THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:46

Cú hích lớn từ một quyết tâm

Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc Nguyễn Văn Bình với ngư dân. ảnh: báo Tiền Phong

Khán giả buổi giao lưu đang hướng cái nhìn về phía  Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Thống đốc Nguyễn Văn Bình là người trong  cuộc, một yếu nhân của chủ trương quyết sách ấy.

Xa một chút là nhà văn Chu Lai đương ngồi lẫn với bà con ngư dân…

Nhớ thời điểm mới ban hành NĐ 67, tôi bám theo nhà văn Chu Lai, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, ca sĩ Thế Hiển về Tam Quan (Bình Định) dự chương trình Chung tay góp sức vì biển Đông, ủng hộ ngư dân vươn khơi bám biển.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư BIVD đã lĩnh ấn tiên phong của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, khởi đầu trong ngành ngân hàng (riêng BIDV góp nguồn vốn 3.000 tỷ đồng) thực hiện chủ trương góp sức chung tay vì chủ quyền biển đảo phục vụ chương trình đóng mới tàu sắt công suất lớn và xây dựng hệ thống phục vụ khai thác đánh bắt xa bờ…

NĐ 67, một quyết sách, chủ trương hình thành mau chóng sau một cuộc họp trọng của Thủ tướng với ngành ngân hàng tại Đà Nẵng ngay sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Chỉ 40 ngày sau, NĐ 67 có hiệu lực.

Chủ trương đường hướng 67 đã cụ thể. Trên thì quyết tâm. Ngành ngân hàng thì quyết tiền. Còn nghi ngờ chi tiến độ? Nhưng bất ngờ, NĐ 67 liên tục lộ ra những bất cập.

Đó là chậm trễ tiến độ giải ngân đóng mới những con tàu vỏ thép.  Và hiếm có Nghị định nào của Chính phủ ban hành mà hơn nửa năm thực hiện lại liên tục có đến hàng chục thông tư, văn bản của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, NHNN, Bộ KH&ĐT… điều chỉnh cho phù hợp với thực tế cuộc sống như NĐ 67...

Theo dấu thư bạn đọc, sau NĐ 67 non một thời gian, tôi mò về một số địa phương miền Trung để tìm hiểu thực trạng tiến độ thực hiện dự án đóng tàu vỏ thép.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trao tượng trưng trên 730 máy thông tin liên lạc cho ngư dân 28 tỉnh thành ven biển đóng tàu cá theo Nghị định 67, tối ngày 7/3 tại Chương trình “Bản hùng ca về biển” tổ chức tại Quảng Ngãi

Như Quảng Nam thực hiện 5 đợt phê duyệt hồ sơ vay vốn của ngư dân với tổng số tàu đóng mới là 94 chiếc. Thế nhưng, ngân hàng chỉ mới ký kết hợp đồng tín dụng với 16 chủ tàu. Rồi Khánh Hòa, chỉ tiêu phân bổ  đóng mới 160 tàu cá, 15 tàu dịch vụ hậu cần. Các ngân hàng thương mại mới ký hợp đồng tín dụng với 6 chủ tàu, cho vay gần 30 tỷ đồng… Lãnh đạo các địa phương cùng nhiều ngư dân miền Trung đặt câu hỏi, vì sao cùng một chính sách vay vốn nhưng có ngân hàng sớm tiếp cận, hỗ trợ ngư dân hoàn chỉnh thủ tục vay vốn, một số ngân hàng lại gây khó dễ với ngư dân? Nhiều ngư dân thời gian đầu hồ hởi với NĐ 67 nhưng sau đó lại làm đơn xin rút.

Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch Quảng Ngãi nêu thực tế tại địa phương mình, vì sao trong số 16 hộ được vay vốn thì ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi cho vay đến 10 trường hợp, trong khi Ngân hàng Công thương chưa cho vay đồng nào?

Ngư dân tiếp cận nguồn vốn khó? Quan liêu, thủ tục rườm rà? Có! Nghẽn mạch ấy khắc phục không khó. Nhưng nhỡn tiền ngành ngân hàng từng nợ đọng khó đòi nhiều ngàn tỷ như thứ nợ xấu cho vay hồi phong trào đánh bắt xa bờ gần 20 năm trước.

Tóm lại, không ít nhà băng sợ mất vốn. Ngư dân, thì phức tạp.  Phức tạp thế nào? Trong thời gian ngắn, các NHTM đã từ chối 30 chủ tàu không đủ điều kiện vay vốn theo NĐ 67 và 22 chủ tàu chủ động rút hồ sơ không vay (Thái Bình, Bình Định, Nam Định, Bến Tre, Nghệ An). Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cho biết do một số ngư dân không có vốn tự có để tham gia góp vốn, không có kinh nghiệm trong quản lý khai thác tàu công suất lớn. Hoặc đa phần nghĩ mình được nhà nước bao cấp, hoặc cho không... Đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với chủ tàu để đóng mới, nâng cấp  329 con tàu (trong đó: đóng mới 317 tàu, nâng cấp 12 tàu) với tổng số tiền cam kết cho vay đạt gần 4.000 tỷ đồng. Đã có 60 con tàu hoàn thành đóng mới, nâng cấp, được hạ thủy và đưa vào hoạt động.

Ngoài thứ nghẽn thủ tục vay vốn còn nhiều điểm nghẽn khác. Bởi một chủ trương, chính sách chưa có tiền lệ. Nhưng như Thống đốc Bình từng thẳng thắn, những chính sách chưa phù hợp với chính sách phát triển thủy sản thì phải kiên quyết điều chỉnh thậm chí thay thế, ngành ngân hàng sẽ quyết liệt hỗ trợ về chính sách tín dụng đồng thời trong quá trình thực hiện vừa làm vừa điều chỉnh.

Nói và kiên quyết làm. Ngành ngân hàng đã chủ động đề xuất với Chính phủ, kết hợp với nhiều bộ ngành nhanh chóng bổ sung sửa đổi một số điểm quan trọng trong NĐ 67 nhưng vẫn kiên quyết bám sát mục tiêu ban đầu là phát triển đội tàu cá vỏ thép, công suất lớn, đánh bắt xa bờ.

Những sửa đổi bổ sung luôn chú trọng việc nâng thời hạn cho vay đối với trường hợp đóng mới tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới (có suất đầu tư lớn) từ 11 năm lên 16 năm (trong đó có 1 năm ân hạn lãi suất). Còn tàu cá vỏ gỗ thì vẫn giữ nguyên thời hạn cho vay là 11 năm.

Đầu tháng 10/2015, Chính phủ lại ban hành Nghị định số 89 tiếp tục tạo thuận lợi hơn cho ngư dân: nâng cấp máy tàu có thể sử dụng máy cũ; tăng tỷ lệ vốn vay tối đa đối với các chủ tàu đóng mới; ưu đãi lãi suất và điều chỉnh mức bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách Nhà nước... đặc biệt  là thời gian trả nợ ngân hàng sẽ kéo dài lên đến 16 năm thay vì 10 năm như trước kia. Ngư dân được hỗ trợ 100% chi phí thiết kế tàu vỏ thép, vật liệu mới có công suất từ 400CV trở lên (trong NĐ 67 ngư dân không được hưởng ưu đãi này). Ngoài ra, còn có một số thay đổi về chính sách bảo hiểm, yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế mẫu tàu theo hướng phù hợp với thực tế.

HTX Nghĩa Phú đang đóng tàu vỏ gỗ của ngư dân Nguyễn Đức Thảo vay theo Nghị định 67. Dự kiến khoảng 4 tháng tới, con tàu này sẽ hạ thủy.

Ông Phạm Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho rằng  những điểm mới của NĐ 89 sẽ tạo điều kiện, mở rộng thêm đối tượng được vay vốn với ngư dân.

Ngư dân Nguyễn Hằng, Quy Nhơn, Bình Định thì thông tin “Tôi vay 17,7 tỷ đồng nếu phải trả nợ trong vòng 11 năm theo quy định tại Nghị định 67 thì mỗi năm gia đình tôi phải trả cả gốc lẫn lãi là hơn 1,5 tỷ đồng. Nay Nghị định 89 sửa đổi, thời gian kéo dài trả nợ đối với tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới lên tới 16 năm, bớt đi nhiều áp lực trả nợ”.

Theo Thống đốc Bình đi khảo sát vài cơ sở đóng tàu cá ở Quảng Ngãi, vẫn thấy NĐ 89 sửa đổi, các ngân hàng thương mại vẫn gặp phải một số vướng mắc điểm nghẽn khi giải ngân cho vay. Chẳng hạn việc không nên chuyển cái khó cho ngư dân. Bộ Tài chính cần xem xét ngay  có thể giảm luôn thuế VAT cho ngư dân, bởi vì theo ý kiến của nhiều ngư dân thì một chiếc tàu vỏ sắt trị giá khoảng gần 20 tỷ đồng, nếu ngư dân được giảm luôn thuế VAT thì sẽ đỡ được gần 2 tỷ đồng...

…Một vài đồng nghiệp chia sẻ rằng, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới trong chuyến thăm và làm việc với NHNN cuối tháng 2/2016 (Ông Kim đã dùng chữ ngưỡng mộ đối với cá nhân Thống đốc và hệ thống NHNN Việt Nam đã quản lý rất xuất sắc Ngân hàng Trung ương của Việt Nam, ban hành những chính sách nhằm giảm lạm phát. Đây là điều vô cùng quan trọng đối với những cải cách trong ngành ngân hàng. Còn bà  Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng  khẳng định: Trong thời gian vừa qua, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì. Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp nhất trong một thời gian dài. Nhìn chung, chính sách tiền tệ đã thành công với việc ngày càng linh hoạt hơn, hỗ trợ tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế và không gây áp lực lên lạm phát. Đặc biệt, chính sách tỷ giá của NHNN đã đi đúng hướng). Tôi băn khoăn định hỏi rằng, nền kinh tế cũng như hệ thống tài chính tiền tệ đất nước luôn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro lớn liệu có xáo trộn ảnh hưởng gì không nếu khi một thủ lĩnh, một tư lệnh ngân hàng từng quen người thuộc việc lại được điều chuyển phân công ở lĩnh vực công tác khác?

Nếu hỏi, có thể câu trả lời đại loại hệ thống ngân hàng chúng tôi đã quen việc biết người sẽ tiếp tục  NĐ 67 một cách trách nhiệm hiệu quả. Và cơ chế chúng ta thiếu gì người có khả năng để ứng phó với những công việc mới và khó...

…Chợt thoáng hình ảnh nhà văn Chu Lai trong ánh đèn của đêm giao lưu với chất giọng rổn rảng và thao thiết cố hữu khi được Ban Tổ chức mời phát biểu… Ông dành nhiều tình cảm cho bà con ngư dân nhất là phụ nữ nhân ngày 8/3 và cũng không quên những đóng góp của vị thủ lĩnh ngành ngân hàng tôi cứ nghĩ rằng song hành với sự đổi mới của cơ chế và tiến trình dân chủ không có tài năng nào bị bỏ quên và hiếm sự tử tế nào bị bỏ sót

Tôi thì những mong ông, Thống đốc Bình dù mai kia ở bất kể cương vị nào, cái cười dễ đọc (kiêm khó giãi mã ấy?) luôn mãi là hành trang. Và nữa, cái câu thao thiết của nhà văn Chu Lai đêm hội, những mong cơ chế cùng thể chế xứ mình chớ để nhỡ, để vuột? 

Trong chiều 7/3, Thống đốc Bình cũng đi thăm HTX đóng tàu Nghĩa Phú (xã Nghĩa Phú, Thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).

Hỗ trợ 735 máy icom cho ngư dân đánh bắt xa bờ

Tối 7/3, tại chương trình nghệ thuật tôn vinh những thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển - “Bản hùng ca về biển”, tổ chức ở Nhà văn hóa Lao động tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trao tượng trưng 735 máy thông tin (icom) cho ngư dân 28 tỉnh thành ven biển. Số lượng máy tương ứng với tỷ lệ tàu của từng tỉnh, đóng theo chương trình Nghị định 67, với tổng giá trị gần 21 tỷ đồng. Giai đoạn 2011 - 2015, ngành Ngân hàng đã tài trợ gần 5.350 tỷ đồng cho 28 tỉnh ven biển có hoạt động đánh bắt xa bờ, trong đó 60 tỷ đồng tài trợ trực tiếp cho ngư dân tại 14 tỉnh ven biển miền Trung nơi chịu ảnh hưởng, thiệt hại nhiều nhất do tác động từ thiên tai.               

Đông Hải/ Tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh