Cử tri kiến nghị sớm triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương
- Tây Y
- 16:05 - 11/10/2023
Tích lũy đủ tài chính (hơn 500.000 tỷ đồng) để thực hiện cải cách tiền lương
Sáng 11/10, tại phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội
Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao Đảng và Nhà nước đã có nhiều giải pháp quyết liệt hiệu quả để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm; giữ được giá trị đồng tiền Việt Nam.
“Giải ngân vốn đầu tư công tuy chưa đạt kế hoạch nhưng tăng 5% tương đương 110 ngàn tỷ đồng, đã hoàn thành hơn 650 km đường cao tốc; tích lũy đủ tài chính (hơn 500.000 tỷ đồng) để thực hiện cải cách tiền lương theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng” – báo cáo nêu rõ.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về tình trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp; thu ngân sách Nhà nước gặp khó khăn; triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng và tiếp tục ủng hộ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước; tin tưởng vào kết quả điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực, đảm bảo không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực thật sự góp phần quan trọng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Song, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, trăn trở về tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày một tinh vi hơn, thậm chí xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân bàng hoàng, đau xót, chia sẻ những mất mát lớn lao đối với gia đình các nạn nhân vụ cháy chung cư mi ni ở phố Khương Hạ (Hà Nội); quan tâm lo ngại về tình trạng bạo hành trẻ em diễn biến phức tạp; tội phạm lừa đảo, cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, tổ chức cá độ trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng.
Cần tiếp tục có các giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn, phục hồi phát triển KT-XH
Cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính nhưng còn nhiều trăn trở vì một số địa phương chưa quan tâm đúng nên việc bố trí, sắp xếp thực hiện chính sách đối với cán bộ không còn vị trí làm việc; một số cơ sở vật chất chưa được sử dụng còn lãng phí; cá biệt một số trường hợp còn nặng về sắp xếp theo kiểu cơ học, chưa chú ý đúng mức đến các yếu tố văn hóa, xã hội.
Bên cạnh đó, cử tri cũng bức xúc với tình trạng “quy hoạch treo” dự án đầu tư dở dang ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân; tình trạng một số người đã đầu tư mua nhà ở, đất ở đến nay dự án bị dừng, quyền lợi của người dân chưa được giải quyết thỏa đảng.
Từ tình hình trên, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị kiểm tra, đánh giá tổng thể các nguy cơ về thiên tai, sạt lở đất, phòng chống cháy nổ, an toàn hồ đập, an toàn giao thông, an toàn khi tổ chức các sự kiện đông người... để có giải pháp phù hợp, chủ động đề phòng và xử lý kịp thời khi có sự cố bảo đảm an toàn cho người dân.
“Kiến nghị Đảng, Nhà nước sớm triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII, góp phần cải thiện đời sống để cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương để yên tâm công tác” – bà Trương Thị Ngọc Ánh cho biết.
Bên cạnh đó cần tiếp tục có các giải pháp hiệu lực, hiệu quả tháo gỡ khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng; tạo việc làm, tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người dân.
Các cấp, các ngành các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Đẩy mạnh đấu tranh với “tham nhũng vặt” gây phiền hà sách nhiễu doanh nghiệp và người dân.
Phiên họp thứ 27 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ kéo dài trong 5 ngày để cho ý kiến về 16 nội dung quan trọng
Nhóm vấn đề thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến đối với 12 nội dung phải chuẩn bị để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 gồm: Các báo cáo của Chính phủ về thực hiện tình hình thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Các báo cáo của Chính phủ về vấn đề tài chính ngân; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Kết quả tiếp công dân xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023: Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023, trong đó, tổng hợp cả nội dung báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước; Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới; Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội….
Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 4 nội dung theo thẩm quyền gôm: thứ nhất, tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. Hai là, cho ý kiến phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư. Ba là, việc bổ sung dự toán thu chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2023 của tỉnh Quảng Bình. Bốn là, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.