THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:21

Công ty TNHH MTV QLĐS Thanh Hóa: Đảm bảo an toàn giao thông đường sắt

 

Đảm bảo ATGT cho tàu Thống Nhất Bắc - Nam chạy qua cầu Hàm Rồng - TP Thanh Hoá.

 

Toàn tuyến có 84 đường ngang (điểm giao cắt hợp pháp giữa đường sắt, đường bộ) bao gồm: 30 đường ngang có người gác, 21 đường ngang cảnh báo tự động và 33 đường ngang có biển báo; 203 đường dân sinh (điểm giao cắt bất hợp pháp). Cung đường công ty quản lý trải dài qua nhiều vùng địa lý khác nhau, từ các đô thị dân cư đông đúc, miền đồng bằng chiêm trũng đến những vùng đồi núi nên công tác quản lý đường sắt gặp không ít khó khăn. Nhưng với tinh thần xung kích, sáng tạo, trong thời gian qua, CBCNVC Công ty TNHH MTV Quản lý Đường sắt Thanh Hoá đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa trong sản xuất được áp dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị như Đảng bộ, công đoàn, đoàn thanh niên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Lãnh đạo công ty đặc biệt chú trọng đến chất lượng công tác quản lý, duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, các công trình cầu, đường, ghi… các công trình trong phạm vi công ty quản lý luôn bảo đảm đạt chất lượng. Công tác kiểm tra áp máy, kiểm tra hệ tuần gác được tăng cường. Công tác đảm bảo tuyệt đối an toàn, nâng cao năng suất lao động luôn được coi trọng.

Nhằm bảo đảm giữ vững công lệnh tốc độ chạy tàu, trong khi nguồn vốn dành cho việc duy tu, sửa chữa đường sắt còn nhiều khó khăn, ban lãnh đạo công ty đã cân đối nguồn vốn được duyệt, xây dựng kế hoạch đầu tư các vị trí trọng điểm, thi công sửa chữa dứt điểm từng phân đoạn tạo độ ổn định nền đường để giảm công duy tu cho những năm tiếp theo. Đến nay, công ty  đã xử lý dứt điểm được 10/30 km nền đất yếu, điểm phụt bùn toàn tuyến. Đồng thời đê nâng cao năng suất lao động, hiện đại hóa công tác sửa chữa cầu đường, Công ty đã ứng dụng các loại máy móc thiết bị trong thi công duy tu sửa chữa đường sắt, như xiết phụ kiện bằng máy TEM2, nâng mối gục bằng máy JA, chèn đường bằng máy chèn 08-8GS của CH Áo, sàng đá bằng máy sàng đá RM 74BRU của Cộng hòa Áo, thay tà vẹt bằng máy MRT2 của CH Pháp, kiểm tra đường bằng thước CRFF…

Hiện nay, công ty đang tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ “hàn nối dài thanh ray”. Đây là  công nghệ hoàn toàn mới, được phát triển từ công nghệ “ray hàn liền” của Nhật Bản để hàn lại những thanh ray có chiều dài đến 25 m. Phương pháp như sau: Lựa chọn những thanh ray mà mặt lăn còn sử dụng được nhưng đầu ray đã bị dập bẹp, cắt phần dập bẹp để hàn nối chúng lại với nhau bằng máy hàn ga TGP5 hoặc hàn nhiệt nhôm. Điểm quan trọng nhất trong công nghệ này chính là từ việc nắm bắt kỹ thuật, công nghệ hàn liền ray, để vận dụng linh hoạt với điều kiện vật liệu, hạ tầng kỹ thuật và khí hậu thời tiết của Việt Nam. Để nâng cao năng suất lao động, công ty đã lắp đặt thành công hệ cần chắn tời điện tại chắn đường ngang Km177+634, Km 178+200 thay cho việc quay cần chắn bằng thủ công, tiến tới áp dụng đồng loạt trên toàn tuyến.

Công tác thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh Thanh Hóa. Công ty cùng với địa phương đã tổ chức họp phân rõ trách nhiệm từng bên đối với các địa phương và tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đến từng xã, phường như: Xây dựng kế hoạch, biện pháp đảm bảo an toàn cho từng giai đoạn, từng thời điểm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ làm công tác đảm bảo an toàn chạy tàu, cảnh giới. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, đài phát thanh, truyền hình, trường học…Công ty cùng với địa phương rà soát các lối đi dân sinh lập kế hoạch cụ thể để có lộ trình xóa bỏ, làm đường gom, không để phát sinh các lối đi mới. Đối với các lối đi dân sinh nguy hiểm không có lối di khác tổ chức cắm biển “CHÚ Ý TÀU HỎA”, biển "CHỈ DẪN AN TOÀN GIAO THÔNG" hoặc tổ chức cảnh giới. Đảm bảo an toàn tại các đường ngang: Cắm đầy đủ biển báo hiệu, làm vạch dừng, gờ giảm tốc, sửa mặt đường đảm bảo êm thuận cho phương tiện qua lại. Trong thời gian qua đã kết hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương tuyên truyền về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt và việc thực hiện quyết định 1856 của Chính phủ. Phối hợp cùng với Đội Thanh tra - An toàn 4 Cục Đường sắt, PC67 CA tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền luật giao thông đường sắt tại các trường học như Minh Khôi, Tùng Lâm… phát tờ rơi, đĩa tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông đường sắt tới 49 xã phường có đường sắt đi qua. Đã tham mưu cho Sở GTVT Thanh Hóa lập dự án đầu tư sửa chữa các điểm giao cắt như: Cắm đầy đủ biển báo, biển “CHÚ Ý TÀU HỎA”, biển "CHỈ DẪN AN TOÀN GIAO THÔNG"; sơn vạch dừng, gờ giảm tốc; sửa chữa lại mặt đường bộ các điểm giao cắt. Kinh phí thực hiện dự án là 6,5 tỷ đồng; do UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh Thanh Hoá hỗ trợ. Phát quang tầm nhìn các điểm giao cắt, xây dựng hàng rào đường gom xóa đường dân sinh, được Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 522 triệu đồng. Cắm biển chỉ dẫn ATGT tại các lối đi, nơi tập trung đông người gần đường sắt 30 biển với kinh phí là 130 triệu đồng. 

Thu Hương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh