Cuộc biểu tình lạ lùng tại Hạ viện Mỹ
- Tây Y
- 15:01 - 25/06/2016
Các nghị sĩ Dân chủ tham gia cuộc “biểu tình ngồi” tại Hạ viện Mỹ
Tiếp tục đấu tranh đòi kiểm soát súng
Chiều 23/6 (theo giờ địa phương), nhóm nghị sĩ Đảng Dân chủ đã bước ra khỏi tòa nhà Quốc hội Mỹ trước sự reo hò cổ vũ của đám đông những người ủng hộ luật kiểm soát súng. “Cuộc chiến sẽ tiếp tục. Chúng tôi sẽ không bằng lòng cho tới khi làm được điều gì đó quan trọng để chấm dứt bạo lực súng đạn ở Mỹ. Chúng ta đã mất quá nhiều trẻ em, quá nhiều những người cha, người mẹ, anh chị em của chúng ta, và chúng ta sẽ tiếp tục đấu tranh”, hạ nghị sĩ Lewis nói.
“Tất cả các bạn cần kết hợp với nhau. Chúng ta có thể thay đổi đất nước và tạo ra một cộng đồng, nơi không có ai bị gạt ra ngoài vì màu da của mình. Cho dù chúng ta là người da đen hay da trắng, La tinh, người Mỹ gốc Á hay người Mỹ bản xứ, cho dù chúng ta đồng tính hay không, chúng ta là một gia đình, tất cả chúng ta đang sống trong một ngôi nhà, không chỉ nước Mỹ, mà cả thế giới”, ông Lewis kêu gọi.
Trước đó, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa, phe đang kiểm soát Hạ viện, đã bác bỏ lời kêu gọi của các nghị sỹ Đảng Dân chủ và biểu quyết hoãn bỏ phiếu cho tới ngày 5/7. Nghị sĩ Lewis tuyên bố người dân Mỹ muốn giới lập pháp hành động và các nghị sĩ Đảng Dân chủ sẽ tiếp tục gây áp lực khi Hạ viện họp trở lại vào tháng 7 tới.
Nhóm nghị sĩ Mỹ rời khỏi Hạ viện trước sự reo hò cổ vũ của đám đông
Một đêm đầy kịch tính
Diễn biến này là đỉnh điểm của một đêm đầy kịch tính trong Hạ viện. Khi các nghị sĩ Cộng hòa quay lại nghị trường để biểu quyết hoãn bỏ phiếu, các nghị sĩ Đảng Dân chủ tập hợp xung quanh hô vang “Không ra luật, không ngưng” và la ó phản đối Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan. Giữa cuộc biểu quyết, các nghị sĩ Cộng hòa cho Hạ viện nghỉ giải lao. Điều này có nghĩa là camera và micro bên trong nghị trường bị tắt.
Các nghị sĩ Dân chủ bèn ngồi bệt xuống sàn Hạ viện, chiếm phòng họp Quốc hội yêu cầu tiếp tục thảo luận về luật kiểm soát vũ khí. Họ tải trực tiếp hình ảnh cuộc biểu tình lên Facebook quađiện thoại di động cùng ứng dụng Periscope và mạng lưới truyền hình cáp phi lợi nhuận C-SPAN, trong đó các cảnh quay được truyền từ các máy điện thoại thay vì từ camera của Hạ viện như thường lệ. Một số Thượng nghị sĩ đã tới tham gia cùng đồng nghiệp bên Hạ viện để bày tỏ sự ủng hộ. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã chỉ trích các nghị sĩ Dân chủ về điều mà ông gọi là “chiêu trò gây chú ý”.
Trong khi đó, ứng viên sáng giá của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, bà Hillary Clinton, nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ dành cho cuộc biểu tình. “Những nhà lãnh đạo thực thụ là phải như thế này”, bà viết trên Twitter. Tổng thống Barack Obama sau đó cũng lên Twitter cảm ơn ông Lewis vì đã “dẫn đầu cuộc chiến chống bạo lực súng đạn”.
Trước đó, hôm 21/6, một tuần sau vụ thảm sát khiến 49 người thiệt mạng tại hộp đêm dành cho người đồng tính ở Orlando, bang Florida, Thượng viện Mỹ, do phe Cộng hòa kiểm soát, đã bác bỏ 4 đề nghị sửa luật để gia tăng kiểm soát vũ khí tại Mỹ.
Đề nghị của hai nhóm nghị sĩ Cộng hòa và nhóm Dân chủ đều không hội đủ 60/100 phiếu, tức đa số cần thiết. Phe Cộng hòa cho rằng các đề nghị của phe Dân chủ xâm phạm quyền tự do mang súng theo Hiến pháp. Trong khi đó, theo phe Dân chủ, các biện pháp do đảng Cộng hòa đưa ra là không đủ mạnh.
Theo các nhà quan sát, cho dù Thượng viện bác bỏ 4 đề xuất nói trên, nhưng hai bên vẫn tiếp tục tìm kiếm một thỏa hiệp nhằm hạn chế việc mua súng, đối với những người nằm trong danh sách tình nghi khủng bố. Theo một thăm dò dư luận mới đây của Reuters/Ipsos, 71% người Mỹ ủng hộ việc giới hạn khả năng mua súng, tăng hơn 10% so với cuối năm 2014 và 2013.