Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo cách tránh ngộ độc rượu ngày Tết
- Sức khỏe
- 15:06 - 16/02/2018
Trong 1 “đơn vị rượu” thường có từ 8-14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị tương đương: 1 lon bia 270-330ml 2-12 độ hoặc 1 chén rượu vang 125ml 9-18 độ hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ. Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu 1 ngày được coi là lạm dụng rượu.
Mỗi ngày một người chỉ dùng 1- 2 chén rượu nhỏ, tương đương 1-2 cốc bia, không lạm dụng và ỉ vào các thuốc giải rượu bia chưa được chứng minh tác dụng rõ rệt; Những người thường xuyên tiếp khách, phải uống rượu bia nên khám sức khoẻ định kỳ, chú ý kiểm tra men gan.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân cần thực hiện các nguyên tắc sau:
1. Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
2. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
3. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
4. Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
5. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
Cách giải rượu bia nhanh nhất
Cách giải rượu bằng đậu đen, đậu xanh
Khi ngộ độc rượu ta có thể uống nước sắc đậu đen để giải say. Ninh đậu đen cho nhừ rồi uống liên tục từng chén một sẽ có tác dụng giải ngộ độc rượu.
Hoặc, nghiền nát khoảng nửa lon đậu xanh hạt, sau đó hòa vào nước sôi để nguội rồi cho người ngộ độc rượu uống để nôn mọi chất trong dạ dày ra khỏi cơ thể.
Sau đó có thể cho người ngộ độc ăn cháo gạo nấu với 30g cam thảo là cách giải rượu bia hiệu quả.
Giải rượu bằng nước bưởi
Ăn bưởi hoặc uống nước bưởi ép cũng có tác dụng làm tỉnh rượu và giải ngộ độc rượu.
Giải rượu bằng nước mía ép
Khi say rượu chỉ cần uống một cốc nước mía ép sẽ có tác dụng giải rượu nhanh chóng nhất.
Gừng tươi giải rượu
Thái một củ gừng tươi khoảng 60 gram thành từng lát mỏng, sau đó đem sắc nước uống. Vị gừng nóng (có tác dụng chống say rượu, vì gừng làm cho các mạch máu lưu thông tốt hơn, từ đó hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể. Có thể cho thêm vào nước gừng nóng một thìa nhỏ mật ong để có thể hấp thụ nhanh và giúp giải say rượu.
Tuy nhiên, những cách thức trên chỉ giúp người say tỉnh táo nhanh chóng chứ không làm giảm đi tác hại của rượu với cơ thể. Vì vậy, mỗi người nên tự biết “tửu lượng” của mình và uống rượu ở một chừng mực nhất định, không nên để say, làm mất tự chủ. Bên cạnh đó, sau khi uống rượu, bia, người uống không nên tự điều khiển ô tô hoặc xe máy, tốt nhất là nhờ bạn bè, người thân đưa về hoặc đi taxi về nhà.
Cách sơ cứu bệnh nhân bị ngộ độc rượu bia
+ Khi thấy nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu, người nhà cần kê gối thấp cho bệnh nhân nằm nhằm làm nôn hết rượu ra, sau đó cho ăn cháo loãng, cứ vài tiếng phải đánh thức bệnh nhân dậy cho ăn.
+ Nên uống nhiều nước tránh mất nước: Uống nước ấm tốt hơn là nước lạnh. Có thể cho uống nước gừng tươi, nước chè xanh, sữa nóng, cam vắt, nước chanh, nước cà chua, nước ép bưởi... sẽ giải được ngộ độc rượu dạng nhẹ.
+ Khi ngộ độc rượu không nên dùng thuốc chống nôn, thuốc giảm đau, mật ong hoặc chích lể vì có hại, dễ bị nhiễm trùng.
+ Không để bệnh tắm ngay vì dễ gây hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, đột quỵ, tụt huyết áp.
Cần đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu nếu bệnh nhân có các dấu hiệu sau:
+ Bệnh nhân nôn liên tục, đặc biệt khi dịch nôn có máu.
+ Lay gọi không tỉnh sau 2-3 giờ.
+ Vã mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái, mạch bắt yếu.
+ Co giật. Thở chậm, thở không đều, tím tái.