Công trình Kè bờ hồ Hoàn Kiếm khẳng định công nghệ, trí tuệ Việt Nam
- Tây Y
- 06:06 - 28/10/2022
Vượt qua nhiều công trình tiêu biểu, công trình “Kè bảo vệ bờ Hồ Hoàn Kiếm bằng công nghệ bê tông cốt phi kim, thành mỏng, khối rỗng, liên kết module” của tác giả Hoàng Đức Thảo - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) đã vinh dự nhận giải Nhất giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam (Vifotec) năm 2021.
Đây là công trình dự thi thuộc lĩnh vực công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên. Theo đó, Dự án xây dựng mới kè xung quanh hồ Hoàn Kiếm có chiều dài 1540 mét; cao trình kè thay đổi từ +8.00m đến +8.57m, cao độ đáy hồ trung bình +5.6m, với thời gian thực hiện từ tháng 06/2020 đến tháng 08/2020, công trình đã hoàn thành sau 65 ngày, về đích trước 2 tháng so với thời gian yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
Công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả đặc biệt về kỹ thuật, kinh tế - xã hội, văn hóa, xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở, lún sụt, sập xệ, nhếch nhác. Với công nghệ mới bền vững, công trình đã đáp ứng Quy chuẩn quốc gia công trình bậc 1 có tuổi thọ trên 100 năm. Vì vậy, hàng năm sẽ không phải duy tu, sửa chữa, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng. So với các lần trước đây đã làm mới, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa vào các năm 1958, 1992, 2012 đã phải bỏ ra chi phí sửa chữa với số tiền từ 1 tỷ - 10 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công trình đảm bảo thẩm mỹ khôi phục mang tính chất bảo tồn, trùng tu, tôn tạo hình dáng nguyên trạng, duy trì truyền thống, bản sắc văn hoá lịch sử quần thể di sản văn hoá đặc biệt, di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt. Về các kết quả kiểm định, quan trắc đảm bảo chất lượng bền vững, ổn định cấu kiện, ổn định công trình đáp ứng tất cả các mục tiêu của dự án đề ra, quá trình thi công không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, văn hóa xã hội của người dân. Sau 2 năm hoàn thành, rêu phong đã phủ lên kè đồng nhất với các di tích lịch sử, công trình ổn định, bền vững, mỹ quan đẹp
Được biết, ngoài giải nhất Vifotec 2021, mới đây, công trình kè Hồ Gươm còn đoạt giải đặc biệt Canada của tổ chức hợp tác sáng tạo- hiệp hội các nhà phát minh sáng chế năm 2022; Huy chương vàng cuộc thi Sáng tạo Sáng chế Quốc tế lần thứ 7- iCAN 2022. Năm 2020, UBND thành phố Hà Nội cũng đã tặng hai Bằng khen cho công ty BUSADCO và cá nhân ông Tổng Giám đốc Hoàng Đức Thảo về thành tích xây dựng kè; Công trình kè đã được Hội Nhà báo Việt Nam – Câu lạc bộ nhà báo Khoa học và Công nghệ bình chọn là một trong mười sự kiện khoa học và công nghệ năm 2020; Được sự đồng tình ủng hộ của hầu hết các Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành tham gia góp ý. Đây chính là bằng chứng xác thực nhất đánh giá tính hiệu quả đặc biệt mà “Công nghệ, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm” mang lại.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, Công nghệ, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công kè hồ Hoàn Kiếm có khả năng ứng dụng rộng rãi tại Hà Nội và trên cả nước vì đã triển khai thành công, mang lại hiệu quả đặc biệt về kỹ thuật, kinh tế - xã hội, văn hóa. Mặt khác, cấu kiện được sản xuất công nghiệp trên dây chuyền công nghệ hiện đại: Bê tông cốt phi kim đúc sẵn, đã khẳng định giá trị, thương hiệu và được ứng dụng rộng rãi trên cả nước.
Công nghệ bê tông cốt sợi phi kim đúc sẵn (mục 95) & sản phẩm bê tông cốt sợi phi kim đúc sẵn (mục 91) cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 về Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Hiện nay, công nghệ đã được đề xuất để xây dựng kè bờ hồ Trúc Bạch (đã thử nghiệm 5 mét) và hồ Đống Đa, thành phố Hà Nội.
TS Hoàng Đức Thảo (trái), Tổng Giám đốc Công ty cổ phần khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) kiểm tra công trình kè hồ Hoàn Kiếm.
Công trình kè Hồ Hoàn Kiếm của TS Hoàng Đức Thảo-Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (BUSADCO) người được biến đến là “vua sáng chế” bởi tính đến nay ông là tác giả của 102 bằng độc quyền Sáng chế, bằng Độc quyền Giải pháp Hữu ích và Quyết định; 223 bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp và Quyết định; 04 Kỷ lục quốc gia; 17 giải thưởng quốc tế về sáng tạo khoa học công nghệ từ chính quá trình nghiên cứu, thực hành và thực chứng kết quả trong thực tiễn để phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, xã hội.