Cụ ông 92 tuổi bị rắn lục cắn suýt mất mạng vì tự đắp lá tại nhà
- Y học 360
- 22:22 - 05/02/2021
Báo Đại đoàn kết phản ánh, cụ ông P. V. T. (trú huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) trong lúc đi cắt cỏ bị rắn cắn đã tự đắp lá tại nhà, có điều trị tại y tế địa phương nhưng tình trạng xuất huyết sau đó diễn tiến nặng. Sau đó, cụ ông này được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam để tiếp tục điều trị.
Bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam trong tình trạng sưng phù bàn, cẳng chân trái, xuất huyết nặng vùng mông, đùi trái.
Theo báo Sức khỏe và Đời sống, thời điểm nhập viện cấp cứu, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị xuất huyết nặng do rối loạn đông máu nặng dẫn đến suy thận cấp trên nền bệnh nhân lớn tuổi, nguy kịch đến tính mạng.
Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngay và chống độc đặc hiệu bằng huyết thanh kháng nọc độc rắn. Trong suốt quá trình điều trị tích cực, cụ ông đã được truyền tổng cộng 3 đơn vị hồng cầu khối và 23 lọ huyết thanh kháng nọc độc rắn kết hợp cùng các biện pháp điều trị tích cực chống suy thận cấp.
Sau 5 ngày điều trị, tình trạng rối loạn đông máu của cụ ông dần ổn định, tình trạng xuất huyết được cải thiện rõ rệt, tình trạng thiếu máu phục hồi.
ThS.BS Chung Hải, Phó trưởng khoa Y học bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho rằng, sai lầm lớn nhất của người bệnh khi bị rắn cắn là chủ quan, không đến ngay các bệnh viện có điều kiện cấp cứu chống độc kịp thời nên dễ để lại những di chứng nặng nề như xuất huyết, hoại tử chi, chảy máu nội tạng, nặng hơn là xuất huyết não dẫn đến tử vong. Ngoài ra, việc đến trễ còn làm kéo dài thời gian điều trị, tăng chi phí gây tốn kém cho người bệnh và gia đình.
Vì vậy, để hạn chế thấp nhất những hậu quả khi bị rắn độc cắn người bệnh nên đến cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu chống độc trong thời gian sớm nhất để được điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý chích rạch vết thương, chọc hút nọc độc và sử dụng các phương pháp dân gian khác.