phạm Luật Hôn nhân gia đình khi cho chuyển giới? 

Theo ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp), việc cấp đổi lại giấy tờ đối với các trường hợp chuyển giới có thể gián tiếp vi phạm Luật Hôn nhân gia đình.        

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang được gửi xin ý kiến nhân dân có nội dung liên quan đến người chuyển giới. Theo đó, về quyền xác định lại giới tính, dự thảo đưa ra 2 phương án. Thứ nhất, Nhà nước không thừa nhận chuyển đối giới tính tại Việt Nam như lâu nay đang thực hiện. Thứ hai, trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển đổi giới tính phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Công Khanh thừa nhận: “Hiện nay Việt Nam đã có hàng ngàn người chuyển đổi giới tính. Việc Nhà nước chưa có quy định cho phép thay đổi lại giấy tờ sau khi chuyển giới cũng gây ra không ít khó khăn cho họ trong sinh hoạt, trong cuộc sống. Quan điểm của tôi, nếu nhà nước thừa nhận vấn đề chuyển giới là quyền dân sự thì hãy quy định trong Bộ Luật dân sự, nó liên quan đến quyền nhân thân. Nếu cho rằng việc chuyển giới không phải là quyền dân sự thì không nên quy định trong Bộ luật Dân sự”.

Sau chuyển giới cuộc sống của họ gặp nhiều rắc rối từ pháp luật ...

Hiện nay chưa có cơ sở nào cấp lại giấy tờ cho người đã chuyển giới. Đối với những người đã chuyển giới thì hiện nay chỉ duy nhất Luật Hộ tịch và Nghị định 158/2005 về quản lý và đăng ký hộ tịch quy định về căn cứ xác định lại giới tính. Ông Khanh cho biết thêm: “Việc cấp lại chứng minh nhân dân cho người chuyển giới, Bộ Công an chưa có hướng dẫn. Nếu chị Nguyễn Thị A  sang Thái Lan chuyển giới thành nam thì khi về Việt Nam chứng minh nhân dân vẫn là Nguyễn Thị A. Chúng ta chưa có cơ sở, căn cứ để thay đổi. Tuy nhiên, nếu cho phép thay đổi giấy tờ với những đã người chuyển đổi giới tính thì họ sẽ mang giấy tờ này đi đăng ký kết hôn. Trong khi hiện nay Luật Hôn nhân gia đình có quy định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân đồng giới thì vô hình trung, việc sửa đổi lại giấy tờ cho người chuyển giới là hình thức gián tiếp thừa nhận hôn nhân đồng giới. Những vấn đề này đã được nêu ra và hiện nay đang trong quá trình nghiên cứu thảo luận”  

Vân Khánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh