CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:59

COVID-19 có thể tác động đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ em

Cứ 7 em thì hơn 1 trẻ vị thành niên chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần

Lần đầu tiên trong lịch sử, báo cáo “Tình hình Trẻ em Thế giới 2021; Trong tâm trí tôi: thúc đẩy, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ em” xem xét các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của trẻ em và thanh thiếu niên. Đặc biệt tập trung vào việc phân tích cách các yếu tố nguy cơ và bảo vệ tại gia đình, trường học và cộng đồng trong việc hình thành kết quả liên quan đến sức khỏe tâm thần. Trong bối cảnh nhận thức ngày càng cao về các vấn đề sức khỏe tâm thần và mong muốn hành động ngày càng tăng, báo cáo cho rằng chúng ta đang có cơ hội duy nhất để thúc đẩy sức khỏe tâm thần cho mọi trẻ em, bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương và chăm sóc trẻ em đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất.

Trẻ em ở sân chơi trường học tại Niamey – thủ đô của Niger.

Trẻ em ở sân chơi trường học tại Niamey – thủ đô của Niger.

Theo báo cáo, đại dịch COVID-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên cũng như các bậc cha mẹ và người chăm sóc. Nhưng đại dịch có thể chỉ cho thấy phần nổi của tảng băng chìm về sức khỏe tâm thần - một tảng băng mà họ cho rằng đã không được chú ý trong một thời gian quá dài. Báo cáo yêu cầu đầu tư khẩn cấp vào sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên trong các lĩnh vực, không chỉ trong lĩnh vực y tế. Những can thiệp trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội đã đươc chứng minh là có hiệu quả, ví dụ như các chương trình làm cha mẹ và các chương trình trong các nhà trường. Báo cáo kêu gọi xã hội phá vỡ sự im lặng xung quanh vấn đề sức khỏe tâm thần, bằng cách xóa bỏ kỳ thị, tăng cường hiểu biết và xem xét nghiêm túc những trải nghiệm của trẻ em và thanh niên.Theo số liệu ước tính mới nhất, cứ 7 em thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu đã bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Mỗi năm có gần 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử, khiến đây trở thành một trong năm nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi này. Trong khi đó, giữa nhu cầu về sức khỏe tâm thần và kinh phí hỗ trợ sức khỏe tâm thần vẫn còn tồn tại khoảng cách lớn. Báo cáo cho thấy khoảng 2% ngân sách cho y tế của chính phủ được phân bổ vào chi tiêu cho sức khỏe tâm thần trên toàn cầu.

Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore chia sẻ: “18 tháng qua là khoảng thời gian dài đằng đẵng đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là trẻ em. Những đợt phong tỏa toàn quốc và việc hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch đã khiến các em phải trải qua những năm tháng cuộc đời khó quên khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp, việc vui chơi – những yếu tố then chốt của tuổi thơ. Đại dịch đã gây ra tác động đáng kể, song đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Từ trước khi đại dịch bùng phát, đã có quá nhiều trẻ em phải gánh chịu những vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được giải quyết. Đầu tư của các chính phủ vào việc đáp ứng những nhu cầu cấp thiết này còn quá hạn chế. Mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và kết quả cuộc sống trong tương lai chưa được quan tâm đúng mức”.

Kêu gọi chính phủ và đối tác hành động nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ em

Quả thực, đại dịch đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề. Theo kết quả ban đầu từ một cuộc khảo sát quốc tế về trẻ em và người trưởng thành ở 21 quốc gia được thực hiện bởi UNICEF và Gallup – đơn vị được đề cập trong Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới năm 2021, trung bình cứ 5 người trong độ tuổi từ 15-24 được khảo sát thì có 1 người cho biết họ cảm thấy chán nản hoặc hầu như không có hứng thú làm bất cứ việc gì.

Theo dữ liệu mới nhất từ UNICEF, cứ 7 em thì có ít nhất 1 em trong tổng trong tổng số trẻ em trên toàn cầu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục. Gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập gia đình và sức khỏe đang khiến nhiều người trẻ rơi vào cảnh lo sợ, tức giận và băn khoăn về tương lai. Một cuộc khảo sát trực tuyến tại Trung Quốc hồi đầu năm 2020 được trích dẫn từ Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới đã chỉ ra rằng khoảng 1/3 số người tham gia cho biết họ cảm thấy sợ hãi và lo âu.

Những rối loạn tâm thần được chẩn đoán bao gồm rối loạn tăng động giảm chú ý, lo âu, tự kỷ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm, rối loạn ăn uống, khuyết tật trí tuệ và tâm thần phân liệt có thể gây tổn hại đáng kể đến sức khỏe, việc học tập, kết quả cuộc sống và năng lực tạo gia thu nhập sau này của trẻ em và thanh thiếu niên. Không chỉ gây tác động khôn lường đối với cuộc sống của trẻ em, rối loạn tâm thần dẫn đến khuyết tật hoặc tử vong ở thanh thiếu niên còn làm thâm hụt khoản đóng góp ước tính lên tới gần 390 tỷ USD mỗi năm cho các nền kinh tế, theo một phân tích mới của Trường Kinh tế London có trong báo cáo.

Báo cáo cảnh báo rằng, quá nhiều trẻ em đang bị ngăn trở bởi những rào cản lớn như sự kỳ thị và tình trạng thiếu hụt kinh phí trong việc đạt được sức khỏe tâm thần tích cực hoặc tiếp cận sự hỗ trợ cần thiết.

Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới năm 2021 kêu gọi các chính phủ, đối tác trong khu vực công và tư nhân cam kết, trao đổi và hành động nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần cho tất cả trẻ em, trẻ vị thành niên và người chăm sóc, bảo vệ những người cần giúp đỡ và chăm sóc những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, thông qua: Đầu tư khẩn cấp cho sức khỏe tâm thần của trẻ em và trẻ vị thành niên không chỉ trong ngành y tế mà còn nhiều ngành khác, nhằm hỗ trợ phương pháp tiếp cận toàn xã hội trong công tác phòng ngừa, thúc đẩy và chăm sóc. Tích hợp và nhân rộng các can thiệp dựa trên bằng chứng trong lĩnh vực y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội, bao gồm các chương trình nuôi dạy con cái đóng vai trò thúc đẩy chăm sóc nuôi dưỡng mang tính đáp ứng và hỗ trợ sức khỏe tâm thần của cha mẹ và người chăm sóc; đảm bảo các trường học hỗ trợ sức khỏe tâm thần thông qua các dịch vụ chất lượng và những mối quan hệ tích cực. Phá vỡ sự im lặng xoay quanh bệnh lý về tâm thần thông qua việc giải quyết sự kỳ thị, thúc đẩy hiểu biết tốt hơn về sức khỏe tâm thần và nhìn nhận những trải nghiệm của trẻ em và thanh thiếu niên một cách nghiêm túc.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh