THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:13

COVID-19 thế giới tới sáng 27/10: Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất

Theo TTXVN, số liệu từ trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 27/10 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 245.225.811 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.977.714 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 394.746 và 7.083 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 222.284.589 người, 17.963.508 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 75.113 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới, với 49.097 ca; tiếp theo là Anh (40.954) và Nga (36.446 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.214 người chết trong ngày, tăng gấp hai lần so với một ngày trước đó là 635 ca; tiếp theo là Nga (1.106 ca tử vong); và Ukraine (734 ca). Cả hai quốc gia này đều ghi nhận những kỷ lục mới về ca tử vong hàng ngày kể từ đầu dịch.

Nhà chức trách Nga và Ukraine đã có nhiều biện pháp thuyết phục người dân tiêm vaccine phòng bệnh nhưng tỷ lệ tiêm vẫn thấp, được cho là nguyên nhân khiến ca mắc và tử vong mới liên tiếp đứng trong top đầu thế giới.

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay là 46.475.780 người, trong đó có 759.651 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 34.214.865 ca nhiễm, bao gồm 455.684 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.748.984 ca bệnh và 606.246 ca tử vong.   

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 78,86 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với gần 63,35 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 55,65 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là 38,28 triệu ca, tiếp đến là châu Phi gần 8,54 triệu ca và châu Đại Dương trên 294.000 ca nhiễm.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Kommunarka, ngoại ô Moskva, Nga, ngày 11/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Kommunarka, ngoại ô Moskva, Nga, ngày 11/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

VTV cũng đưa tin, cơ quan Dược phẩm châu Âu đã bắt đầu quy trình đánh giá theo thời gian thực hiệu quả của thuốc kháng virus Molnupiravir đối với bệnh nhân COVID-19. Đây là loại thuộc được cho có thể làm giảm một nửa nguy cơ tử vong hoặc nhập viện ở những người có nguy cơ mắc các biến chứng nặng nhất.

Theo cơ chế đánh giá được gọi là "rà soát sớm", Cơ quan Dược phẩm châu Âu sẽ đánh giá ngay khi nhận dữ liệu thử nghiệm, thay vì chờ phía công ty nộp đơn đăng ký chính thức. Mặc dù thuốc kháng virus Molnupiravir vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã đặt mua loại thuốc này sau khi đại diện của Công ty này vào đầu tháng 10 vừa qua thông báo kết quả thử nghiệm giai đoạn 3.

Bộ Y tế Liên bang Nga thông báo vừa phê duyệt giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19 mới. Giấy chứng nhận này được cấp dưới dạng điện tử bằng tiếng Nga và tiếng Anh không muộn hơn 3 ngày sau khi tiêm chủng. Trên giấy sẽ có các thông tin như chứng nhận tiêm ngừa COVID-19, khỏi bệnh COVID-19 hay chống chỉ định y tế đối với việc tiêm vaccine COVID-19. Trên giấy chứng nhận cũng có mã QR.

Hiện Nga là tâm dịch COVID-19 lớn thứ 5 thế giới với trên 8,3 triệu người mắc và hơn 232.700 trường hợp thiệt mạng.

Nga đã phê duyệt giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19 mới. (Ảnh: AP)

Nga đã phê duyệt giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19 mới. (Ảnh: AP)

Bộ trưởng Bộ Y tế Hà Lan De Jonge cho biết, Chính phủ Hà Lan đang cân nhắc các biện pháp mới nhằm giảm số ca mắc COVID-19 đang gia tăng ở nước này. Phát biểu trên Đài Truyền hình quốc gia Hà Lan NOS, ông De Jonge nêu rõ: "Chúng ta sẽ phải đối mặt với sự thực là số ca mắc đang tăng nhanh hơn và sớm hơn so với dự báo".

Trước đó, vào cuối tháng 9, Chính phủ Hà Lan đã nới lỏng các biện pháp hạn chế như thay thế quy định bắt buộc duy trì khoảng cách 1,5 m bằng khuyến nghị yêu cầu người dân giữ khoảng cách. Kể từ đó, số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại và nhiều bệnh nhân nhập viện hơn. Viện Môi trường và Y tế cộng cộng quốc gia Hà Lan (RIVM) cho biết, từ ngày 24-25/10, nước này ghi nhận thêm 5.331 ca mắc mới, giảm khoảng 1.000 ca so với ngày 23/10. Tuy nhiên, số ca mắc nhìn chung vẫn tăng mạnh, với mức tăng trung bình hàng tuần là 5.272 ca/ngày.

Ngày 26/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Pierpaolo Sileri tuyên bố, nước này có thể cho phép toàn dân được tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 từ tháng 1/2022. Phát biểu với đài phát thanh Radio Capital, ông Sileri nói: "Có khả năng tất cả mọi người đều cần liều vaccine tăng cường. Đến cuối năm 2021, chúng tôi sẽ hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3 cho người cao tuổi và nhân viên y tế. Sau đó, từ tháng 1/2022, đối tượng được tiêm mũi thứ 3 sẽ được mở rộng ra toàn dân, dựa trên thời gian mọi người đã tiêm liều vaccine đầu tiên và thứ hai".

Theo số liệu thống kê mới nhất cho đến nay, tại Italy, 86% số người đủ điều kiện tiêm chủng trên 12 tuổi đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine và 82% đã được tiêm đủ liều, cao hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU).

Theo Bộ Y tế Thái Lan, đã phát hiện ca COVID-19 đầu tiên nhiễm biến thể Delta Plus, còn được gọi là AY.4.2, ở nước này. Ca nhiễm là một người đàn ông 49 tuổi làm việc tại khu vực Bang Sai của tỉnh Ayutthaya vào tháng 9. Người đàn ông này không có tiền sử đến các khu vực rủi ro hoặc ra nước ngoài. Hiện bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn và không có trường hợp mới nào được phát hiện. Các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân đã được gửi đến Viện Nghiên cứu Y khoa của Các lực lượng vũ trang Thái Lan để giải trình tự gene.

Biến thể AY.4.2 có thể lây lan mạnh hơn Delta tới 15%, tuy nhiên độc lực và khả năng kháng vaccine không khác biệt so với Delta. Đây là thông tin được Bộ Y tế Israel thông báo. Đến nay, Israel phát hiện 6 ca nhiễm AY.4.2 từ những người nhập cảnh và chưa phát hiện ca nhiễm cộng đồng. Vì vậy, Bộ Y tế nước này cho rằng chưa cần đưa ra biện pháp phòng ngừa mới.

Biến chủng AY4.2 được phát hiện tại Anh từ tháng 9. Nó chưa được coi là biến chủng đáng lo ngại nên chưa có tên theo chữ cái Hy Lạp giống một số biến chủng khác. Giới chức Anh gần đây thông báo, biến chủng AY.4.2 chiếm 6% trong tổng số ca COVID-19 được phân tích tại Anh và đang trên đà gia tăng.

Bộ Y tế Lào ngày 26/10 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 770 ca mắc mới COVID-19 và 3 trường hợp tử vong. Trong số các ca mắc mới có tới 766 trường hợp cộng đồng được ghi nhận tại 13 tỉnh thành, còn lại là người nhập cảnh được cách ly ngay.

Theo Bộ Y tế Lào, số ca mắc COVID-19 mới tại nước này vào ngày 26/10 tiếp tục tăng cao. Đáng chú ý, tình hình lây nhiễm dịch COVID-19 tại thủ đô Vientiane vẫn đang phức tạp khi gần như toàn bộ các quận, bản trên địa bàn đều đã có ca mắc và số lượng địa điểm có nguy cơ cao vẫn đang tăng. Trong 24 giờ qua, thủ đô Vientiane ghi nhận số ca cộng đồng tăng vọt và đứng đầu cả nước với 337 trường hợp.

Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 37.018 ca, trong đó có 56 người tử vong.

Tại Campuchia, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày 26/10 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4. Đây được nhận định là kết quả của chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 với tinh thần không lựa chọn vaccine, vaccine hiệu quả nhất là vaccine được tiêm sớm nhất. Theo thông báo, ngày 26/10, Campuchia ghi nhận 112 ca nhiễm COVID-19 và 8 trường hợp tử vong, trong đó có 5 người chưa tiêm vaccine. Đây là ngày thứ 9 liên tiếp quốc gia Đông Nam Á này có số ca nhiễm chỉ còn hơn 100 ca/ngày.

Trung Quốc đang nỗ lực khống chế đợt dịch bùng phát mới. (Ảnh: AP)

Trung Quốc đang nỗ lực khống chế đợt dịch bùng phát mới. (Ảnh: AP)

Theo đánh giá của Bộ Y tế Campuchia cũng như Tổ chức Y tế Thế giới tại nước này, kết quả này có được là nhờ Campuchia sớm đẩy mạnh tiêm phòng với 2 loại vaccine chủ lực là Sinovac và Sinopharm. So với đỉnh điểm bùng phát dịch cách đây 4 tháng, số ca nhiễm mới đã giảm hơn 90%, số trường hợp nhập viện giảm tới hơn 95%, số ca tử vong giảm từ hơn 30 ca xuống còn dưới 10 ca/ngày và xảy ra chủ yếu đối với người chưa tiêm vaccine.

Campuchia bắt đầu đẩy mạnh tiêm vaccine từ tháng 4/2021 cho người từ 18 tuổi trở lên, đến đầu tháng 8 tiếp tục tiêm cho trẻ em và vị thành niên từ 12 đến 17 tuổi và cách đây hơn 1 tháng, nước này tiếp tục tiêm cho trẻ từ 6 đến 12 tuổi. Tính đến ngày 26/10, Campuchia đã tiêm được gần 13,7 triệu người, chiếm hơn 85% dân số cả nước với hơn 90% là hai loại vaccine Sinovac và Sinopharm.

Ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin đặt mục tiêu, chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi sẽ được tổ chức vào đầu năm 2022 nếu các thử nghiệm lâm sàng được hoàn tất. Bộ trưởng Budi cho biết, có 3 nhãn hiệu vaccine phòng COVID-19 đang được tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em, cụ thể đó là vaccine do các hãng Sinovac, Sinopharm (Trung Quốc) và Pfizer (Mỹ) sản xuất. Bộ Y tế cùng Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) vẫn đang chờ kết quả giai đoạn ba thử nghiệm lâm sàng.

Hiện Chính phủ Indonesia đang tiếp tục xem xét kế hoạch sử dụng vaccine COVID-19 cho trẻ em. Nếu BPOM cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA), việc triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi sẽ ngay lập tức được bắt đầu.

Ngày 26/10, Trung Quốc bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 3-11 tuổi. Trung Quốc đang triển khai tiêm các vaccine của các hãng Sinovac và Sinopharm cho trẻ từ 3-11 tuổi. Hai loại vaccine trên cũng đã được tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên ở nước này. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực khống chế đợt dịch bùng phát mới nhất với số ca mắc tăng nhiều hơn so với thời điểm trước khi xuất hiện biến thể Delta.

Trung Quốc ngày 26/10 thông báo phong tỏa thành phố Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc ở Tây Bắc với 4 triệu dân trong nỗ lực ngăn bùng phát dịch trong cộng đồng. Trước đó, Trung Quốc thông báo, trong số 29 ca mắc mới trong cộng đồng có 6 ca ở Lan Châu. Giới chức Lan Châu cho biết, người dân được yêu cầu chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thực sự cần thiết. Việc ra vào thành phố của người dân sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt, ngoại trừ các trường hợp khám chữa bệnh và cung cấp hàng hóa thiết yếu.

Cùng ngày, chính quyền khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cho biết sẽ tiếp tục duy trì các biện phán hạn chế đi lại nghiêm ngặt để phòng dịch, dù 2 tháng qua tại đây không xảy ra đợt bùng phát lớn nào trong cộng đồng. Hiện phần lớn người đến Hong Kong phải cách ly tại khách sạn từ 14 đến 21 ngày, chỉ một số đối tượng được miễn cách ly hoặc cách ly tại nhà, gồm các nhà ngoại giao và lãnh đạo doanh nghiệp cũng như một số người Trung Quốc đại lục có thẻ cư dân Hong Kong. Hiện chính quyền Hong Kong đang thảo luận với giới chức Trung Quốc đại lục nhằm khôi phục đi lại giữa hai bên.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh