Cử nhân thất nghiệp – hệ lụy từ “phổ cập” đại học
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 21:23 - 04/04/2018
Thất nghiệp, nhiều cử nhân tìm công việc phổ thông.
Cử nhân làm trái ngành nghề kiếm sống
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán trường Đại học Nông Lâm (Thái Nguyên) nhưng đã gần 2 năm nay Nguyễn Văn Ngọ (Đồng Bẩm, Thái Nguyên) vẫn không tìm được công việc theo đúng ngành nghề mình học. Để có tiền trang trải cuộc sống, buổi tối chạy bàn cho quán cafe còn ban ngày ship hàng cho một cửa hàng online. Công việc không mấy liên quan đến chuyên môn nhưng Ngọ chấp nhận đi làm để duy trì cuộc sống, rồi vừa làm vừa tìm việc phù hợp hơn.
“Cầm tấm bằng đại học đi xin việc thì chỗ nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm. Ra trường rồi nên không thể cứ mãi ngửa tay xin tiền bố mẹ mãi. Vì thế, em dự định đi bán hàng rồi tranh thủ học thêm ngoại ngữ cũng như trau dồi thêm “kỹ năng mềm” để chờ cơ hội. Nhưng đã gần 2 năm rồi mà em vẫn chưa tìm được công việc phù hợp với khả năng và chuyên môn. Nhiều khi em cũng thấy lo lắng vì tuổi trẻ cứ dần trôi mà tương lai còn mờ mịt” - Ngọ chia sẻ.
Còn với Mai Thị Nga quê Thanh Hóa, tốt nghiệp khoa Lưu trữ trường Đại học KHXHNV (ĐHQG Hà Nội) với hy vọng sẽ tìm được một công việc ổn định ở cơ quan nhà nước nhưng 2 năm trời Nga nộp hồ sơ khắp nơi mà vẫn không kiếm được việc làm. Cuối cùng Nga đành ngậm ngùi “giấu” tấm bằng đại học làm hồ sơ tốt nghiệp PTTH để xin việc vào làm việc tại Cty Sam Sung (Thái Nguyên).
“Ngày cầm tấm bằng trong tay em cảm thấy rất vui mừng và tự hào, cuối cùng thì những ngày cố gắng vất vả của bản thân và gia đình đã đến ngày hái quả. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau nhiều nỗ lực xin việc không được, lại thấy các bạn đua nhau đi làm Samsung (Công ty Samsung Điện tử Việt Nam Thái Nguyên) nên em cũng nộp hồ sơ đi làm. Thế nhưng nếu thi tuyển vào công ty với trình độ đại học thì rất khó, còn tuyển để làm công nhân thì công ty không nhận hồ sơ có bằng đại học. Khi biết quy định này em rất hẫng hụt, nhưng vì gia đình em đã quyết định đi làm một thời gian để giúp mẹ trả nợ, cũng như kiếm cho mình ít vốn để có thể lập nghiệp” – Nga tâm tư.
Không tìm được việc làm với những ngành nghề theo đuổi tại các trường đại học, nhiều cử nhân đã buộc phải tìm cho mình một con đường mưu sinh mới, thậm chí "ngược dòng" bằng cách... đi học nghề, như trường hợp em Trần Thị Xuân, 26 tuổi, cựu sinh viên Đại học Lao động xã hội, tốt nghiệp bằng khá, nhưng ra trường 4 năm nay vẫn chật vật không tìm được việc đúng chuyên ngành kế toán. Hiện Xuân làm việc tại một nhà hàng ăn uống trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội và tranh thủ học thêm khóa học pha chế đồ uống với dự định mở một cửa hàng cà phê làm kế sinh nhai.
Cử nhân chạy uber, grab kiếm sống.
Lãng phí, nhiều hệ lụy
Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi năm thị trường lao động chỉ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 20 nghìn người có trình độ đại học trở lên trong khi các trường đại học cho "ra lò" khoảng 400 nghìn người, thì việc cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, làm trái nghề, làm lao động chân tay là khó tránh khỏi. Hiện tỷ lệ cử nhân của nước ta là rất cao (khoảng 250 sinh viên/1 vạn dân), vượt mức trung bình của thế giới, nhưng chất lượng đào tạo lại thấp. Phần lớn sinh viên đã tốt nghiệp còn yếu về chuyên môn, thiếu năng lực thực tiễn và khả năng thích ứng trong môi trường cạnh tranh.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện cả nước có 412 trường Đại học, Cao đẳng, trung bình mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 6,6 trường Đại học, Cao đẳng. Cả nước có khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu dân, cao hơn cả các quốc gia phát triển. Tính trung bình, một sinh viên học đại học 4-5 năm phải tiêu tốn khoảng 100 triệu đồng để chi phí cho việc sinh hoạt, học tập. “Nhiều gia đình phải vay nợ để có tiền cho con ăn học, hy vọng sau khi ra trường, con có việc làm, kiếm được tiền trả nợ. Việc cử nhân thất nghiệp không chỉ trở thành gánh nặng của gia đình, gây ra sự lãng phí lớn về tiền bạc, thời gian, sức lực mà còn làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp” – PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cảnh báo .
Còn nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động xã hội, hằng năm, 3/4 số học sinh tốt nghiệp phổ thông đều tập trung vào giáo dục đại học. Điều này không phù hợp với một đất nước có thu nhập trung bình như Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần tập trung vào phân khúc bậc trung như cao đẳng, trung cấp nghề. Hiện số lao động đạt trình độ đại học trở lên chiếm hơn 40% tổng số lao động có trình độ chuyên môn nhưng thị trường chỉ cần khoảng 20% đối với nhóm này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học tăng cao vài năm gần đây cho thấy không chỉ là vấn đề cung - cầu lao động lệch nhau mà quan trọng hơn là đào tạo nhân lực chưa gắn với nhu cầu xã hội, nhu cầu của thị trường lao động. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân từ tâm lý xã hội coi trọng, đề cao bằng cấp hoặc tập trung vào một số ngành nghề nhất định mà chưa chú ý tới năng lực người học, nhu cầu thị trường và chất lượng đào tạo.
Nguyên Thứ trưởng GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng đó là sự lãng phí về thời gian và tuổi trẻ. Theo ông, tâm lý chung của người dân Việt Nam là thích học đại học và học lên cao, không cần biết có cơ hội xin việc làm hay không. Trong khi đó, nhu cầu của người học lại mâu thuẫn với việc chất lượng đào tạo giáo dục đại học. Cụ thể, cử nhân, thạc sĩ được đào tạo không sát với thực tế, nhà trường vốn chỉ dạy những gì họ có chứ không dạy điều xã hội cần. Chương trình, kiến thức còn quá nặng nề, nghiêng về lý thuyết, thực hành còn hạn chế. Ngoài ra, nguồn nhân lực rất thiếu ở các tỉnh thành, trong khi mọi người lại đổ xô về các thành thị. Tất cả nguyên nhân trên xuất phát từ việc “trống” hướng nghiệp trong nhà trường. Điều này dẫn đến tâm lý, học sinh không hiểu được sở thích bản thân, nhu cầu xã hội, cứ nghĩ theo đại học mới thành tài. Thực tế công việc phải đáp đứng được kinh tế và nhu cầu của gia đình, xã hội. Vì vậy, định hướng nghề nghiệp phải được thực hiện từ bậc THCS.
Cập nhật bản tin thị trường lao động quý 4/2017 cho biết, cả nước có 1.070.200 lao động thất nghiệp, giảm 3.600 người, so với quý 3/2017. Trong đó có 215.300 người có trình độ “ĐH trở lên” bị thất nghiệp, giảm 21.700 người. Nhóm trình độ “CĐ” có 78,8 người thất nghiệp, giảm 6 ngàn người. Nhóm trình độ “trung cấp”có số người thất nghiệp giảm nhiều nhất với 30,9 ngàn người thất nghiệp, còn 64,6 ngàn người. Tính về tỉ lệ, thất nghiệp CĐ chiếm tỉ lệ cao nhất 4,32%, tiếp đến là “ĐH trở lên” 4,12% và “trung cấp”thấp nhất chỉ 2,49%. |