CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:28

Cùng nhau lên tiếng tố giác các hành vi xâm hại, quấy rối

Xâm hại tình dục trẻ em là một vấn đề vẫn khá nóng tại Việt Nam mặc dù nhận được sự quan tâm từ chính phủ, các cơ quan, các tổ chức xã hội và người dân tại cộng đồng. Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2014 có 1.544 vụ, năm 2015 có 1.355 vụ, năm 2016 có 1.248 vụ, năm 2017 có 1.370 vụ, và năm 2018 có 1.269 vụ xâm hại tình dục.

Cùng nhau lên tiếng tố giác các hành vi xâm hại, quấy rối - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm.

Theo thông tin do Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 công bố, trong năm 2017-2018, 86% số trẻ bị xâm hại bởi thủ phạm là chính người thân, người quen. Trong đó, người quen, hàng xóm chiếm 59%; giáo viên, nhân viên nhà trường là 6%; đặc biệt, trên 21% là người thân trong gia đình. Thêm vào đó, tình trạng bạo lực, bắt nạt trẻ em trên không gian mạng ngày càng gia tăng. Báo cáo của Quốc hội cho biết, trung bình mỗi ngày có 720,000 hình ảnh và các đăng tải có nội dung bạo lực và xâm hại đối với trẻ em.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại tình dục, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA chia sẻ: "Trước những vụ việc đau lòng liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em, chúng ta thường đưa ra những lời cảm thán, đau xót và giật mình trước những con số báo cáo, thế nhưng chúng ta lại quên ngay sau đó và thờ ơ khi cho rằng đó không phải chuyện nhà mình. Tuy nhiên, cần nhớ rằng việc bảo vệ trẻ em là câu chuyện không của riêng ai, là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Trẻ em, dù là trai hay gái, dù ở độ tuổi nào cũng đều cần bảo vệ bởi mọi sự xâm hại, quấy rối đều sẽ để lại những vết thương rất sâu trong lòng trẻ em. Tôi tin rằng nếu mỗi chúng ta đều có ý thức với việc lên tiếng tố giác các hành vi xâm hại, quấy rối và nhận thức được trách nhiệm bảo vệ trẻ em, những trường hợp đau lòng sẽ giảm đi rất nhiều."

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD với kinh nghiệm nhiều năm truyền thông giáo dục phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em cho rằng, việc giáo dục truyền thông cho trẻ em và gia đình, và nhà trường là đặc biệt quan trọng – chúng ta phòng ngừa từ gốc rễ chứ không để xảy ra các sự việc xâm hại đau lòng rồi mới đi xử lý, răn đe. Giáo dục ở Việt Nam vẫn còn mang tính lý thuyết, nhiều khi né tránh các vấn đề giáo dục tình dục, giới tính của trẻ em vì cho là nhạy cảm, trẻ em không biết gì.

"Tôi nghĩ phải nhìn thẳng vào vấn đề, hành động ngay. Việc giáo dục trẻ về giới tính, gọi tên chính xác các bộ phận, tôn trọng cơ thể mình và người khác, các kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, xử lý các tình huống, ... cần được đưa vào trong nhà trường và gia đình càng sớm càng tốt. Phương pháp cũng cần cải tiến thân thiện với gia đình và trẻ em như trò chơi, cuộc thi xử lý tình huống, phim hoạt hình, ứng dụng trò chơi điện tử... để trẻ dễ tiếp thu, dễ nhớ. Nếu việc giáo dục truyền thông cho trẻ em, gia đình, nhà trường và cộng đồng được làm tốt, chúng ta có thể xây dựng 1 tấm khiên, sức đề kháng và tự bảo vệ cho trẻ em",bà Linh nói.

Đại diện cho nhóm thanh niên – những người mong muốn đóng góp tiếng nói của mình với các vấn đề xã hội, bạn Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, trong thời đại công nghệ số, người trẻ với sự sáng tạo và năng động của mình có thể có rất nhiều cách thức để truyền thông, thay đổi nhận thức của xã hội trong việc bảo vệ trẻ em. Tùng cho biết: "Trong thời gian tới tôi sẽ cùng cộng sự của mình có kế hoạch cho một chuỗi phim ngắn về bạo lực giới, quấy rối tình dục trẻ em và phụ nữ nhằm cung cấp kiến thức cho trẻ em và phụ huynh để phần nào đó góp công sức nhỏ bé cho xã hội và thay thế các kênh xấu, độc trên mạng xã hội hiện nay."

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh