Covid-19: Đặt quyền lợi người lao động cao hơn tính toán kinh tế
- Tây Y
- 00:55 - 30/10/2020
Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Đa phương 2020 với chủ đề "Ứng phó có trách nhiệm trong quản trị khủng hoảng: Chia sẻ kinh nghiệm từ Đại dịch Covid-19" diễn ra hôm nay 29/10, tại Hà Nội.
Không sa thải lao động, chỉ giãn việc, giảm lương
Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Samsung Việt Nam và Tổng LĐLĐVN phối hợp tổ chức, với sự tham dự của đại biểu từ các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Bộ và các cơ quan ngang Bộ; cùng gần 250 khách mời trực tuyến từ các tổ chức phi Chính phủ, các hiệp hội, viện nghiên cứu, chuyên gia, cán bộ công đoàn và doanh nghiệp.
Tại Diễn đàn, các đại biểu nhấn mạnh, dịch Covid-19 đã và đang được kiểm soát tốt tại Việt Nam, song nguy cơ lây nhiễm vẫn còn hiện hữu. Thách thức chưa từng có từ đại dịch Covid-19 đã làm bật lên tầm quan trọng hơn bao giờ hết các giá trị của 'đồng thịnh vượng' và 'ứng phó với khủng hoảng theo cách có trách nhiệm xã hội'.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, chính trong thách thức của đại dịch Covid-19, Việt Nam được quốc tế công nhận đã nhanh chóng có hành động ứng phó hiệu quả.
"Mọi người đã được chứng kiến khả năng bền bỉ duy trì việc làm cho người lao động, nỗ lực phục hồi, tái cấu trúc mạnh mẽ của các doanh nghiệp để vượt qua khủng hoảng, cùng sự đoàn kết, hỗ trợ, chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, giữa Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng để cùng nhau chung tay đẩy lùi dịch bệnh", ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, cuối quý I/2020, khi đợt dịch đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, "rất nhiều doanh nghiệp lao đao, gặp muôn vàn khó khăn và nhiều doanh nghiệp lo ngại không thể trụ vững".
Tuy nhiên, ông Lộc cho hay, theo khảo sát mới nhất của VCCI, đến cuối quý III, đến 80% doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
"Hầu hết các doanh nghiệp không sa thải lao động, chỉ giãn việc, giảm giờ làm, giảm lương. Nỗ lực này của doanh nghiệp đã được người lao động chia sẻ, cảm thông để chung tay đẩy lùi dịch bệnh…", ông Lộc nói
Cho rằng nhiều doanh nghiệp đã biến "nguy thành cơ", ông Lộc dẫn chứng, doanh nghiệp dệt may chuyển sang may khẩu trang xuất khẩu; doanh nghiệp thì sản xuất các vật dụng, thiết bị y tế…
Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động
Tại sự kiện, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nêu, tính đến thời điểm này, Covid-19 đã khiến khoảng 7,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng khi phải giãn việc, nghỉ việc luân phiên, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương.
Nhiều người lao động, nhất là công nhân và một bộ phận giáo viên ngoài công lập vốn có thu nhập không cao nay bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, Chính phủ, các doanh nghiệp cũng như Tổng LĐLĐVN đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động.
"Chung tay chăm lo lợi ích, bảo vệ quyền lợi của người lao động, động viên người lao động chung tay nỗ lực vượt khó, thực hiện "mục tiêu kép" để có việc làm bền vững và thu nhập ổn định, giúp doanh nghiệp đứng lên sau Covid-19″, ông Hiển nói.
Đại dịch đã gây ra những tác động tiêu cực tới Việt Nam, các doanh nghiệp trên toàn thế giới và Samsung Việt Nam cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng đó.
Tuy nhiên, trong thời gian dịch Covid-19, bên cạnh việc duy trì các chế độ phúc lợi và nỗ lực thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của các nhân viên và cộng đồng địa phương, Samsung vẫn luôn đảm bảo để không một nhân viên nào bị mất việc làm và nghỉ không lương.
Nói về hành động của doanh nghiệp, ông Huyn-Seung Park, Giám đốc An toàn, Sức khỏe và Môi trường của Tổ hợp Samsung Việt Nam cho hay, doanh nghiệp luôn đặt quyền lợi của người lao động cao hơn tính toán kinh tế.
Ông Huyn-Seung Park khẳng định, Samsung đã không ngừng tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh để giữ chân, đảm bảo an toàn cho người lao động, đồng thời nỗ lực duy trì sự ổn định sản xuất, giữ vững mục tiêu xuất khẩu.
Cũng nói về vấn đề trên, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP may Hưng Yên, trong khó khăn về đại dịch, nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải thỏa thuận với người lao động về việc cắt giảm lương thưởng.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã phát triển lâu đời sẽ có nguồn quỹ dự phòng, trích từ nguồn quỹ này thì người lao động không bị thiệt thòi.
"Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp dệt may cũng đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ, chuyển hướng sản xuất sang những mặt hàng có nhu cầu cao như đồ bảo hộ, khẩu trang… để thích nghi, giảm thiểu khó khăn, giữ việc làm cho người lao động", ông Dương cho biết.
Trước thực trạng của doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI cho rằng, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, khó đòi hỏi gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền đủ lớn, nên cộng đồng doanh nghiệp cần gói hỗ trợ bằng cách thúc đẩy cải cách, đổi mới thể chế, môi trường kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính để hỗ trợ hoạt động sản xuất được thuận lợi, từ đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
"Nhiều doanh nghiệp lớn cho biết họ không cần tiền, chỉ xin cơ chế nên một giai đoạn mới để tăng tốc cải cách thể chế, thủ tục hành chính sẽ là "vũ khí" quan trọng nhất cho doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng các chính sách cần được ban hành kịp thời, đảm bảo sự công bằng", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Với các phiên thảo luận tập trung vào vấn đề ứng phó một cách có trách nhiệm xã hội trước khủng hoảng, nơi các giải pháp đặt con người vào vị trí ưu tiên số một cùng với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ, Diễn đàn Đa phương 2020 được kỳ vọng góp phần vào các nỗ lực chung cho tiến trình hồi phục sau đại dịch và cách thức ứng phó có trách nhiệm với các cuộc khủng hoảng có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai.