"Cuộc cách mạng" về cây xanh ở Hà Nội
- Tây Y
- 01:03 - 27/06/2016
Hà Nội vốn được coi là Thành phố có nhiều cây xanh bóng mát, tuy nhiên, những năm gần đây, mỗi năm có hàng ngàn cây đã bị chặt vì nhiều lý do như sâu mục, mở đường, gẫy đổ do mưa bão... Thay vào đó, số lượng cây được trồng bù lại không nhiều.
Một hiện tượng đáng chú ý là ở các phố mới mở rộng như Kim Liên – Xã Đàn, Nguyễn Chí Thanh..., có dải phân cách giữa rất lớn nhưng lại không được trồng cây xanh bóng mát mà thay vào đó là những thảm cỏ, cây cảnh...
Trong khi Thành phố đang thiếu cây xanh bóng mát thì Hà Nội lại dành nhiều nguồn lực tiền, đất đai cho việc trồng, chăm sóc những thảm cỏ, cây cảnh như thế này |
Nhưng lớn nhất phải kể đến đại lộ Thăng Long. Cả mấy chục km đường có dải phân cách giữa được trồng cỏ, cây cảnh... Cách làm này không chỉ khiến cho Thủ đô mất đi cơ hội có nhiều cây xanh bóng mát, góp phần cải thiện ô nhiễm cho không khí Thủ đô mà nó còn ngốn một khoản kinh phí khổng lồ bởi hàng ngày, các thảm cỏ, cây cảnh phải được xén tỉa, tưới tắm chăm sóc đặc biệt.
Đây cũng là một bất cập không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước, khi quá chú trọng vào hình thức tạo hình cứng nhắc, trong khi đó lại bỏ qua quan điểm về một đô thị đáng sống là đưa thiên nhiên vào đô thị. Điển hình như tại thành phố Vũng Tàu, theo một thông tin mà phóng viên có được thì ở đây, hàng năm Thành phố đã phải chi tới 350-400 tỷ đồng cho công tác trồng, chăm sóc cây xanh nhưng Thành phố lại hầu như không có bóng mát. Lý do là bởi số tiền này được chi chủ yếu cho công tác trồng, chăm sóc cây cảnh, tạo hình chứ không phải là trồng cây xanh bóng mát.
Và, với Thủ đô, tin mừng là Tân Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có một quyết định vô cùng hợp lý, có thể gọi là “cuộc cách mạng về cây xanh”. Ngày 24/6, tại cuộc giao ban trực tuyến với các quận, huyện, Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố đang tích cực xây dựng đề án, trước mắt, giai đoạn 2016 - 2020 sẽ trồng mới 1 triệu cây xanh, chủ yếu phát triển trên các tuyến phố cũ, các tuyến đường mới, trong các công viên cũ và mới.
Tuy nhiên, giờ đây, Thành phố đang và sẽ tiếp tục trồng cây xanh ở tất cả các dải phân cách giữa. Những cây mới được đưa về trồng đều có đường kính lớn hơn hẳn những loại cây còi cọc trước đây vẫn được đem trồng ở nhiều tuyến phố |
Đồng thời, từ nay đến 2020, Hà Nội sẽ xây dựng 25 công viên mới, trong đó từ đầu năm đến nay đã khởi công 5 công viên mới, và thời gian tới sẽ tiếp tục. Ngoài ra, Thành phố sẽ trồng cây xanh trong tất cả các cơ quan, trường học.
“Đề nghị các cơ quan, quận, huyện rà soát những đơn vị nào còn đất trống thì phải triển khai tổ chức trồng cây”- Chủ tịch Thành phố nhấn mạnh.
Những khu vực dải phân cách giữa như thế này sẽ được phủ kín bởi cây xanh, hứa hẹn đem lại nhiều bóng mát và không khí trong lành cho Thành phố |
Ông Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, Hà Nội sẽ tổ chức trồng 500ha rừng và vấn đề này, Ban cán sự, UBND Thành phố đã giao cho Sở NN&PTNT triển khai. Chủ tịch Thành phố cũng cho biết tới đây, Thành phố sẽ vận động nhân dân tham gia vào công tác trồng cây, trồng cây cảnh và trồng hoa để trang trí thêm cho đường phố.
Đặc biệt, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay, Ban cán sự Thành phố đang giao cho Công ty Công viên cây xanh và một số công ty khảo sát trồng cây xanh trên tất cả các dải phân cách giữa. Sau khi trồng cây xong sẽ cắt toàn bộ tiền duy tu, duy trì vườn hoa cây cảnh ở trên các dải phân cách này.
Từ 1/7, Hà Nội sẽ cắt toàn bộ tiền duy tu, duy trì vườn hoa cây cảnh ở trên các dải phân cách
“Trên các tuyến đại lộ Thăng Long, đại lộ Võ nguyên Giáp, từ 1/7 sẽ chuyển sang trồng toàn bộ cây xanh ở các khu vực dải phân cách và sẽ không bố trí kinh phí để duy tu các cây cảnh, cắt cỏ..”, ông Nguyễn Đức Chung thông tin và nhấn mạnh: “Các đồng chí trong đơn vị có các điểm này thì lưu ý”.