Cuộc gặp gỡ bất ngờ với cựu phi công MIG21
- Y học 360
- 22:25 - 04/01/2015
1. Cũng đã lâu lắm rồi, kể từ ngày anh hùng Nguyễn Văn Cốc gặp nạn nghiêm trọng phải ngồi xe lăn suốt 10 năm qua, ông không có điều kiện rời khỏi căn phòng 20m2 trên tầng 4 trong ngôi nhà ở ngõ Thái Hà, trừ những lần ông tới bệnh viện.
Nhiều lần các cựu phi công Phạm Phú Thái, Hà Quang Hưng đến thăm “ông anh” thấy xót xa cho người đồng đội của mình. Họ bàn nhau phải tìm cách hàng tháng đưa ông Nguyễn Văn Cốc ra ngoài căn phòng bí bách ấy ít nhất một lần để ông được gặp gỡ bạn bè, có người hàng chục năm chưa được gặp lại.
Thế rồi tại một địa điểm cách sân bay Hòa Lạc chỉ chừng vài trăm mét, chúng tôi vỡ òa niềm vui ngày gặp mặt. Đại tá, anh hùng phi công Nguyễn Nhật Chiêu từ Hải Dương nghe tin cũng về. Ông đến ôm ghì lấy Nguyễn Văn Cốc, rưng rưng nói: “Số 2 của tôi đây rồi!”, trong khi người anh hùng huyền thoại chỉ có thể cố giơ cao đôi tay co quắp vì liệt, cố gắng chạm tới khuôn mặt ghi đậm dấu ấn thời gian của người đồng đội năm xưa.
Phút chốc sự hồn nhiên của những người lính bỗng ùa về. Căn phòng ngày thường rộng rãi là thế nay trở nên chật chội, rộn tiếng cười. Các phi công “dàn xếp” ông này mới xứng là số 3, ông này có thể đi số 4 cho các “đại ca” số 1, số 2. Bỗng đâu, cả biên đội chiến đấu như hiển hiện trước mặt tôi “vừa hào hoa mặt đất, vừa hào hùng trên không”.
Đại tá Hà Quang Hưng (đứng giữa), anh hùng Nguyễn Văn Cốc (trái) và anh hùng
Anh hùng Nguyễn Nhật Chiêu kể, cả kíp trực đang nghe qua radio bài hát “Xa khơi” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ với giọng ca Tân Nhân thì trung đoàn trưởng Trần Mạnh gọi bộ đàm, giọng nghe rất ấm mà kiên quyết: “Hôm nay thời tiết tốt, có lợi cho cả không quân hai phía, cậu ở ngoài ấy chuẩn bị cho anh em trực chốt”.
Lúc ấy kíp trực có Nguyễn Nhật Chiêu mang quân hàm Đại úy, phi công Nguyễn Văn Cốc mới đang là Trung úy, thợ máy có một anh là Thiếu úy cùng vài người nữa lập tức rời hầm ra ngoài trông trời, trông mây. Nguyễn Nhật Chiêu nhớ lại một đoạn thơ báo tường của đại đội cách đó vài hôm: “Trời cao lồng lộng, mây lưa thưa/ Từng đoàn chim sắt bay trong nắng/ Để giữ trời xanh mãi bốn mùa”.
Vậy là dưới đất có bao nhiêu dịu dàng thơ ca, nồng nàn hương lúa, đầy ắp yêu thương từ những lá thư của người con gái nơi quê nhà... các phi công cũng để lại hết, chuẩn bị áo mũ xuất kích vào bầu trời mà chẳng hề nghĩ ngợi gì. Tinh thần ấy y như câu đùa rất thú vị của anh hùng phi công Lê Hải đã từng nói: “Đời người ai cũng có một lần trong quan tài, cứ một lần xuất kích, bước lên máy bay coi như một lần bước vào quan tài thép. Đi mà còn trở về coi như là thử thách, còn nếu không về coi như một lần chết được ở trong quan tài thép. Chẳng vinh dự lắm sao?”. Hồi ấy các phi công của chúng ta đối diện với sự hy sinh nhẹ nhàng đến vậy.
Chợt nghĩ, trong các sách báo làm nhiệm vụ tuyên truyền lâu nay cứ làm cho người ta tưởng rằng, đã là phi công chiến đấu của Việt Nam thì như người máy, chẳng biết sợ và không có cảm xúc. Có biết đâu mỗi một giây phút trên bầu trời tính mạng phi công như ngàn cân treo sợi tóc, cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào không cần báo trước.
Có ai lại không biết sợ? Nhưng sợ mà vẫn hiên ngang cất cánh đánh quân thù. Chỉ riêng điều đó thôi, đối với tôi, các phi công – kể cả người đã được phong chính thức lẫn người chưa được phong, xứng đáng được ca ngợi ngàn lần rồi, chưa cần nói đến việc họ bắn rơi máy bay Mỹ với điều kiện không tương sức về khí tài, lực lượng.
Cựu phi công Mig21 trong ngày hội ngộ.
Phải ở giữa không khí này, mới thấy sự kính trọng, nâng niu nhau ở mỗi phi công cùng trưởng thành từ cái nôi E921 dành cho người anh Nguyễn Văn Cốc vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Trong lúc phấn khích của cuộc hội ngộ cực kỳ ồn ào, chỉ cần người anh hùng huyền thoại Nguyễn Văn Cốc lên tiếng thì mọi đôi mắt đều hướng về ông...
Phải ở giữa không khí này mới thấy, họ - những người anh hùng trân trọng bản lĩnh, tài năng hiếm có của anh hùng Lê Thanh Đạo, người đã từng mang nhiều trọng trách quan trọng như Viện trưởng VKSND tối cao, Ủy viên Trung ương Đảng, nhưng về với đời thường, ông vẫn rất dân dã, tiếng cười sang sảng như bác nông dân mộc mạc, quê mùa.
Phải ở giữa không khí này mới thấy, họ - những người anh hùng đánh giá cao Trung tướng – Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng Phạm Phú Thái. Thời chiến ông đã rất xuất sắc, nhưng ông vẫn đóng góp không nhỏ với những quyết định quan trọng trong xây dựng và phát triển Không quân ở thời bình. Tính cách hài hước và thân thiện của ông đã khiến cho bất cứ ai có điều kiện ở gần yêu quí ông hơn.
2. Như tôi đã viết trong cuốn sách mới nhất của mình, thế hệ phi công Mig21 ước tính có tới 1/4 phi công hầu hết xuất thân từ gia đình cách mạng, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, khi vào không quân cũng là những người có trình độ văn hóa cao hơn thế hệ lái Mig17.
Kể ra thì không hết, nhưng có thể ví dụ như Hạ Vĩnh Thành – con trai của nguyên Ủy viên thường trực Bộ Chính trị Hoàng Quốc Việt; Nguyễn Phú Đức – con trai của Giám đốc Công an TP. Hà Nội Nguyễn Văn Long; Vũ Chính Nghị - con trai của Bộ trưởng Y tế Vũ Văn Cẩn; Nguyễn Thanh Quý, con trai của một thứ trưởng, là cháu của cụ Lê Thanh Nghị; hay Nguyễn Duy Tường, con trai của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Chinh; Hoàng Tam Hùng, con trai Phó thủ tướng Hoàng Anh; Hoàng Quốc Dũng, con trai tướng Hoàng Văn Thái; Nguyễn Sĩ Hưng, con trai cụ Đồng Sĩ Nguyên; Đồng Văn Đe, con trai của cụ Đồng Văn Cống và Vũ Khởi Nghĩa, con trai của Phó VKSNDTC Vũ Hiệu ..v.v
Tôi nhiều lần tự hỏi, điều kiện hoàn cảnh các lãnh đạo cấp cao như thế thì chuyện không cần thiết cho con trai đăng lính là điều rất dễ dàng, nào đâu phải đưa con vào chỗ nguy hiểm nhất như vậy? Nhưng lịch sử đã chứng minh, những phi công mà tôi được gặp gỡ hôm nay họ đã gắn bó kiên cường với lực lượng Không quân trong suốt thời kỳ chiến tranh, vài người trong số họ còn gắn bó đến tận bây giờ. Có người đã từng bắn rơi 1- 2 chiếc máy bay Mỹ, có người còn sống, có người đã hy sinh!
Anh hùng Phạm Phú Thái đẩy xe lăn cho anh hùng Nguyễn Văn Cốc.
Để rồi có ngày hội ngộ hôm nay. Mọi người thi nhau kể Nguyễn Thanh Quý vào không quân lúc tuổi 15, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, trẻ nhất đoàn bay. Những lúc đi ngủ, chàng trai này vẫn còn giữ thói quen trẻ con là sờ dái tai các anh lớn một lúc rồi mới ngủ được.
Chuyện Hạ Vĩnh Thành chuyên đi tìm mồi nhậu bằng tất cả những quả xanh, như ớt, chuối, khế, dứa... cho các đàn anh: Nguyễn Văn Bảy, Lưu Huy Chao, Đinh Tôn mỗi khi các anh nghỉ giữa những chuyến xuất kích. Chuyện các cô y tá ngỡ ngàng phát hiện ra các phi công cũng biết nói bậy và hút thuốc lào, thuốc lá như người bình thường.
Chuyện Phạm Phú Thái “thú nhận” lúc bị thương gãy tay, đau nhăn nhó cả mặt nằm trên băng ca mà vẫn phải giả vờ cười khi phóng viên ùa tới phỏng vấn “anh có cảm nghĩ gì?”. Các cựu phi công xúm vào trêu anh hùng Lê Thanh Đạo cái vụ trả lời phỏng vấn “Khi bay qua địa phận kho xăng Đức Giang – Gia Lâm thấy bị cháy lớn quá, lòng tôi đầy quyết tâm”.
Lê Thanh Đạo cười hì hì: “Thời điểm đó chủ trương của lãnh đạo là phải truyền nhiệt huyết cho nhân dân tinh thần đánh thắng kẻ thù. Còn trên thực tế, đã ở trên máy bay thì chỉ có một mục đích tập trung cao độ tìm gặp được máy bay Mỹ, đâu thể có cảm xúc gì khác được”.
Cuộc vui nào cũng đến lúc phải chia tay: Quanh tôi văng vẳng tiếng chào nhau hẹn gặp lại số 1, số 2, số 3, số 4... hẹn gặp lại để còn uống rượu Nga với nhau. Này đây khoai lang, này đây rau sạch bác Chiêu trồng được mang từ Hải Dương lên Hà Nội cho bọn mình đấy. Này cháu gái nhà văn ơi, đừng phật lòng vì các chú bây giờ vẫn hồn nhiên “mày, tao” như ngày xưa nhé! Và, tôi thấy trong đôi mắt anh hùng Nguyễn Văn Cốc nước mắt dâng đầy.
Các anh hùng phi công của tôi, đặc biệt anh hùng phi công vũ trụ Phạm Tuân chia sẻ với tôi những lời gan ruột: Có thể trong một thời điểm lịch sử nào đó chúng ta cần phải tuyên truyền. Bởi vì bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng cần sử dụng báo chí văn chương làm nhiệm vụ này. Nhưng bây giờ, chiến tranh đã lùi lại sau 40 năm. Hãy để cho bạn đọc hiểu một cách chân thực nhất về các nhân vật đã đi vào lịch sử. Cảm ơn cuộc hạnh ngộ!
Cảm ơn những phi công anh hùng của tôi! Các ông mãi sẽ là niềm tự hào của Không quân Việt Nam!