Cuộc cách mạng tình dục chóng vánh của xã hội Trung Quốc
- Y học 360
- 22:25 - 28/03/2016
Xã hội Trung Quốc đã có những thay đổi rất lớn đối với quan điểm về tình yêu, tình dục. Ảnh: BBC
Là một quốc gia từng mang nặng tư tưởng Nho giáo, xã hội Trung Quốc trước đây có cái nhìn khá bảo thủ, khắt khe về tình dục. Nhưng trong 20 năm qua, thái độ của người dân Trung Quốc với vấn đề nhạy cảm này đã thay đổi nhanh chóng, khi những người trẻ đã thực sự trải qua một cuộc cách mạng tình dục đầy chóng vánh, BBC dẫn lời nữ chuyên gia tình dục học đầu tiên của nước này Li Yinhe cho hay.
"Trong cuộc khảo sát tiến hành năm 1989, chỉ có 15,5% số người được hỏi thừa nhận đã quan hệ tình dục trước hôn nhân. Nhưng cách đây hai năm, tỷ lệ này đã tăng lên đến 71%", Li nói.
Đó chỉ là một khía cạnh trong những thay đổi chóng vánh về quan niệm đối với tình dục của người Trung Quốc mà Li đã dày công quan sát, nghiên cứu suốt hàng chục năm qua. Bà có lý do khi dùng từ "cách mạng" để mô tả hiện tượng này, bởi trước năm 1997, hành vi quan hệ tình dục trước hôn nhân ở Trung Quốc vẫn bị coi là phạm pháp và có thể bị truy tố với tội danh "phá hoại".
Cuộc "cách mạng" này diễn ra tương tự như những gì người Trung Quốc thay đổi cách nhìn nhận về các vấn đề nhạy cảm khác như mại dâm, phim ảnh khiêu dâm hay những bữa tiệc thác loạn. Năm 1996, chủ một phòng tắm hơi ở Trung Quốc đã bị xử tử hình vì tội danh tổ chức mại dâm, nhưng giờ đây vấn đề này đã trở nên phổ biến trong xã hội, đến mức thành phố Đông Hoán từng được mệnh danh là "thủ đô sex" ở Trung Quốc. Hình phạt nghiêm khắc nhất đối với các chủ chứa hiện nay, theo bà Li, chỉ là đóng cửa cơ sở kinh doanh.
Hồi thập niên 1980, những người xuất bản ấn phẩm khiêu dâm cũng có thể bị kết án tử hình, và những kẻ tổ chức những buổi tiệc sex thác loạn cũng vậy. Nhưng đến nay, hình phạt đối với tội danh sản xuất, truyền bá văn hóa phẩm khiêu dâm đã bớt hà khắc đi rất nhiều, và những bữa tiệc thấm đẫm nhục dục đã trở nên phổ biến, dù chúng vẫn bị coi là phạm pháp. "Không ai trình báo về những bữa tiệc kiểu này, thế nên chẳng ai đến can thiệp cả", bà Li nói.
Từ thập niên 1980, khi mới chỉ là một chuyên gia xã hội học trẻ tuổi, Li đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tại Pittsburg, Mỹ, và khi trở về nước, nữ nghiên cứu sinh này ngỡ ngàng khi nhận ra đất nước Trung Quốc vẫn đang sống theo những quy chuẩn, quy tắc đạo đức đầy khắt khe.
Trong thời kỳ đó, việc viết về đề tài tình yêu đã bị coi là ướt át, tiểu tư sản, còn những câu chuyện đề cập đến đề tài tình dục đều bị cấm triệt để. Khi Li xuất bản cuốn sách Văn hóa của Người đồng tính luyến ái vào năm 1998, chỉ những người nhận được thư mời từ cấp trên hoặc người có địa vị cao mới có thể mua được cuốn sách này.
Người Trung Quốc giờ đây có thể hôn nhau nơi công cộng mà không sợ bị chê cười. Ảnh: Time
Cuốn sách tiếp theo của cô về đề tài khổ dâm được xuất bản trong khoảng thời gian này còn gặp số phận hẩm hiu hơn. "Tôi nhận được yêu cầu phải tiêu hủy toàn bộ sách xuất bản. Nhưng lúc đó đã có 60.000 bản được bán hết, nên sau này không ai đả động gì đến lệnh tiêu hủy đó nữa", Li kể.
Cởi trói
Các bản dịch của Li về đề tài song tính bị các nhà xuất bản từ chối, và Li phải tìm đến các nhà xuất bản ở Hong Kong để cho ra đời những cuốn sách về đề tài nhạy cảm này. Tuy nhiên, cùng với thời gian, nhà chức trách dần dần cởi mở hơn, coi tình dục là vấn đề cá nhân và Li được tương đối tự do trong các công trình nghiên cứu và xuất bản sách của mình.
"Bà ấy tự coi mình là một học giả đi trước thời đại, đưa cái gọi là tiêu chuẩn quốc tế trong tình dục đến với Trung Quốc. Bởi vậy bà được các đồng nghiệp, độc giả và cả chính quyền chấp nhận", tiến sĩ Haiqing Yu, đồng tác giả cuốn Tình dục ở Trung Quốc, chia sẻ.
Theo bà Li, một trong những động lực quan trọng để xã hội Trung Quốc thay đổi cái nhìn về tình dục chính là chính sách một con được chính quyền áp dụng từ năm 1979 đến 2015.
"Chính sách một con chỉ cho phép các cặp vợ chồng chỉ sinh một con, các trường hợp đặc biệt mới được sinh hai con. Thế nên mọi người bắt đầu thay đổi cái nhìn về sex. Vốn chỉ được coi là hành động duy trì nòi giống, tình dục dần dần được coi là một cách để hưởng thụ cuộc sống", bà nói.
Nữ chuyên gia này cho biết khi bà tới Thiên Tân giảng dạy, có hơn 1.000 người đến nghe những bài nói chuyện về đề tài tình dục của bà. "Tôi cho rằng khao khát bị đè nén trong tim họ giờ đây mới được bật ra. Người ta đang trải qua thay đổi mang tính cách mạng về tư duy và ứng xử, và nghiên cứu của tôi là một trong những tiền đề cho cuộc cách mạng đó".
Hành vi đồng tính luyến ái được loại khỏi danh sách các bệnh tâm thần ở Trung Quốc vào năm 2001. "Dấu hiệu thực sự của một xã hội bao dung chính là thái độ của xã hội đó đối với những người đồng tính luyến ái", bà Li nói.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh một thực tế rằng các quan điểm về tình dục, đặc biệt là tình dục đồng giới, ở Trung Quốc vẫn chưa được cởi trói hoàn toàn. Kết hôn đồng giới ở Trung Quốc chưa được coi là hợp pháp, và một đoạn phim được công bố năm ngoái cho thấy các bác sĩ Trung Quốc vẫn dùng liệu pháp sốc điện để "chữa" đồng tính luyến ái, dù một tòa án ở Bắc Kinh đã ra phán quyết cấm áp dụng hình thức chữa bệnh này.
Người Trung Quốc đã chấp nhận rộng rãi hơn những tư tưởng mới về tình dục. Ảnh:SCMP
Tuy nhiên bà Li tin rằng cùng với sự cởi mở về quan niệm tình dục của xã hội, quyền của những người đồng tính ở Trung Quốc sẽ dần được thừa nhận, và từ những "kẻ vô hình" trong xã hội, họ đã dần được biết đến nhiều hơn trong những năm qua.
Năm 2011, một bài báo tích cực về đề tài người đồng tính đăng trên tờ China Daily được coi là bước ngoặt của quá trình này, và sau đó báo đài chính thống của Trung Quốc đã bắt đầu đề cập rộng rãi hơn tới đề tài từng bị coi là "cấm kỵ" về người đồng tính.
"Nhà triết học người Pháp Foucault từng nói rằng không có xã hội nào trên thế giới chấp nhận tự do tình dục tuyệt đối. Luôn có những hạn chế được đặt ra. Nhưng tôi tin rằng xã hội càng tự do về tình dục bao nhiêu, người dân sẽ hạnh phúc bấy nhiêu", bà Li nhấn mạnh.