Cứ 10 vạn sản phụ thì có 54 người tử vong
- Sức khỏe
- 12:40 - 02/12/2015
Hai hội thảo khoa học về siêu âm trong sản phụ khoa, vừa diễn ra tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, do GE Healthcare và T.D Medical tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam, Malaysia và Thái Lan. Hai hội thảo khoa học tập trung vào việc sử dụng kỹ thuật siêu âm trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong mẹ ở các nước đang phát triển vào năm 2015 là 239/100.000 ca, trong khi đó tỷ lệ này ở các nước phát triển là 12/100.000 ca. Biến chứng trong thai kỳ và sinh nở là nguyên nhân chính dẫn đến các ca tử vong và dị tật ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại các quốc gia đang phát triển.
Báo cáo của WHO về tỷ lệ tử vong mẹ vào năm 2014 cho thấy, chất lượng chăm sóc sức khỏe tiền sản ở nhiều nơi trên thế giới đã được cải thiện đáng kể trong vòng một thập kỷ qua, tuy nhiên chỉ 46% phụ nữ ở các nước có thu nhập bình quân đầu người thấp được hưởng lợi từ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng cao.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe bà mẹ mang thai và giảm thiểu số ca tử vong trong thai kỳ và sinh nở. Tỷ lệ tử vong mẹ ở Việt Nam được Ngân hàng Thế giới thống kê ở mức 54 trên 100.000 ca vào năm 2015. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, tỷ lệ này ở nhóm dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa cao hơn gấp 4 lần, nơi người dân chưa được tiếp cận các thiết bị và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến.
Ông Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhận định: “Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các chương trình nâng cao sức khỏe bà mẹ, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa và các vùng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn”.
Theo BS Vũ Bá Quyết, các khóa đào tạo là vô cùng cần thiết để nâng cao kiến thức và kỹ năng của các bác sĩ sản khoa, đội ngũ hộ sinh, cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Thêm vào đó, việc áp dụng công nghệ tiên tiến đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tỷ lệ tử vong và biến chứng thai kỳ, giúp cứu sống hàng ngàn phụ nữ và trẻ sơ sinh.
Từ khi ra đời vào cuối những năm 1950, siêu âm đã trở thành một công cụ chẩn đoán hữu ích trong sản khoa. Siêu âm hiện nay được giới chuyên gia nhận định là một hình thức chẩn đoán an toàn, không xâm lấn, chính xác và không tốn kém về mặt chi phí.
Bằng việc theo dõi hình ảnh trên màn hình giám sát, các y bác sĩ có thể thực hiện nhiều chẩn đoán quan trọng như phát hiện các khối u buồng trứng và nguy cơ khối u ác tính, theo dõi sự phát triển của thai nhi trong tử cung, dị tật thai…