CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:54

Cử tri đề nghị xử lý nghiêm hành vi trục lợi các gói hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19

Đừng nhìn các con số mà vội vui, hãy nhìn cảnh đời thực tế

Đánh giá cao kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, mặc dù còn khó khăn nhưng chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt tốc độ tăng trưởng là 7/7%.

Đây là năm thứ hai liên tiếp Chính phủ hoàn thành tất cả các chỉ tiêu Quốc hội giao và cũng là 2 năm liên tiếp tốc độ số lượng tăng trưởng của chúng ta cao so với khu vực và thế giới.

Đề cập đến chất lượng tăng trưởng và tính bền vững, đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh đến giải quyết việc làm, vấn đề môi trường, năng suất lao động, vấn đề sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, sự phân hóa giàu nghèo, khoảng cách về thu nhập mức sống trong xã hội… trong bối cảnh hàng triệu người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19, đang rất khó khăn về cuộc sống.

Cử tri đề nghị xử lý nghiêm hành vi trục lợi các gói hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh)

"Mặc dù thu nhập bình quân đầu người của nước ta liên tục tăng trong những năm qua năm 2010 là hơn 2.300 USD/năm, năm 2018 hơn 2.500 USD/năm và mức 2.800 USD/năm 2019, nhưng Thủ tướng vẫn suy nghĩ và nói đừng nhìn vào các con số mà vội thấy vui, hãy nhìn, hãy nghe về những cảnh đời thực tế, luôn làm chúng ta day dứt, trăn trở", ông Tô Văn Tám bày tỏ.

Đánh giá các biện pháp phòng, chống dịch vừa có tầm vĩ mô, vừa rất sát thực tiễn, cùng với đó Chính phủ đã rất kịp thời đưa ra các gói hỗ trợ, như gói an sinh xã hội, gói hỗ trợ tiền tệ... nhưng theo đại biểu, cũng đã có vài hạt sạn nhỏ, là sự trục lợi từ các chính sách của Chính phủ.

"Đây là những hành vi không thể chấp nhận được, cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương xử lý nghiêm khắc các hành vi trục lợi này", đại biểu đoàn Kon Tum nói.

Chương trình giảm nghèo bền vững đạt được những kết quả tốt

Đáng chú ý, đại biểu Tô Văn Tám khẳng định, chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả tốt.

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, miền núi và Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nhiều địa phương, tỷ lệ xã nghèo, xã thuộc diện khó khăn còn nhiều.

"Ví dụ, như tỉnh Kon Tum hiện có 55/85 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Do vậy, nhu cầu nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững của các địa phương này rất lớn trong điều kiện các tỉnh nghèo. Đề nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư lớn cho các địa phương này", ông Tám nói.

Thứ hai, trong các phiên thảo luận vừa qua, Quốc hội đã rất quan tâm và ủng hộ cao với các Tờ trình của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, về việc tăng vốn điều lệ từ ngân sách cho Ngân hàng Agribank.

Những quyết sách lớn này, theo đại biểu đoàn Kon Tum đã góp phần rất quan trọng vào việc hỗ trợ các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Cũng liên quan đến an sinh xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đánh giá cao, việc khắc phục dịch Covid-19 rất kịp thời, và tiếp tục kịp thời nhất những chính sách hỗ trợ để chi phí sản xuất cũng như nhà đầu tư và các chương trình theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định 15. "Chúng tôi thấy rất kịp thời và nhanh chóng", ông Sơn nhấn mạnh.

Đại biểu cho biết, các địa phương đã giải quyết chính sách cho các nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Quyết định số 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Và để triển khai tốt hơn nữa, đại biểu lưu ý, nhóm đối tượng cần được quan tâm hỗ trợ do giảm sâu thu nhập và thực sự khó khăn, đó là người lao động và doanh nghiệp, "cần một sự quan tâm kịp thời hơn nữa", đại biểu Sơn lưu ý.

Cử tri đề nghị xử lý nghiêm hành vi trục lợi các gói hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh)

Triển khai quyết liệt, với những biện pháp chưa từng có

Cũng quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng, phát triển kinh tế và an sinh xã hội trong và hậu Covid-19 đã được Chính phủ triển khai quyết liệt, "với những biện pháp chưa từng có".

Theo đó, đại biểu "hiến kế", thứ nhất, các chính sách phát triển trong thời gian tới cần hướng vào mục tiêu ngắn hạn của năm 2020 nhưng quan trọng hơn cần khôi phục được các yếu tố cốt lõi để tạo chuyển hướng nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, dự phòng được những tác động của các yếu tố phát sinh trong thời gian tới.

Các chính sách đòi hỏi hỗ trợ khẩn trương, minh bạch và kịp thời trong thực hiện các gói tài chính, dự báo tình hình mới để giải quyết kịp thời như xu hướng chuyển dịch mới, vốn FDI có chọn lọc, có chính sách thu hút đón được các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài.

Thứ hai, do diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, tỷ lệ thiếu việc làm có xu hướng gia tăng. Báo cáo thống kê cho thấy, trong quý I/2020 cả nước có khoảng 5 triệu người mất việc làm. Con số này sẽ còn tăng nữa khi các lao động từ nước ngoài về.

Do vậy, đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến khu vực có khả năng phục hồi để giải quyết việc làm cho người lao động. Đó là các DNNVV, và các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách rất đúng, rất trúng và rất thiết thực, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp như gói an sinh xã hội hỗ trợ người lao động và người dân bị suy giảm sâu thu nhập, chính sách miễn giảm một số nghĩa vụ thuế nộp ngân sách của các lĩnh vực, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Tuy nhiên, nữ đại biểu đoàn Bắc Ninh lưu ý, Chính phủ cần chỉ đạo sát sao khâu tổ chức thực hiện và thời điểm thực hiện để các chính sách được thực thi đúng mục đích, các doanh nghiệp được tạo thuận lợi mọi mặt trong hoạt động.

Mặt khác, đại biểu Trần Thị Hằng cho rằng, cần quan tâm đến các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, xuất khẩu nông sản… do ảnh hưởng Covid-19, lượng hàng hóa tồn kho sẽ tăng và công nhân cũng sẽ phải luân phiên nghỉ việc, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp dự báo cũng sẽ tiếp tục tăng.

Do đó, đại biểu Hằng đề xuất Chính phủ cần có gói hỗ trợ vay vốn không lãi suất hoặc là lãi suất thấp, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường mới, tìm các đối tác, bạn hàng mới để doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.


Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh