Cúng Tết Đoan Ngọ sáng sớm hay giữa trưa là tốt nhất?
- Y học 360
- 03:17 - 30/05/2017
Cúng Tết Đoan Ngọ vào giờ nào là tốt nhất?
Theo tục lệ ngày xưa, người dân thường cúng Tết Đoan Ngọ vào sáng sớm, nhưng thực chất Tết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ (giữa trưa) ngày 5/5 Âm lịch. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ tới 13 giờ.
Theo tin tức từ báo Người tiêu dùng, dịp Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) là lúc tiết trời oi ả. Đây là lúc chuyển mùa, sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Vì vậy, người dân thực hiện các nghi lễ diệt sâu bọ và dâng hương cầu tai qua nạn khỏi, được mùa.
Theo quan niệm cổ truyền, có thể giết sâu bọ bằng cách ăn thức ăn, hoa quả, rượu nếp vào ngày 5/5.
Bài cúng Tết Đoan Ngọ
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ Tỷ)
Tín chủ chúng con là:………… Ngụ tại:…………………………..
Hôm nay là ngày Đoan Ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…………………, cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an.
Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Tết Đoan Ngọ cúng gì?
Trong ngày lễ Tết Đoan Ngọ, những loại đồ cúng Tết cần có:
- Hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp. Mận, hồng xiêm, dưa hấu, vải, chuối. Xôi, chè, bánh tro...
- Dưới đây là những món ngon không thể thiếu trong ngày giết sâu bọ:
Cơm rượu nếp
Với ý nghĩa giết sâu bọ, cơm rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong buổi sáng ngày Tết Đoan Ngọ.
Theo quan niệm của người xưa, vị nồng cay của rượu nếp sẽ khiến các loại kí sinh trong cơ thể bị tiêu diệt. Rượu nếp có hương thơm và vị ngọt tự nhiên mà bạn không cần phải dùng đến đường.
Cơm rượu nếp. Ảnh: Gia đình.
Ở mỗi vùng miền cách ủ cơm rượu lại khác nhau. Nếu như cơm rượu nếp của người miền Bắc để các hạt tơi, thì ở miền Trung cơm rượu lại được ép thành khối còn miền Nam thì được viên tròn. Tuỳ theo khẩu vị của từng nhà bạn có thể thử nghiệm từng cách làm riêng để cả nhà đều thấy thích.
Rượu nếp kiểu Huế là loại thức uống giải khát thông dụng của người dân nơi đây. Viên cơm nếp lên men vừa tới, mùi men nhẹ chưa quá gắt pha cùng đá sẽ xua tan đi cơn khát cực nhanh.
Nước rượu nếp bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh để tránh lên men rượu nhiều. Khi uống cho thêm đá vào cốc, ăn cả cơm rượu nếp và nước sẽ rất ngon.
Bún măng vịt
Tết Đoan Ngọ, ngoài rượu nếp cùng các loại trái cây, không ít gia đình còn có thêm các món ăn từ thịt vịt.
Theo quan niệm của người xưa thì ngày 5/5 âm lịch là ngày khí trời nóng nực, nhiệt độ cao nên người ta dùng thịt vịt có tính mát, bổ, để quân bình nhiệt - hàn giữa Trời và Người.
Chính vì vậy món ăn từ thịt vịt luôn được mọi người lựa chọn trong dịp này. Bún vịt nấu măng có vị ngọt thơm của nước dùng, vị đậm đà của những sợi măng và không thể không kể vị ngon của những miếng thịt vịt.
Tết Đoan Ngọ năm nay, bạn cũng thử món bún vịt nấu măng ngon tuyệt đãi cả nhà nhé!
Bánh gio
Bánh gio là thứ bánh truyền thống có trong dịp tết Đoan Ngọ. Bánh gio có vị thanh mát nên rất phù hợp vào tiết trời nóng bức.
Bánh có vị ngai ngái nồng nồng của nước tro tàu nhưng khi đã nếm thử sẽ thấy vị mát, thanh và rất tốt cho đường tiêu hoá.
Bánh Gio (Tro). Ảnh: Tổ quốc.
Bóc lớp lá, lấp ló phía trong một khối màu hổ phách trong vắt. Cắt từng miếng bánh chấm với chút mật mía vàng óng ả, thơm phức sẽ cảm nhận sự hoà quyện tuyệt vời khó có thể thấy ở bất kỳ món ngon nào khác.
Trái cây đúng mùa
Ngoài những món ăn kể trên phải nhắc đến các thứ quả đặc trưng thường có vào dịp Tết Đoan Ngọ như mận, vải... Tuy nhiên nếu muốn đổi vị cho cả nhà bạn có thể trổ tài làm các món khác nhau từ những thứ quả này nhé!
Nước mận có màu đỏ đẹp mắt, miếng mận vẫn giữ được độ giòn sật có thoảng chút vị chát của vỏ.
Trái cây đúng mùa như mận có thể chế biến được rất nhiều món ngon giải nhiệt cho ngày hè.
Mận lắc là món ăn vặt đảm bảo sẽ khiến ai cũng phải xuýt xoa thèm muốn bởi màu sắc bắt mắt, hương vị hài hoà.
Thạch vải là một trong những lựa chọn lý tưởng vừa thơm ngọt mát và tốt cho sức khoẻ.